01/08/2022
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận chính sách giúp các nhà hoạch định, nhà quản lý nhìn nhận sự vận hành của nền kinh tế và tìm ra giải pháp hoàn thiện thúc đẩy xã hội áp dụng KTTH. Có nhiều công cụ chính sách khác nhau đang được bàn luận và áp dụng tại các quốc gia trên thế giới như mua sắm công xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility-EPRs), tài chính xanh, nhãn sinh thái, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ về thuế/phí… Một trong những công cụ có vai trò quan trọng để thúc đẩy áp dụng KTTH là “tiêu chuẩn, quy chuẩn”. Bài viết phân tích vai trò, ý nghĩa trong tiếp cận về tiêu chuẩn, quy chuẩn, xu hướng phát triển tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH và khuyến nghị cho Việt Nam.
1. Một số vấn đề chung về kinh tế tuần hoàn
KTTH thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính - chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, hệ quả là tạo ra một lượng phế thải khổng lồ sang mô hình chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, giảm tác động xấu đến môi trường.
KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính là duy trì và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các cấp độ nỗ lực khác nhau. Theo đó, trong KTTH giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và tạo ra chất thải tối thiểu”.
Các biện pháp thực hiện KTTH rất đa dạng thông qua các hình thức khác nhau như từ chối sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường, áp dụng các biện pháp sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, cộng sinh công nghiệp để đạt được mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tối đa lượng chất thải thải ra môi trường.
Hình 1. Sơ đồ cánh bướm mô phỏng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn
KTTH vận hành theo cách tiếp cận hệ thống với đầy đủ 5 khâu gồm thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và chuyển chất thải thành tài nguyên. KTTH không chỉ là quản lý chất thải, tận dụng chất thải nhưng quản lý chất thải là trọng tâm của KTTH.
KTTH có thể nhận diện, đánh giá ở nhiều cấp độ khác nhau gồm cấp vĩ mô (một quốc gia, một vùng), cấp độ trung gian theo không gian của một khu đô thị để hình thành ra khu đô thị tuần hoàn, cấp độ vi mô theo từng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cụ thể hoặc cấp độ từng sản phẩm.
KTTH tạo ra cơ hội mới và yêu cầu mới cho doanh nghiệp. Thông qua việc đổi mới, sáng tạo , áp dụng các nguyên tắc, biện pháp của KTTH, tận dụng các công nghệ, thiết bị và số hóa sẽ tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp để hình thành ra các mô hình kinh doanh tuần hoàn (OECD, 2003): (i) Hình thành mối quan hệ với khách hàng thông qua việc cung cấp các dịch vụ thay vì bán sản phẩm; (ii) thiết kế sản phẩm hoặc quy trình sản xuất kinh doanh theo nguyên lý tuần hoàn; (iii) hình thành chuỗi giá trị tuần hoàn; (iv) bản sắc bền vững thông qua việc xem xét bán hàng theo nguyên lý tuần hoàn là cách tiếp cận độc đáo và hấp dẫn.
KTTH đôi khi được coi là một cách để bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự khan hiếm tài nguyên và biến động giá cả liên quan. KTTH tạo ra nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, nhận diện và đánh giá các nguyên liệu và sản phẩm. Những nhu cầu chính như: công nghệ thu gom, phân loại và tái chế tiên tiến; công nghệ xử lý vật liệu hiệu quả; công nghệ sản xuất hỗ trợ thiết kế để lưu thông sản phẩm; nền tảng tương tác để tăng cường kết nối, chia sẻ. Dựa trên các nguyên tắc đó, các doanh nghiệp vận dụng các chiến lược tuần hoàn nguyên liệu, vật liệu có thể được áp dụng gồm: (i) Đóng các vòng lặp thông qua thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm, loại bỏ việc khai thác, sử dụng các vật liệu; (ii) làm chậm vòng lặp nguyên vật liệu: giữ cho các vật liệu được sử dụng lâu dài; (iii) thu hẹp vòng lặp thông qua việc sử dụng ít hơn nguyên liệu, vật liệu nhưng cho nhiều mục đích hơn.
Bảng 1. Các động lực giá trị của kinh tế tuần hoàn và các lợi ích liên quan đến người tiêu dùng
Động lực về giá trị |
Phương pháp |
Kéo dài thời gian và chu trình sử dụng của các tài sản
|
- Thiết kế để kéo dài tuổi thọ, làm cho sản phẩm tồn tại lâu hơn - Thiết kế để có thể tái chế dễ dàng hơn - Thiết kế để dễ dàng sửa chữa và nâng cấp - Bao gồm hướng dẫn để bảo trì |
Tăng cường tính hữu ích của các tài sản hoặc tài nguyên |
- Tăng cường việc chia sẻ các tài sản - Tăng cường năng suất tài nguyên - Hạn chế các tác động tiêu cực |
Vòng lặp hoặc phân tầng tài sản thông qua tuần hoàn sử dụng bổ sung |
- Tái sử dụng nguyên liệu - Tái chế nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng để làm nguyên liệu thô đầu vào - Tân trang các tài sản |
Tái tạo vốn tự nhiên |
- Trả lại chất dinh dưỡng sinh học cho đất - Hạn chế, tránh xói mòn đất - Tái tạo lại chất dinh dưỡng của đất - Duy trì đa hệ sinh thái đại dương |
Nguồn: Anbu, 2018
2. Vai trò của tiêu chuẩn cho kinh tế tuần hoàn
Theo Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên 3 nguyên tắc chính là [5] duy trì và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu suất toàn hệ thống bằng cách tối thiểu các ngoại ứng tiêu cực ở tất cả các cấp độ nỗ lực khác nhau. Theo đó, trong KTTH giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt và tạo ra chất thải tối thiểu” [6].
Các biện pháp thực hiện KTTH bao gồm, chiến lược tuần hoàn nguyên liệu, vật liệu có thể được áp dụng gồm: (i) đóng các vòng lặp thông qua thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm, loại bỏ việc khai thác, sử dụng các vật liệu; (ii) làm chậm vòng lặp nguyên vật liệu để giữ cho các vật liệu được sử dụng lâu dài; (iii) thu hẹp vòng lặp thông qua việc sử dụng ít hơn nguyên liệu, vật liệu nhưng cho nhiều mục đích hơn.
Trong KTTH, hiệu quả nguyên vật liệu là một phần quan trọng, bao gồm bảo tồn các nguyên vật liệu thông qua việc tạo ra các sản phẩm bền hơn và có thể sửa chữa thuận tiện hơn và đồng thời hỗ trợ việc phục hồi và tái chế nguyên liệu ở cuối vòng đời sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng của hiệu quả nguyên liệu là giữ cho các dòng nguyên vật liệ được sử dụng càng lâu càng tốt. Các chiến lược thuận lợi nhất yêu cầu thiết kế các sản phẩm gắn với tuổi thọ sản phẩm lâu hơn bằng cách sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, trong khi các chiến lược ít thuận lợi thể hiện sự tổn thất tài nguyên do đốt vật liệu và thu hồi năng lượng. Trong KTTH, các bãi chôn lấp không phải là lựa chọn tối ưu.
Hình 2. Chu trình kỹ thuật của kinh tế tuần hoàn
Để tạo cho các sản phẩm được lâu bền hơn, các tiêu chuẩn là cần thiết để đảm bảo tính an toàn, hiệu suất và độ tin cậy của sản phẩm được xem xét đầy đủ. Thậm chí các vấn đề dữ liệu và bảo mật cũng cần phải được xem xét khi các sản phẩm được tái sử dụng hoặc thay đổi quyền sở hữu sản phẩm.
Cùng với đó, cần có cách tiếp cận tổng thể để đảm bảo rằng việc thực hiện giải pháp KTTH, bảo vệ môi trường nhưng không gây phương hại đến các mục tiêu khác như mục tiêu về an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Hệ thống pháp lý được mong muốn yêu cầu gia tăng sử dụng các cấu kiện sản phẩm cũng như các sản phẩm mà có thể dễ dàng sửa chữa hoặc tái sản xuất. Phương pháp tiêu chuẩn và các công cụ sẽ là cần thiết để đánh giá các khía cạnh như tỷ lệ thành phần được tái sử dụng hoặc hàm lượng tái chế trong một sản phẩm và cách đánh giá mức độ dễ dàng, khó khăn của một sản phẩm khi được sửa chữa hoặc tái sản xuất.
Các tiêu chuẩn giúp thực hiện việc sử dụng các tài nguyên và năng lượng bền vững trong khi bảo vệ người tiêu dùng, lao động và môi trường. Ngoài ra, các tiêu chuẩn cũng cần thiết để đảm bảo các đặc tính của vật liệu được sử dụng, cũng như xác định các yêu cầu về mức độ tin cậy của các linh kiện, cấu kiện sản phẩm.
Thông qua tiêu chuẩn sẽ giúp thực hiện thuận lợi các công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn như EPR, thiết kế sinh thái, nhãn sinh thái, mua sắm công xanh, tài chính xanh… Tiêu chuẩn cũng giúp thúc đẩy mở cửa thị trường và thuận lợi hóa thương mại đối với các sản phẩm, dịch vụ có liên quan đến kinh tế tuần hoàn như nguyên liệu thứ cấp, sản phẩm cũ, sửa chữa, sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái chế (Bảng 2) …
Bảng 2. Sản phẩm dựa vào tiêu chuẩn cho kinh tế tuần hoàn
Chính sách KTTH |
Tiêu chuẩn KTTH |
Chuỗi giá trị |
Tác động thương mại |
---|---|---|---|
Trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng (EPR) |
Hàm lượng vật liệu Hàm lượng tái chế Hàm lượng nguy hiểm Khả năng tái chế Khả năng sửa chữa Sản xuất bền vững |
Thượng nguồn (để thiết kế và sản xuất sản phẩm) |
- Trường hợp chính sách hoặc tiêu chuẩn KTTH của một quốc gia có thể bị suy yếu bởi các lựa chọn chính sách đối nội của một quốc gia khác. - Liệu một sự chắp vá của các quy định và tiêu chuẩn khác nhau giữa các khu vực pháp lý khác nhau có thể trở thành rào cản không cần thiết đối với việc tiếp cận thị trường và thương mại hay không. Sự sắp xếp hoặc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có sẵn. |
Thiết kế sinh thái |
|||
Mua sắm công xanh |
|||
Dán nhãn |
|||
Tái chế |
Chất lượng vật liệu (đối với chất thải và phế liệu) (đối với nguyên liệu thứ cấp) |
Hạ nguồn (đối với chất thải và phế liệu) (Đối với nguyên liệu thứ cấp) (Đối với hàng hóa để tân trang và tái sản xuất, và hàng hóa cũ. |
|
Tân trang và tái sản xuất |
Chất lượng sản phẩm (đối với hàng hóa để tân trang và tái sản xuất và hàng hóa cũ) |
||
Hàng cũ |
|||
Dán nhãn |
Nguồn: Nhóm tác giả, 2022
3. Hiện trạng và xu hướng áp dụng tiêu chuẩn hóa cho kinh tế tuần hoàn
Với những lợi ích của việc tiếp cận tiêu chuẩn cho khuyến khích áp dụng các mô hình KTTH, trong những năm gần đây việc tiếp cận và ban hành các tiêu chuẩn ngày càng được chú ý, năm 2018, tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn (ISO) đã thành lập ủy ban tiêu chuẩn ISO KTTH (ISO/TC 323) với mục tiêu chung là tăng trương và thúc đẩy các hoạt động cho phát triển bền vững. Năm 2019, Ủy ban Châu Âu cũng có nhiều hoạt động để thúc đẩy tiêu chuẩn hóa liên quan đến KTTH. Năm 2021, tổ chức OECD đã dựa trên cách tiếp cận chuối giá trị của KTTH để rà soát các tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy KTTH như mô tả tại Bảng 3. Tổ chức OECD cũng đang yêu cầu các tiêu chuẩn để hỗ trợ thuận lợi cho tiến trình hướng đến KTTH, OECD nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng bộ hóa các tiêu chuẩn về chất lượng cho các nguyên vật liệu đối với các sản phẩm có thể sửa chữa, tái sử dụng và áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng cho các nguyên liệu thô đầu vào. Qua đó cho thấy, xu hướng tiếp cận về tiêu chuẩn đang nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của rất nhiều các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan.
Bảng 3. Ví dụ về tiêu chuẩn thúc đẩy KTTH
Chuỗi giá trị |
Tiêu chuẩn KTTH |
Ví dụ |
---|---|---|
Thượng nguồn (để thiết kế và sản xuất sản phẩm) |
Hàm lượng vật liệu • Hàm lượng tái chế • Hàm lượng nguy hiểm |
• Hệ thống dữ liệu vật liệu quốc tế (IMDS) • Chỉ thị của EU về hạn chế các chất độc hại (RoHS) • Các chương trình EPR và phí điều chỉnh như ở Pháp, Đức và Ý • CEN / CLC / JTC 10 - Phương pháp chung để đánh giá tỷ lệ hàm lượng vật liệu tái chế trong các sản phẩm liên quan đến năng lượng (đang chờ phê duyệt) • Dịch vụ toàn cầu SCS • UL - Chương trình xác nhận khiếu nại môi trường về nội dung tái chế |
Khả năng tái chế |
• CEN/CLC/JTC 10 - Các phương pháp chung để đánh giá khả năng tái chế và khả năng thu hồi của các sản phẩm liên quan đến năng lượng (Tham khảo EN 45555:2019) |
|
Khả năng sửa chữa |
Tiêu chuẩn của Áo về khả năng tái chế (ONR 192102:2014) • CEN/CLC/JTC 10 - Phương pháp chung để đánh giá khả năng sửa chữa, tái sử dụng và nâng cấp các sản phẩm liên quan đến năng lượng (Tham khảo EN 45555:2019) • Hệ thống chấm điểm i-Fixit • Nhãn sản phẩm có thể sửa chữa 10Y |
|
Sản xuất bền vững |
• Tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu (GOTS) • Hệ thống tiêu chuẩn bông cải tiến của BCI (Sáng kiến bông cải tiến) • Chỉ số vật liệu bền vững Higg |
|
Hạ nguồn (đối với nguyên liệu thứ cấp, hàng hóa để tân trang và tái sản xuất, và hàng cũ) |
Chất lượng vật liệu (đối với chất thải và phế liệu) |
• Thông tư về thông số kỹ thuật phế liệu ISRI |
Chất lượng nguyên liệu (đối với nguyên liệu thứ cấp) |
Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn – xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nguyên liệu thứ cấp (đang diễn ra) |
|
Chất lượng sản phẩm (đối với hàng hóa để tân trang và tái sản xuất, và hàng cũ) |
• Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã phát triển một tiêu chuẩn tự nguyện - PAS 141: 2011 - Tái sử dụng rác thải và các thiết bị điện và điện tử đã qua sử dụng (UEEE và WEEE). • Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) "Thông số kỹ thuật cho quá trình tái sản xuất - RIC001.1-2016" được phát triển bởi Hội đồng Công nghiệp Tái sản xuất (RIC) • CEN/CLC/JTC 10 - Phương pháp chung để đánh giá tỷ lệ các thành phần tái sử dụng trong các sản phẩm liên quan đến năng lượng (Tham khảo EN 45556:2019) |
Nguồn: OECD 2021
4. Hiện trạng tiêu chuẩn liên quan đến KTTH ở Việt Nam
Phát triển các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất là một trong những nhiệm vụ được chỉ ra nhằm thực hiện định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 [3]. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về KTTH trong Luật BVMT năm 2020 với 1 quy định riêng về KTTH (Điều 142) và các quy định khác có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH [4]. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đã hướng dẫn chi tiết hơn về tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH ở Việt Nam.
Như vậy, đối chiếu chính sách, pháp luật có liên quan đến KTTH của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới tiêu biểu trên thế giới và trong khu vực cho thấy, đến nay Việt Nam đã khẳng định rõ định hướng áp dụng KTTH, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khuyến khích áp dụng KTTH. Các biện pháp, chính sách đầu tư của Nhà nước, ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích áp dụng KTTH được xem là mở và tạo cơ hội cho tất cả các tổ chức, cá nhân áp dụng.
Đối chiếu với các nguyên tắc, biện pháp của KTTH cho thấy, Việt Nam cũng đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan để thúc đẩy KTTH như: TCVN ISO 26000: 2013 hướng dẫn về trách nhiệm xã hội; ISO 14001: 2015 cho hệ thống quản lý môi trường; TCVN 8000: 2008 (ISO 15270: 2006) - hướng dẫn thu hồi và tái chế chất thải nhựa; TCVN 12049: 2017 (ISO 13686: 2013) về khí thiên nhiên đưa ra yêu cầu chung về chất lượng; ISO 14067: 2020 về khí nhà kính. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia này chỉ xuất phát từ nhu cầu của từng lĩnh vực, chưa theo định hướng và quy hoạch tổng thể để phát triển mô hình kinh tế chuyển đổi.
Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra nhiều quy định có tính định hướng liên quan đến tiêu chuẩn nhằm góp phần thực hiện KTTH như: quy định về tiêu chuẩn môi trường; quy định để phân định giữa chất thải và nguyên liệu tại Điểm d Khoản 1 Điều 72, cụ thể: “chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất”; hoặc các quy định tại Điều 61 của Luật về BVMT trong sản xuất nông nghiệp “phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định…”. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để ban hành và sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy áp dụng KTTH, góp phần thực hiện mục tiêu BVMT. Tuy nhiên, những quy định này mới mang tính định hướng và giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan.
5. Kết luận và kiến nghị
Sử dụng cách tiếp cận từ tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH là một xu hướng đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới vì những lợi ích, hiệu quả và chi phí. Đặc biệt, tiếp cận thúc đẩy KTTH dựa vào việc ban hành các tiêu chuẩn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về phát huy vai trò “kiến tạo” của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và cộng đồng dân cư áp dụng KTTH. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã từng bước tiếp cận, ban hành các tiêu chuẩn có vai trò thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng chất thải; đưa ra những quy định mang tính định hướng và giao trách nhiệm cho các Bộ/ngành có liên quan trong việc ban hành tiêu chuẩn để thúc đẩy áp dụng KTTH trong Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, để ban hành được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gắn với mục tiêu thúc đẩy thực hiện KTTH đòi hỏi sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương; giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Trên cơ sở kinh nghiệm và xu hướng chung của thế giới, để tạo cơ hội cho việc áp dụng kinh tế tuần hoàn rộng rãi đòi hỏi phải sớm tổ chức nghiên cứu, ban hành ra các tiêu chuẩn gắn với các mục tiêu, chiến lược của KTTH. Đặc biệt, việc xây dựng lộ trình và thành lập cơ quan điều phối liên ngành để lồng ghép các mục tiêu, giải pháp và chiến lược có liên quan của KTTH vào hệ thống tiêu chuẩn của các ngành, lĩnh vực là hết sức cần thiết.
Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thúc đẩy áp dụng mô hình KTTH cho một số lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam”, mã số TNMT.2019.04.04 do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện.
Nguyễn Trọng Hạnh, TS. Lại Văn Mạnh, Nguyễn Thị Thanh Huyền
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
TS. Dương Thanh An
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)
Tài liệu tham khảo
1. CENELEC (2020). Standardization in a Circular Economy – Closing the Loop A closer look into the standards for batteries and plastics, https://www.cencenelec.eu/media/CEN-CENELEC/News/Publications/standardization_circular_economy_closing_the_loop.pdf
2. OECD (2018). International Trade and the Transition to a Circular Economy
3. Christophe Bellmann (2021). The circular economy and international trade, the World Trade Organization.
4. Mạng lưới KTTH Việt Nam, Circular economy and the role of standards, https://vietnamcirculareconomy.vn/en/circular-economy-and-the-role-of-standards/
5. Luật BVMT năm 2020
6. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.