Banner trang chủ

Việt Nam cần đẩy mạnh điều tra buôn lậu động vật hoang dã

30/11/2021

    Theo Báo cáo mới công bố của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA), trong số ít nhất 120 vụ thu giữ sừng tê giác, vảy tê tê và ngà voi tại Việt Nam kể từ năm 2010, chỉ 17 vụ dẫn đến kết án, chiếm khoảng 14%. Không ít lô hàng lậu bị thu giữ với số lượng lớn, là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tuy nhiên, Việt Nam khá chậm trong việc theo đuổi các cuộc điều tra tiếp sau đó.

    Đáng chú ý, một nửa số lô hàng bị thu giữ trong các vụ nêu trên có xuất xứ từ các nước châu Phi, minh chứng Việt Nam là trung tâm nhập khẩu các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp từ châu lục này. Cũng từ năm 2010, Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn bán các bộ phận và sản phẩm của ít nhất 18.000 cá thể voi, 111.000 cá thể tê tê và 976 cá thể tê giác với 75% trong số này có nguồn gốc từ châu Phi. EIA đánh giá, các mạng lưới tội phạm động vật hoang dã của Việt Nam đã hoạt động ở châu Phi gần hai thập kỷ, trong đó Nigeria, Nam Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) là những điểm nóng lớn.

    Gần hai năm nay, mặc dù đại dịch cản trở không nhỏ hoạt động buôn lậu động vật hoang dã nhưng các mạng lưới tội phạm vẫn duy trì hoạt động và thích nghi với bối cảnh toàn cầu. Vấn đề càng đáng ngại hơn khi các hoạt động phòng dịch đã dần được nới lỏng. Ngay khi Nam Phi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, số tê giác bị săn trộm tại nước này đã tăng 50% trong 6 tháng đầu năm so với năm 2020. Riêng tại Nigeria, từ đầu tháng 1 đã có 3 vụ thu giữ lớn động vật hoang dã và một trong số này dự kiến chuyển sang Việt Nam với tổng khối lượng 19 tấn ngà voi, vảy tê tê lậu.

Các mặt hàng ngà voi được bày bán tại Việt Nam (Ảnh: TRAFFIC)

    Tháng 7/2021, cơ quan chức năng Việt Nam cũng tịch thu 138 kg sừng tê giác tại cảng Đà Nẵng, tương đương 50 cá thể tê giác từ Nam Phi. Đây là lô hàng sừng tê giác lớn nhất bị thu giữ tại Việt Nam kể từ năm 2015. EIA cho rằng, những lô hàng lậu quy mô như thế này là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của các nhóm tội phạm động vật hoang dã nhưng Việt Nam khá chậm trong việc tiến hành điều tra sâu các vụ thu giữ. Kể từ năm 2018, có khoảng 15 tấn ngà voi và 36 tấn vảy tê tê, tương ứng 2.200 cá thể voi, 36.000 cá thể tê tê bị thu giữ tại các cảng biển địa phương mà các đối tượng không hề bị bắt giữ hay kết án.

    “Việt Nam đã thực hiện nhiều vụ thu giữ nhưng chỉ riêng thu giữ không đủ sức răn đe đối với các đường dây buôn lậu động vật hoang dã vì biện pháp này chỉ gây tổn thất nhỏ và các đối tượng có thể dễ dàng thu hồi lợi nhuận trong các chuyến hàng tiếp theo. Điều đáng nói là các vụ thu giữ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi hầu hết các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp đến và rời khỏi Việt Nam mà không bị phát hiện”, Báo cáo nhấn mạnh.

    Theo EIA, việc không điều tra tiếp các vụ bắt giữ quy mô lớn tại các cảng biển là một lỗ hổng đáng kể, cho thấy việc thực thi pháp luật chưa đầy đủ và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan bao gồm lực lượng hải quan, công an. Do đó, Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp giữa cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và cơ quan chức năng ở các nước đầu mối bao gồm Nigeria và Nam Phi cũng như các quốc gia trung chuyển như Campuchia, Malaixia, Singapo, Trung Quốc - Thị trường tiêu thụ chủ yếu động vật hoang dã. Quá trình này bao gồm việc thu thập, chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia liên quan ở châu Phi, châu Á để tiến hành điều tra sâu những vụ thu giữ xảy ra tại các cảng biển Việt Nam. Đáng chú ý là hoạt động điều tra các tội phạm tài chính khác như rửa tiền, hối lộ, trốn thuế cũng góp phần xác định và ngăn chặn các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã.

    Bên cạnh những hạn chế trong điều tra buôn lậu động vật hoang dã, Báo cáo cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống nhóm tội phạm này những năm gần đây. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tăng hình phạt đáng kể đối với tội phạm động vật hoang dã, số vụ bị bắt giữ cũng tăng 44% và Việt Nam cũng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về ngà voi, sừng tê giác giai đoạn 2018 - 2020 theo hướng cam kết trao đổi thông tin về các vụ bắt giữ với các quốc gia nguồn dù sự hợp tác này còn ít nhiều hạn chế.

Giáng Hương (Theo Mongabay)

Ý kiến của bạn