09/05/2022
Ngày 26/4/2022, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn luật này cho hơn 100 cán bộ làm công tác quản lý về môi trường và một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên phân tích những điểm mới của Luật BVMT năm 2020 và các Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Trong đó, tập trung vào những điểm mới trong nguyên tắc, quan điểm, chính sách các hoạt động đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giải quyết chanh chấp, tố cáo về BVMT; những điểm mới về quản lý chất thải rắn, quản lý chất lượng các thành phần môi trường, trách nhiệm BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua đó, giúp các cán bộ làm công tác quản lý môi trường nắm bắt kịp thời các quy định mới của pháp luật về BVMT để phục vụ công tác quản lý và áp dụng vào thực tế tại cơ sở.
Báo cáo viên cũng chỉ ra một số điểm mới để cho cán bộ, công chức và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt một cách hệ thống, trên cơ sở đó thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT năm 2020.
Luật BVMT 2020 có những điểm mới và các quy định chính như sau: 1. Một số nội dung về giải thích thuật ngữ và quy định chung trong luật: Luật BVMT năm 2020 có 38 nội dung về giải thích thuật ngữ, tăng 9 nội dung so với luật BVMT năm 2014, trong đó có các nội dung mới như: đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đăng ký môi trường; chất ô nhiễm khó phân hủy; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; cộng đồng dân cư; hạn ngạch phát thải khí nhà kính… Đặc biệt, Luật BVMT 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư" vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Ngoài ra, Luật cũng quy định về: Nguyên tắc BVMT; Chính sách nhà nước về BVMT; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT… được thể hiện tại Điều 3 đến Điều 6 trong Luật. 2. BVMT di sản thiên nhiên: Luật đã dành một Mục riêng (Mục 4, chương II) để quy định về BVMT di sản thiên nhiên, trong đó có các quy định về di sản thiên nhiên; việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; các nội dung về BVMT di sản thiên nhiên (điều tra, đanh giá, quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ di sản thiên nhiên). 3. Ban hành Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ tác động môi trường Luật BVMT năm 2020 đã ban hành một mục riêng (Mục 2, chương IV), từ Điều 28 đến Điều 29 để quy định tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư, theo đó dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm để thực hiện các thủ tục pháp lý về BVMT theo quy định; Ngoài ra, Luật cũng quy định nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. 4. Tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động BVMT Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật BVMT năm 2020 theo các nội dung cụ thể về BVMT trong các Chương của Luật, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Đối với việc thẩm định phê duyệt các báo cáo Đánh giá tác động môi trường các vấn đề về tham vấn ý kiến đối với dự án, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được quy định cụ thể tại các Điều 36, 37, 38 Luật BVMT, nhằm đảm bảo nguyên tắc BVMT theo quy định tại Điều 4 Luật BVMT năm 2020. Luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan. 5. Giấy phép môi trường Lần đầu tiên, Luật BVMT ban hành một Mục riêng (Mục 4, chương IV) để quy định về Giấy phép môi trường, được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Theo đó, có 03 (ba) nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường; ngoài ra, các vấn đề về: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường… Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực (khoản 6, Điều 42). 6. BVMT theo ngành, lĩnh vực BVMT theo ngành, lĩnh vực được quy định trong một chương của Luật BVMT từ Điều 50 đến Điều 71. Trong đó quy định các vấn đề: BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; BVMT đô thị và nông thôn; BVMT trong một số lĩnh vực… Đối với nội dung BVMT nông thôn, Luật đã quy định các yêu cầu về BVMT nông thôn, trách nhiệm về BVMT nông thôn của các cơ quan và tổ chức có liên quan. 7. Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác Các nội dung về quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác được quy định từ Điều 72 đến Điều 88, trong đó các vấn đề về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định cụ thể và rõ ràng hơn: quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt…theo đó các quy định hướng tới thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn, nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải nộp sẽ cao, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải… Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. 8. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-zôn, được thể hiện từ Điều 90 đến Điều 96 của Luật. 9. Lần đầu quy định về phát triển kinh tế môi trường, kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường: Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung nội dung về phát triển kinh tế môi trường, kiểm toán môi trường nhằm tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý môi trường. Trong đó có các quy định về: chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; mua sắm xanh; khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; kinh tế tuần hoàn... được thể hiện tại các Điều 142 đến Điều 147. Luật BVMT cũng đã bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan tại Điều 160 Luật BVMT. Ngoài các quy định trên, Luật BVMT năm 2020 cũng đã kế thừa, bổ sung để tiếp tục thực hiện các quy định như: BVMT các thành phần môi trường; chiến lược BVMT, quy hoạch BVMT, đánh giá tác động môi trường; quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường; quan trắc, thông tin dữ liệu và báo cáo môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố và bồi thường thiệt hại về môi trường; chính sách và nguồn lực BVMT; hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT; trách nhiệm Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT; thanh tra, kiểm tra, xư lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo về môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT… để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân thực hiện. |
Trần Tân