Banner trang chủ

Thúc đẩy quá trình triển khai thương mại đa dạng sinh học có đạo đức trên thế giới và tại Việt Nam

10/05/2022

    Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bảo đảm sức khỏe, trong đó có các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Chính vì vậy, ngày càng nhiều công ty được thành lập với hoạt động khai thác nguyên liệu từ thiên nhiên với công suất lớn. Để bảo đảm khai thác bền vững các nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, cần có các hệ thống khai thác có đạo đức và đổi mới.

    Đa dạng sinh học là nguồn vốn tự nhiên cho một nền kinh tế xanh và bền vững, được cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc thu hái, sản xuất và thương mại bền vững các sản phẩm từ đa dạng sinh học có vai trò quan trọng. Sáng kiến BioTrade được Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển và Thương mại đưa ra năm 1996. BioTrade chỉ các hoạt động thu hái, sản xuất và thương mại các hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ đa dạng sinh học bản địa theo các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Các sản phẩm BioTrade đang được sử dụng trong các ngành như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch bền vững. Đến năm 2016, BioTrade đã được triển khai tại 22 nước tại châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh. Tính đến năm 2016, BioTrade đã mang lại lợi ích cho 5 triệu người trên thế giới. Thực hiện các hoạt động BioTrade cũng là góp phần bảo tồn kiến thức, thực hành và văn hóa truyền thống của người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Bằng cách tạo các giá trị kinh tế, BioTrade còn là một động lực thúc đẩy bảo vệ các tài nguyên từ đa dạng sinh học. Về xã hội, việc tuân thủ các nguyên tắc của BioTrade đòi hỏi phải có sự chia sẻ lợi ích công bằng và tôn trọng quyền con người cũng như quyền của người lao động.

    Bộ Tiêu chuẩn Thương mại Đa dạng sinh học có đạo đức (BioTrade) được đưa ra vào năm 2007 và được phát triển dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí của Sáng kiến Thương mại Đa dạng sinh học của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). BioTrade xác định các thực hành tôn trọng con người và đa dạng sinh học theo cách nguyên liệu từ đa dạng sinh học được trồng, thu hái, nghiên cứu, chế biến và thương mại hóa. BioTrade là cốt lõi của Liên minh Thương mại Đa dạng sinh học có đạo đức (UEBT). UEBT hình dung ra một thế giới trong đó con người và đa dạng sinh học đều phát triển mạnh. Để đạt được tầm nhìn này, UEBT tái tạo đa dạng sinh học và đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho loài người thông qua việc thu mua có đạo đức các nguyên liệu có nguồn gốc từ đa dạng sinh học.

    Từ năm 2009, UEBT đã tiến hành các khảo sát để đo lường nhận thức và hiểu biết của người tiêu dùng về ĐDSH ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng như thế nào. Trong 10 năm nghiên cứu, khoảng 68.000 người đến từ 16 quốc gia và hàng trăm công ty hàng đầu đã cung cấp những thông tin giá trị, có thể hướng dẫn các công ty và các chính phủ trong cách tiếp cận với con người và đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu năm 2019, người tiêu dùng châu Á có nhận thức ngày càng tăng về đa dạng sinh học và mong muốn các công ty có trách nhiệm hơn với việc bảo vệ đa dạng sinh học. Đa số người tiêu dùng châu Á được khảo sát thấy rằng, các công ty có nghĩa vụ đạo đức phải đảm bảo hoạt động sản xuất của mình có tác động tích cực đến con người và đa dạng sinh học và người tiêu dùng châu Á cũng bày tỏ nhiều niềm tin hơn vào các sản phẩm có cam kết về nguồn cung ứng được các tổ chức độc lập chứng nhận.

Các nguyên tắc của BioTrade

    Bảo tồn đa dạng sinh học: Nguyên tắc này đưa ra một khung thực hành nhằm duy trì, tái tạo và tăng cường đa dạng sinh học, áp dụng tuỳ thuộc vào bối cảnh. Nguyên tắc đòi hỏi phải đánh giá tình hình địa phương và phù hợp với thực tiễn cấp địa phương. Các thực hành này được thực hiện không chỉ giới hạn ở các địa điểm khai thác, mà còn bao gồm các khu vực khai thác rộng hơn. Theo đó, các hoạt động cần được thực hiện là thu thập thông tin về đa dạng sinh học trong khu vực khai thác; Thực hiện các hoạt động cụ thể để duy trì, tái tạo hoặc tăng cường đa dạng sinh học trong các khu vực khai thác; Thực hiện và điều chỉnh định kỳ các hoạt động cụ thể để đảm bảo tính phù hợp và cải tiến liên tục.

    Sử dụng bền vững đa dạng sinh học: Nguyên tắc này thúc đẩy và khuyến khích các thực hành khai thác sử dụng bền vững đa dạng sinh học, có thể bao gồm các thực hành trồng trọt hữu cơ. Các thực hành dựa trên nguyên tắc quan tâm đến các thành phần chính trong đa dạng sinh học cũng như đa dạng loài và đa dạng di truyền. Những thực hành này cũng mở rộng phạm vi đến tài nguyên đất, nước và không khí trong địa điểm khai thác. Các thực hành áp dụng riêng cho mục đích trồng trọt hoặc thu hái sẽ được đề cập cụ thể ở mỗi địa phương như áp dụng các thực hành tốt để đảm bảo sử dụng bền vững các loài khai thác và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực đến các loài khác; thực hành khai thác thúc đẩy khả năng chống chịu biến đổi khí hậu; điều kiện đất và nước được bảo tồn hoặc cải thiện trong khu vực khai thác; áp dụng các thực hành tốt để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu chất thải và ô nhiễm trong khu vực khai thác.

    Chia sẻ công bằng các lợi ích từ khai thác và sử dụng đa dạng sinh học: Nguyên tắc này thúc đẩy các mối quan hệ lâu dài và thanh toán giá cả hợp lý cho các nhà sản xuất - người thu hái địa phương hoặc nông hộ thu hái hoặc nuôi trồng cây được sử dụng cho nguyên liệu tự nhiên. Nguyên tắc đảm bảo các hoạt động đóng góp vào nhu cầu phát triển địa phương trong các khu vực khai thác. Hơn nữa, còn thúc đẩy việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý và thực hành tốt về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS). Theo đó nguyên tắc này đảm bảo cho việc giá thanh toán cho nguyên liệu tự nhiên là hợp lý; các thỏa thuận dựa trên đối thoại, sự tin tưởng và hợp tác lâu dài; hỗ trợ nhu cầu phát triển địa phương, nhu cầu của các nhà sản xuất và cộng đồng khu vực khai thác. Ngoài ra, việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên tuân thủ các yêu cầu pháp lý hiện hành về ABS; nếu không phải áp dụng các yêu cầu pháp lý về ABS, việc sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống từ người dân bản địa và cộng đồng địa phương tôn trọng các nguyên tắc của ABS.

    Bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội: Nguyên tắc này thúc đẩy việc tích hợp các yêu cầu có liên quan trong BioTrade, trong các hoạt động tổ chức và hệ thống quản lý, bao gồm các hệ thống chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các nội dung của nguyên tắc này gồm: BioTrade được thúc đẩy thông qua các hoạt động tổ chức và hệ thống quản lý; Có sẵn các nguồn lực để thực hiện các hoạt động BioTrade; Hệ thống chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường; Có hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với thị trường, chứng nhận và các yêu cầu pháp lý.

    Sự tuân thủ các quy chế quốc gia và quốc tế: Nguyên tắc này thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp và quy định liên quan đến trồng trọt, thu hái, cung cấp, nghiên cứu, chế biến hoặc thương mại hóa nguyên liệu tự nhiên. Nguyên tắc xác định một số bộ luật và quy định cấp quốc gia nhất định, cũng như các thỏa thuận quốc tế, có liên quan đặc biệt đến thực hành BioTrade. Theo đó, các hoạt động tôn trọng luật pháp và quy định có thể áp dụng và liên quan đến các hoạt động BioTrade; Các hoạt động tôn trọng các thỏa thuận quốc tế liên quan đến các hoạt động BioTrade cần phải được đảm bảo.

    Tôn trọng quyền của các bên tham gia hoạt động BioTrade: Nguyên tắc này thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người và người lao động, điều kiện lao động dọc theo chuỗi cung ứng, có xét đến các công ước liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các khuôn khổ pháp lý quốc gia. Nguyên tắc tập trung vào việc tôn trọng quyền ở cấp độ các công ty thành viên UEBT, cũng như trong các hoạt động trồng trọt và thu hái tự nhiên (tức là các nhà sản xuất và các công ty chế biến địa phương).

    Minh bạch trong quyền sử dụng đất, tiếp cận kiến thức và tài nguyên tự nhiên: Nguyên tắc này xác định các thực hành tôn trọng quyền đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các quyền có liên quan tới người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong các khu vực khai thác. Theo đó, các tranh chấp về quyền sở hữu hoặc sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên được giải quyết; Các quyền và tập quán truyền thống của người dân bản địa và cộng đồng địa phương được tôn trọng; Các hoạt động trồng trọt và thu hái tự nhiên không gây nguy hiểm cho an ninh lương thực địa phương.

Thúc đẩy BioTrade tại Việt Nam

    Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên Trái đất với hơn 13.200 loài thực vật trên cạn, 10.000 loài động vật và 3.000 loài thủy sinh. Với nhu cầu trên thế giới ngày càng tăng, các nguyên liệu tự nhiên khai thác từ nguồn tài nguyên sinh học này có tiềm năng kinh tế lớn, đặc biệt ở các thị trường cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm được sản xuất bền vững và đảm bảo thương mại công bằng. BioTrade mang lại cơ hội đầy hứa hẹn cho Việt Nam. BioTrade được giới thiệu ở Việt Nam từ năm 2012 và tính đến năm 2019 đã có hơn 8.000 người được hưởng lợi. Về kinh tế, BioTrade tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân, đặc biệt là nông dân, người thu hái và cộng đồng địa phương. Dự án BioTrade khu vực Đông Nam Á do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ tính đến năm 2019 và được thực hiện bởi HELVETAS Việt Nam và Trung tâm Phát triển Kinh tế nông thôn - CRED. Trong đó, HELVETAS chịu trách nhiệm quản lý dự án tại các nước: Lào, Myanmar và Campuchia. CRED chịu trách nhiệm thực hiện dự án tại Việt Nam.

    Trong giai đoạn 2016 - 2020, Dự án Thương mại sinh học có đạo đức trong ngành dược liệu đã được triển khai, trong đó đối tác chính là 12 doanh nghiệp sản xuất thuốc thảo dược vừa và nhỏ; Bộ Y tế (Viện Dược Liệu – NIMM); Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh. Mục tiêu tổng thể của Dự án BioTrade là: “Thúc đẩy Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nguyên liệu tự nhiên được quốc tế công nhận trong đó nguyên liệu tự nhiên được cung ứng, sản xuất và kinh doanh một cách bền vững theo Công ước quốc tế về Bảo tồn Đa dạng sinh học (CBD) và các nguyên tắc của BioTrade”. Dự án BioTrade đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và chính quyền các địa phương thực hiện, cơ quan quản lý, các bộ ngành liên quan, các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam, đặc biệt phát huy vai trò của doanh nghiệp sản xuất dược liệu như là một nhân tố tiên trong chuỗi giá trị. Ở chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương được đào tạo và hiểu rõ về các nguyên tắc trồng và thu hái cây dược liệu theo các tiêu chuẩn bền vững. Hiện tại 3 chuỗi giá trị đã được thẩm định để có thể công bố áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP WHO), đó là: Đinh lăng, Diệp hạ châu và Dây thìa canh. Bên cạnh đó, các đối tượng tham gia tự đánh giá lại chiến lược phát triển sản phẩm của mình, hoàn thiện chuỗi giá trị để có được nền sản xuất bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường), được tạo điều kiện trong các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập toàn cầu.

    Trong giai đoạn 2020 - 2024, Dự án thương mại sinh học vùng (giai đoạn II) được triển khai, trong đó đối tác chính là Tổ chức Thương mại Sinh học có Đạo đức (UEBT); Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (các hiệp hội quốc gia và cấp tỉnh, các tổ chức xúc tiến thương mại, các công ty tư vấn chứng nhận); Các chuyên gia chuỗi giá trị bền vững, tư vấn nâng cao năng lực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hoạt động trong lĩnh vực đa dạng sinh học, các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế. Mục tiêu chung của dự án là “Bảo tồn đa dạng sinh học thông qua thương mại bền vững các sản phẩm từ đa dạng sinh học theo cách thức tích hợp các nhà xuất khẩu/sản xuất địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao thu nhập người dân ở khu vực nông thôn có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học ở khu vực sông Mekong”.

    Dự án đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng nguyên liệu tự nhiên; Tăng cường năng lực quản lý và quy trình kinh doanh cho các SMEs (xây dựng chiến lược kinh doanh, tiếp thị, lên kế hoạch tiếp cận thị trường và tài chính); Hỗ trợ các SMEs thông qua dịch vụ tư vấn chuỗi giá trị bền vững nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả và hướng tới đối tượng thu nhập thấp; Truyền thông nâng cao nhận thức về BioTrade và tác động các nhà hoạch định chính sách nhằm lồng ghép BioTrade vào các chính sách về môi trường, kinh tế, và thương mại.

    Bằng nỗ lực của cả các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và quốc tế, những năm gần đây, nguồn nguyên liệu tự nhiên đã được thúc đẩy. Nhiều vùng trên cả nước đã dần hình thành các vùng nguyên liệu lớn đã thành thương hiệu như vùng trồng atiso và chè dây tại Lào Cai; quế tại Yên Bái; hồi tại Lạng Sơn; bèo hoa dâu tại Bắc Giang; quất, dây thìa canh, đinh lăng tại Nam Định; gấc, rau má tại Nghệ An; bụp giấm, cỏ mực, diệp hạ châu, lạc tiên, rau đắng đất tại Phú Yên, nghệ tại Đăk Lắk... mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi ha cho người nông dân. Nguồn nguyên liệu sạch đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe sau khi được thu hái sẽ được đưa đến mạng lưới nhà máy kết nối để tiến hành chiết suất dược chất, phục vụ sản xuất dược liệu trong nước và đưa ra thị trường quốc tế.

    Như vậy, Dự án BioTrade đã đóng góp vào việc hình thành những yếu tố cần thiết tạo lập một thị trường mới, một cơ hội cho sự nghiệp đổi mới ngành dược liệu và các nguyên liệu tự nhiên bền vững. Để đạt được mục tiêu của Dự án đòi hỏi một sự thay đổi mang tính chuyển đổi trong cách tiêu dùng và sản xuất, trong đó khu vực tư nhân nhất thiết sẽ đóng vai trò trung tâm. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ cho các bên tham gia vào việc thực hiện khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.

    Trong thời gian tới, Dự án có thể hỗ trợ lồng ghép việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vào các kế hoạch, chương trình và chính sách liên ngành hoặc liên lĩnh vực. Đây là một công cụ mà qua đó các bên có thể khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân trong việc phát triển các phương pháp sử dụng bền vững.

Tạ Kiều Anh

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn