Banner trang chủ

Tìm giải pháp làm sống lại 4 con sông nội đô

22/08/2023

    Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét”.

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường. Thời gian qua, công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án: “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở TN&MT Hà Nội xây dựng năm 2022.

    Tại Tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án đã trình bày Dự thảo Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030”. Đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT. PGS.TS Trần Thị Việt Nga kiến nghị, để thực hiện hiệu quả Đề án, cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và BVMT nước mặt 4 con sông; đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.

    PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng, phát triển đô thị, BVMT Hà Nội đánh giá phương pháp nghiên cứu của Đề án rất khoa học, điều tra khảo sát công phu. Để đề án có tính khả thi cao,  vì vậy, cần làm rõ các vấn đề như: Làm gì để huy động các nguồn lực; làm rõ tính khả thi của việc bổ cập nước cho sông Sét và sông Lừ từ sông Tô Lịch; Công nghệ mới nào để lọc nước thải... Đặc biệt, ngoài yếu tố hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cần phân tích thêm yếu tố nguy cơ và rủi ro khi thực hiện Đề án.

Toàn cảnh Tọa đàm

    GS.TS. Trần Đức Hạ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam nhận định, đặc điểm thoát nước của TP. Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, nên đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Do vậy, Đề án cần tính đến 2 giải pháp công trình và phi công trình. Về giải pháp công trình nên khảo sát, điều tra đánh giá tổng thể hiện trạng sông hồ nội đô (lưu vực 77,5km2 sông Tô Lịch); đánh giá về chức năng và khai thác tài nguyên nước, cân bằng nước các mùa mưa và khô, quan hệ thủy văn các thủy vực trong lưu vực, các thủy vực chính liên quan đến sông Hồng và sông Nhuệ, chất lượng nước và tình hình ô nhiễm nước sông hồ...

    Ngoài ra, khôi phục dòng chảy (lưu lượng và chất lượng) 4 sông nội đô, trước mắt là sông Tô Lịch, tiếp là sông Kim Ngưu, Lừ, Sét theo các bước: thu gom và xử lý nước thải (kể cả nước thải công trình thoát nước tập trung và phân tán) bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông (nạo vét và xử lý bùn ô nhiễm); kè và cải tạo bờ bảo đảm ổn định cho sông; bổ cập nước sạch cho sông mùa khô theo yêu cầu dòng chảy môi trường, sinh thái... Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng và chế độ thủy văn các sông hồ nội đô (lưu vực sông Tô Lịch và hồ Tây).

    Với các giải pháp phi công trình, GS.TS Trần Đức Hạ kiến nghị rà soát lại Quy hoạch thoát nước Hà Nội, đề xuất đưa các giải pháp công trình để xem xét điều chỉnh trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch thoát nước Hà Nội. Rà soát lại danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước sông hồ nội đô, trong đó có dành quỹ đất dọc hai bờ các sông nội đô để vận hành khai thác, xây dựng các công trình văn hóa, du lịch ven sông hồ...

    Theo GS.TS. Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi, để sống lại các dòng sông này phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s khi đó mới cho phép xả thải trực tiếp vào sông. Chỉ khi có dòng chảy, các sông sẽ có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, không làm ô nhiễm cho lưu vực sông. Làm đập sông Hồng dâng nước cho Hồ Tây hay 4 sông nội đô không bảo đảm về mực nước cũng như cao độ. Lắp đặt trạm bơm bổ trợ nguồn nước cho các sông đạt tốc độ tối thiểu nghe có vẻ sẽ tốn kém, nhưng nếu xét về mặt xã hội và tổng hòa nền kinh tế quốc dân sẽ không lãng phí. Vì bơm nước cho sông chảy sẽ bảo đảm đa mục tiêu làm sạch sông, cung cấp nguồn nước tưới, nguồn nước mặt cũng như bổ sung cho hệ thống nước ngầm.

    Đề cập tới việc bổ cập nước cho sông nội đô Hà Nội, GS.TS. Dương Thanh Lượng cho rằng, các giải pháp đề xuất của Đề án cần mang tính tổng hợp và đồng bộ, tức là giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, môi trường nước phải kết hợp với các giải pháp bổ cập nguồn nước để làm sống lại các dòng sông nội đô, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho Hà Nội. Ngoài ra, các giải pháp phải xem xét tới quy luật vận động của dòng chảy và tự nhiên với phạm vi ảnh hưởng của các hệ thống sông khác tưới cho Hà Nội như: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Bên cạnh đó, cần xét tới nhu cầu, người dân và phải tích hợp trong quy hoạch các ngành khác như tiêu úng, thoát lũ, cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt, phát triển không gian, bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa và tâm linh.

    Ở góc độ quản lý, TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lưu ý, cần lựa chọn thời điểm thích hợp để triển khai Đề án, nhất là trong bối cảnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến phải đến năm 2024 mới xong, còn điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn 2065 sẽ rất lâu mới hoàn thiện; Luật Thủ đô (sửa đổi) có bàn đến vấn đề sông hồ của Hà Nội, nhưng chỉ chú trọng vấn đề phát triển 2 bờ sông Hồng.

    Có thể thấy, việc phục hồi chất lượng môi trường các con sông trên địa bàn TP. Hà Nội không phải là câu chuyện “sớm, chiều”, để giải quyết vấn đề này, cần sự quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành. Bởi nếu không xử lý sớm, không có cơ chế phù hợp, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe người dân, gây mất mỹ quan đô thị.

Nam Việt

Ý kiến của bạn