Banner trang chủ

TP. Đà Nẵng: Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

01/06/2023

    Ngày 10/5/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

    Mục tiêu của Kế hoạch là chất thải rắn sinh hoạt được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải phát sinh và xử lý tại khu xử lý tập trung, góp phần tối ưu các chi phí đầu tư, xử lý của thành phố; tập trung sự lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành chỉ đạo và thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 

    Cụ thể, trên 90% tổ dân phố triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và 90% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả tại địa bàn khu dân cư; Trên 70% cơ sở trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của thành phố; Trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố; 100% trường học, cơ sở y tế triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố; Trên 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

    Đồng thời, mỗi quận, huyện chủ trì xây dựng phương án chi tiết, triển thí điểm mô hình phân loại, thu gom đối với Nhóm chất thải thực phẩm; đảm bảo các tiêu cụ thể trên theo phương thức chung về tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố; báo cáo đầy đủ, chính xác số liệu triển khai theo các nhóm thành phần phân loại theo định kỳ báo cáo.

    Các tổ chức, cơ quan, viện nghiên cứu, trường học, cơ sở công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cơ sở dịch du lịch; bệnh viện, cơ sở y tế; siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh, các hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đều tham gia hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. 

    Căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh rác thải, điều kiện đầu tư trang thiết bị, loại hình công nghệ xử lý chính đối với chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, hiệu quả tổ chức trên địa bàn thành phố từ năm 2020 đến nay, UBND thành phố tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành các nhóm như sau:

TT

Loại chất thải

Quy mô thực hiện

Nhóm 1

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm các loại giấy, nhựa, kim loại)

Triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố

Nhóm 2

Chất thải thực phẩm (gồm thực phẩm nhà bếp trước và sau sơ chế, chế biến (thực phẩm thừa, quả hạn sử dụng, dầu thải...); rác vườn...)

Triển khai thực hiện thí điểm, tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương (phường, xã)

Nhóm 3

Chất thải rắn sinh hoạt khác

 

1

Chất thải rắn sinh hoạt khác mở rộng (Các loại chất thải có thể tái chế khác Nhóm 1, gồm: quần, áo, phụ kiện cũ; đồ gỗ thải bỏ; chất thải thuỷ tinh...)

Triển khai thực hiện thí điểm, tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương (phường, xã)

2

Chất thải rắn sinh hoạt khác nguy hại (Bóng đèn quỳnh quang hư: pin, ắc-quy đã qua sử dụng; vỏ bình, chai, lọ đựng hóa chất...)

Triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố

3

Chất thải cồng kềnh (chất thải được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây...)

Triển khai thực hiện thí điểm, tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương (phường, xã)

4

Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân

Triển khai thực hiện thí điểm, tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương (phường, xã)

5

Chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại

Tổ chức thu gom theo công tác vệ sinh môi trường tại địa phương

 

    Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 103/KH-UBND, các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tham mưu ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phù hợp với quy định theo Khoản 1, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường.

    Trên cơ sở phương thức chung của thành phố, tiếp tục xác định, ban hành cụ thể các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với khu vực nông thôn, đô thị. Theo đó, xây dựng và ban hành quy trình, hướng dẫn phân loại và thu gom phù hợp với khu vực đô thị, nông thôn; phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình thực hiện phân loại, chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi và theo thời gian quy định. Chủ động đề xuất/bố trí ngân sách đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thuộc thẩm quyền. Cập nhật, tham mưu kịp thời UBND thành phố trên cơ sở quyết định, hướng dẫn của Bộ TN&MT liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

    Trong công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho cán bộ nòng cốt về quản lý môi trường các cấp và các bên liên quan tại tổ chức, đơn vị: xây dựng nội dung tập huấn/hội thảo để có thể làm cho nhiều đối tượng, cả trực tiếp và trực tuyến; Xây dựng các tài liệu hướng dẫn kèm theo, bao gồm: website, tài liệu phát tay, video hướng dẫn giảm rác và phân loại rác thải tại nguồn...

    UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 25/12/2023 hoặc đến kỳ rà soát, điều chỉnh mới, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn