Banner trang chủ

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh, mương thủy lợi và đề xuất một số giải pháp quản lý, xử lý

26/03/2021

    Những năm gần đây, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh trên phạm vi cả nước đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với công trình thủy lợi, theo đó lượng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng gia tăng, chủ yếu là rác thải, nước thải của các cơ sở sản xuất, bệnh viện, làng nghề, khu dân cư… chưa qua xử lý xả trực tiếp vào công trình thủy lợi, dẫn đễn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Đặc biệt, lượng rác theo dòng chảy dồn về cuối tuyến, gây ứ đọng, tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cho sản xuất và gây ô nhiễm môi trường.

Nước thải sinh hoạt của các hộ dân xả thẳng xuống kênh thủy lợi gây ô nhiễm nghiêm trọng

Gia tăng ô nhiễm nguồn nước kênh, mương thủy lợi

    Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000 ha, Hơn 86 nghìn công trình thủy lợi, gồm: 6.998 đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 0,05 triệu m3 và có chiều cao đập từ 5 m trở lên; gần 20 nghìn trạm bơm; 28 nghìn cống; 32 nghìn đập dâng, đập tạm; 290 nghìn km kênh mương và 26 nghìn km đê các loại... bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu ha đất canh tác nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, chất lượng nước ở rất nhiều công trình thủy lợi không đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt… Các hệ thống công trình thủy lợi phần lớn được hình thành, phát triển qua thời gian dài, nằm trong vùng canh tác nông nghiệp, xen lẫn trong đó là các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và vùng nông thôn. Trong các vùng dân cư tập trung ngoài ruộng canh tác còn có các làng nghề truyền thống. Vì thế khó có thể khoanh vùng, xác định rõ phạm vi chất lượng nước trên các sông, kênh dẫn nước của hệ thống, các nguồn gây ô nhiễm. Việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, do tập quán sống ven kênh rạch của dân cư, các chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt không được xử lý mà xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi. Mặt khác, tình trạng thiếu hụt nguồn nước, mực nước mùa kiệt trên nhiều hệ thống sông có xu hướng giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Đơn cử như tại TP. Hà Nội, thống kê của Sở NN&PTNT TP cho thấy, trên địa bàn hiện có khoảng trên 1.600 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài gần 3.000 km và hàng nghìn cống tưới tiêu nước. Ngoài ra, Hà Nội còn có gần 10.000 km kênh mương cấp 3; 18 hồ chứa nước, đập dâng do 5 công ty thủy lợi của thành phố quản lý, phục vụ tưới cho 281.600 ha canh tác. Hệ thống công trình thủy lợi trải dài trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, phục vụ tưới, tiêu, chống ngập úng cho địa bàn nội và ngoại thành trong mùa mưa bão. Song hiện nay, nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Hà Nội đang bị ô nhiễm do tình trạng xả thải từ các khu dân cư, làng nghề. Chỉ tính riêng trên tuyến kênh tiêu sông Cầu Bây, hiện có 38 điểm xả nước thải thuộc khu vực thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và phường Việt Hưng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Thạch Bàn (quận Long Biên)… Việc xả, chất thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Không những thế còn làm giảm tuổi thọ công trình thủy lợi và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, giảm năng suất cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm...

     Có thể kể đến là kênh Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng, cung nước tưới cho 4 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm trên toàn hệ thống kênh đang lên mức báo động. Việc duy trì dòng chảy trên các trục sông, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái đang là bài toán khó. Theo báo cáo của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), tổng lượng nước thải các loại xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải khoảng 453.195 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,47%; nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh 25,72%; nước thải làng nghề 2,65%; nước thải chăn nuôi 12,02%; nước thải y tế 1,14%. Các loại nước thải trên chưa được xử lý, hoặc xử lý không đạt  tiêu chuẩn xả thẳng vào công trình thủy lợi, làm cho tình trạng ô nhiễm nước kênh ngày càng nặng hơn. Tại một số kênh, mương khác trên địa bàn TP. Hà Nội, tình trạng ô nhiễm cũng xảy ra nghiêm trọng như kênh T2 là kênh tưới tiêu chính của nhiều xã thuộc huyện Hoài Đức đang bị ô nhiễm nặng. Kênh T2 có chiều dài khoảng 10 km, đoạn chảy qua địa bàn xã Sơn Đồng của huyện Hoài Đức với nhiệm vụ tiêu thoát nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các khu vực dân cư lân cận. Thế nhưng, đoạn kênh này giờ đây không khác gì một bãi rác trên cạn với đủ loại rác thải, váng chất thải ứ đọng nổi lềnh bềnh dưới lòng mương. Nguyên nhân của tình trạng trên là do kênh T2 nằm gần các làng nghề chế biến nông sản của huyện Hoài Đức. Vì vậy, mỗi ngày dòng kênh trên phải oằn mình gánh một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra sông. Ngoài ra, các kênh Đông, 71 đoạn chảy qua các xã Vân Tảo, Văn Bình, Hồng Vân (huyện Thường Tín) cũng nằm trong tình trạng ô nhiễm tương tự. Dòng kênh Đông rộng khoảng 4 - 5m, toàn bộ phần nước trong mương gần như đã chuyển sang màu đen đặc. Nhiều đoạn trên mặt nước nổi chình ình những ụ rác, sình lầy. Rác thải kết thành từng mảng trên bề mặt và bốc mùi hôi thối khó chịu. Còn tại kênh 71, nước cũng đang trong tình cảnh đặc quánh, đen ngòm, rác thải nổi lênh bềnh. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm của 2 dòng kênh chảy qua địa bàn, người dân trong xã đã nhiều lần họp bàn, gửi đơn lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm của kênh Đông và kênh 71 vẫn không được cải cải thiện, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của người dân địa phương.

     Tại nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, tình trạng xả rác tại nhiều tuyến kênh, mương diễn ra nghiêm trọng.Người dân lợi dụng thời điểm không có công nhân thủy nông đi tuần kênh, nhất là vào ban đêm để xả rác thải, thậm chí vật dụng, cây cối, xác súc vật chết, vật liệu xây dựng thừa xuống lòng kênh, dẫn đến gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến dẫn nước phục vụ sản xuất, dân sinh và ô nhiễm môi trường. Điển hình như từ năm 2019, tại kênh B9 (trên địa bàn huyện Thiệu Hóa và TP. Thanh Hóa), kênh Nam và kênh N15 (trên địa bàn huyện Triệu Sơn)... nhiều đoạn rác thải lấp kín lòng kênh, cửa cống, chất thành từng lớp dày đặc. Trên bờ, nhiều đống rác lớn tồn đọng do công nhân vớt lên nhưng chưa được vận chuyển kịp thời đến bãi tập kết rác. Dòng nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đại diện cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Sông Chu cho biết: Hàng ngày, từ công ty xuống các chi nhánh thủy nông đều phân công cán bộ, công nhân thay ca thường trực tuần tra trên hệ thống công trình, phát hiện các trường hợp xả rác xuống kênh và lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý, nhưng tình trạng lấn chiếm công trình, xả rác thải xuống lòng kênh vẫn gia tăng. Bình quân công ty đã vớt từ 160 đến 180 m3 rác thải các loại/1 tháng. Vừa qua, công ty đã đầu tư xây dựng một số bể chứa rác tạm trong ngày để chuẩn bị vận chuyển đi xử lý theo quy định, tuy nhiên không thể vớt triệt để rác thải trên hệ thống công trình được, gây hậu quả ô nhiễm môi trường.

     Tình trạng ô nhiễm cũng đang xảy ra nghiêm trọng tại kênh Chà Là, đoạn ngang qua đường Ngô Đức Kế, phường Mỹ Đông, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Các loại rác thải như: túi nhựa, xác động vật, chai thủy tinh… dồn đọng thành đống rác lớn, phủ hết cả lòng kênh mương dài hàng chục mét ngay chân một cống xả nước, khiến nguồn nước đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc giữa nắng gắt buổi trưa. Anh Hữu Tân - một người dân sống gần kênh Chà Là cho biết, hằng tuần cũng có người đến thu gom rác, nhưng họ chỉ thu gom rác thải vứt trên bờ mương, còn phía dưới mương thì không thu gom, cho nên rác thải ứ đọng ngày càng nhiều dưới lòng mương và từ từ phân hủy, nên rất hôi. Mỗi khi thủy triều dâng, rác thải ở khu vực phường Đông Hải bị đẩy ngược lên đoạn mương nơi đây, khiến cả khu phố như bị ngộp thở.

     Còn tại Quảng Nam, tuyến kênh mương thủy lợi dẫn nước tưới về đồng Sơn (thuộc tổ 6, khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) có chiều dài khoảng 500m, trong đó đoạn từ chợ Hòa Hương đến phía sau sân vận động Quảng Nam nước thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Nước kênh ô nhiễm đã ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của hơn 40 hộ dân nơi dây. Gần 6ha đất lúa bị nước thải theo kênh ra đồng gây ô nhiễm nên đành phải bỏ hoang trong vụ hè thu vừa qua. Vào những thời điểm nước thủy lợi không còn chảy, thì trên kênh chỉ có nước thải màu trắng đục như nước vo gạo, bốc mùi hôi thối, ruồi, muỗi xuất hiện nhiều. Nhất là trong những tháng vừa qua, do kênh không có nước thủy lợi, chỉ toàn nước thải lại gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, bốc mùi hôi không sao chịu nổi. Đã nhiều lần bà con đã gửi đơn kiến nghị, hoặc thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, hay qua sinh hoạt, họp hội ở khu dân cư phản ánh với chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị với các cơ quan, ban ngành chức năng phối hợp kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý, giải quyết.

Tăng cường xử lý vi phạm các công trình thủy lợi

     Thực trạng trên cho thấy, việc bảo vệ nguồn nước trong công trình thủy lợi cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của quá trình phát triển. Đó là xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất, đô thị hóa và công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng... trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật thủy lợi của các người dân còn hạn chế. Tình hình vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Qua kết quả khảo sát thực tế và kết quả kiểm tra tại một số công trình thủy lợi cho thấy các hành vi vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi diễn ra khá phổ biến, có xu hướng ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm, nhất là tại các khu vực dân cư, đô thị và khu công nghiệp. Theo thống kê của 57/63 tỉnh, thành phố đến hết năm 2018, trong tổng số gần 15.000 vụ vi phạm quy định về xả thải vào công trình thủy lợi có trên 14.000 vụ vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng nước trong công trình thủy lợi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống của nhân dân. Để ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi, Nhà nước đã ban hành chế tài, thẩm quyền xử phạt hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi, cụ thể: Luật Thủy lợi, số 08/2017/QH14, ngày 19/6/2017, tại Điều 8 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi như: Đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi; Ngăn, lấp, đào, nạo vét, hút bùn, cát, sỏi trên sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao trái phép làm ảnh hưởng đến hoạt động thủy lợi…; Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định, hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi bị xử phạt: Phạt cảnh cáo với khối lượng dưới 0,5 m3; Phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 1m3; Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với khối lượng từ 1m3 đến dưới 3 m3; Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng với khối lượng từ 3 m3 đến dưới 5 m3; Phạt tiền từ 4 - 8 triệu đồng với khối lượng từ 5 m3 trở lên. Đối với hành vi xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc diện phải xin phép mà không có giấy phép, bị xử phạt: Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với lưu lượng nhỏ hơn 5 m3/ngày, đêm; Phạt tiền từ 30 - 60 triệu đồng với lưu lượng từ 5 m3/ngày, đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm; Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng với lưu lượng từ 100m3/ngày, đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm; Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với lưu lượng từ 500 m3/ngày, đêm trở lên.

     Như vậy, có thể thấy, mặc dù các chế tài, văn bản đều đã có, tuy nhiên thực tế việc xử phạt hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi gặp không ít khó khăn. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP phát sinh 153 vụ vi phạm công trình thủy lợi. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ vi phạm phát sinh tăng 76 vụ. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, dựng hàng rào, trồng rau màu; xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đổ phế thải, vật liệu xuống sông, hồ, kênh mương… Vi phạm xảy ra tập trung chủ yếu tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ứng Hòa… Nguyên nhân là do số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ dọc các kênh thủy lợi của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội rất lớn, lại phân tán, nên khó kiểm soát việc xả thải; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh; chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; công tác kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý cũng chưa thường xuyên, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường… Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn phụ trách còn hạn chế. Hầu hết, hệ thống công trình thủy lợi chưa được trang bị các thiết bị quan trắc, giám sát chất lượng nước. Công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước của các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác công trình chỉ được thực hiện thủ công và không thường xuyên. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật về vấn đề BVMT, bảo vệ nguồn nước của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế, trong khi công tác tổ chức tuyên truyền về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm nguồn nước chưa được nêu cao. Thiếu chính sách hỗ trợ, bảo vệ những người tố cáo các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, khen thưởng kịp thời đối với những người có thành tích bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

    Nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi, từng bước cải thiện chất lượng nước, tiến tới đảm bảo chất lượng nguồn cấp nước đáp ứng yêu cầu của sản xuất, dân sinh, các địa phương cần triển khai các giải pháp:

    Một là, tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. thậm chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả. Trước mắt, các địa phương nên tập trung rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ vi phạm; phân loại các trường hợp vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định; tiến hành xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng sông, lòng kênh, bờ sông, bờ kênh, tiếp đến giải quyết xử lý các vi phạm hành lang công trình thủy lợi. Đồng thời, tăng cường năng lực, hiệu quả trong quản lý, khai thác bảo vệ công trình thủy lợi, chú trọng ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và gắn với công tác BVMT nguồn nước; xác định và cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để làm căn cứ quản lý, khai thác và bảo vệ.

     Hai là, thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Bởi trên thực tế những hoạt động này của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các cơ quan chức năng và có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu tham gia, giám sát và xử lý hậu quả còn thiếu sự phối hợp với địa phương, nhất là thiếu sự tham gia của người dân nên không phát hiện, kiểm soát kịp thời chất thải... Vì vậy, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, các cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách để người dân tham gia. Bởi người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường.

     Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT, đặc biệt các doanh nghiệp tại các làng nghề, cơ sở sản xuất cố tình vi phạm, xả trộm chất thải, nước thải không qua xử lý; tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước các công trình thủy lợi.

    Bốn là, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được các văn bản, chính sách về bảo vệ công trình thủy lợi, ngăn chặn vi phạm gia tăng; UBND các xã phải xây dựng phương án bảo vệ kênh mương, hồ đập, trạm bơm. Ngoài ra, các công ty thủy lợi và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi cũng như phát hiện và xử lý các vụ vi phạm, nâng cao năng lực tưới, tiêu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Nguyễn Dũng - Trần Tân

 

Ý kiến của bạn