Banner trang chủ

Thúc đẩy tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt

20/10/2023

    Đất nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa ở thành thị và nông thôn ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, đồng nghĩa kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), gây áp lực lớn cho công tác BVMT.

    Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, hiện nay, lượng CTRSH phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng CTRSH phát sinh mỗi ngày cũng là 1 con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.

    Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh CTRSH tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý CTRSH, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi đó, trên cả nước có khoảng 400 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

    Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân hữu cơ và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Thu gom CTRSH tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh

    Theo Luật BVMT 2020, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.  Cũng theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật BVMT năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại CTRSH theo khoản 1 Điều 75 Luật BVMT năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật BVMT năm 2020.

    Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

    Đối với thu gom, vận chuyển CTRSH, Khoản 3 Điều 77 Luật BVMT năm 2020 nhấn mạnh, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi. Đồng thời có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định.

    Nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý CTRSH, cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…

    Các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến BVMT và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện Việt Nam.

    Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là CTRSH, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

    Cần khuyến khích sự đổi mới và đầu tư vào các dự án nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, gồm cả ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT (Internet of Things) và các công nghệ thông tin khác để giải quyết vấn đề này một cách thông minh và hiệu quả.

    Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.

    Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ CTRSH, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.

    Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý CTRSH và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải và các dịch vụ quản lý chất thải.

    Bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các nước tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý CTRSH; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý CTRSH đang hoạt động một cách có hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.

    Nâng cao ý thức cộng đồng về xử lý rác thải, tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về ý thức xử lý rác thải đúng cách. Người dân cần được hướng dẫn về cách phân loại rác thải, sử dụng túi tái sử dụng và cách giảm lượng rác thải sinh ra trong cuộc sống hàng ngày…

Đức Anh

Ý kiến của bạn