Banner trang chủ

Triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP)

11/03/2024

    Ngày 7/3/2024, Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 538/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ "Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và tham gia các diễn đàn quốc tế về rác thải nhựa năm 2024".

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 3 Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam, ngày 15/12/2023, tại Hà Nội

    Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường vai trò điều phối của cơ quan đầu mối Chương trình NPAP nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới; Thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ TN&MT và Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong bối cảnh chuyển giao và tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản ở quốc gia hướng đến phát triển bền vững và hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan; Hỗ trợ và tăng cường hiệu quả hoạt động của các nhóm kỹ thuật được thành lập trong khuôn khổ Chương trình NPAP dựa trên 6 trụ cột chính bao gồm: đổi mới sáng tạo, tài chính, chính sách, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, truyền thông và nâng cao nhận thức. Cùng với đó, đảm bảo việc phối hợp với các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi Chính phủ, viện nghiên cứu thông qua các hội thảo tham vấn, các sự kiện bên lề tại những phiên đàm phán liên chính phủ, thể hiện quyết tâm trong vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn; những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên liên quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua vào năm 2024); Đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trên phạm vi toàn cầu, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thường trực Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, có trách nhiệm chủ trì đàm phán và tiến tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sau khi được thông qua. Qua dó, duy trì việc đăng tải các thông tin về hoạt động hợp tác nhằm chia sẻ thông tin, quảng bá và triển khai các hoạt động truyền thông và nhận thức về vấn đề ô nhiễm nhựa, phù hợp với đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, Chính phủ và quốc gia.

    Các nội dung thực hiện gồm:

    Một là, xây dựng các báo cáo chuyên môn như Báo cáo hoạt động Trụ cột Bình đẳng giới và phát triển bao trùm trong khuôn khổ Chương trình NPAP; Báo cáo hoạt động Trụ cột Đổi mới sáng tạo và khơi nguồn tài chính trong khuôn khổ Chương trình NPAP; Báo cáo kế hoạch tuyên truyền về Chương trình NPAP Việt Nam; Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm Nhóm công tác chương trình NPAP; Báo cáo tổng hợp thường niên Nhóm công tác chương trình NPAP; Báo cáo về định hướng Chương trình NPAP trong giai đoạn tiếp theo…

    Hai là, tổ chức các Đoàn ra nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với việc tham gia các diễn đàn, sự kiện cấp khu vực và cấp toàn cầu liên quan đến vấn đề ô nhiễm nhựa; Thực hiện việc cử các đại diện là các chuyên gia, cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ tham dự hội nghị/hội thảo quốc tế từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; Thực hiện các yêu cầu về lễ tân, nghi thức ngoại giao khi tham dự các sự kiện liên quan trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

     Ba là, tổ chức các Hội nghị/Hội thảo như Hội thảo thường niên Nhóm công tác Chương trình NPAP tại Việt Nam; Hội thảo tham vấn Chương trình NPAP hỗ trợ Việt Nam tham gia diễn đàn đa phương về rác thải nhựa và đề xuất lộ trình giảm ô nhiễm nhựa; Hội thảo Trụ cột Tài chính và Khơi nguồn sáng tạo; Hội thảo Trụ cột Bình đẳng giới và phát triển bao trùm - Chương trình NPAP; Hội thảo tham vấn thành viên Chương trình NPAP và đối tác của Chương trình NPAP thảo luận các định hướng giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa, phù hợp với mục tiêu đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Tọa đàm: Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa - Thách thức và cơ hội của Việt Nam.

    Bốn là, tổ chức tuyên truyền thông qua duy trì trang web của Chương trình đối tác hành động toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xây dựng các bản tin của các Nhóm kỹ thuật theo các quý; Duy trì các hoạt động lồng ghép tuyên truyền và thông tin liên quan đến vấn đề ô nhiễm nhựa tại các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ nhiệm vụ.

Phương Linh

Ý kiến của bạn