Banner trang chủ

Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh"

30/06/2021

     PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển (VAMEN) thuộc Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT vừa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện cùng PGS. TS Nguyễn Chu Hồi về các ưu tiên hành động liên quan tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với BVMT.

     PV: Trước tiên, xin chúc mừng PGS. TS Nguyễn Chu Hồi vừa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV tại khu vực bầu cử TP. Hải Phòng. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác nghiên cứu, quản lý về lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, nay là đại biểu của nhân dân, vậy ông có kế hoạch đóng góp những gì cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về môi trường biển?

     PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Khi được tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) ở thành phố Hải Phòng, tôi rất phấn khởi vì có cơ hội trở lại mảnh đất mà tôi đã làm việc và cống hiến cả tuổi thanh xuân ở đó. Với kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý về biển và nghề cá, trở lại Hải Phòng sau 20 năm tôi như “Cá về với biển”, có điều kiện trả “nợ ân tình” cho quê hương thứ hai của mình. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn nhiệt thành nhất đến cử tri của Đơn vị bầu cử số 2 của thành phố Hải Phòng vì đã trao cho tôi niềm tin để thực hiện một nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng nặng nề - người đại biểu của nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

     Có thể nói, biển đảo và nghề cá đều là những vấn đề lớn và phức tạp, cho nên bên cạnh những chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng ghi trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, trong những năm gần đây Quốc hội cũng ban hành không ít chính sách, luật pháp về khai thác và sử dụng hợp lý, về quản lý bền vững và phát triển kinh tế biển, đảo, góp phần bảo đảm chủ quyền biển đảo của đất nước. Tuy nhiên, so với trên “đất liền”, thì số lượng và chất lượng chính sách, luật pháp dành riêng cho công tác quản lý, quản trị biển đảo, bao gồm tài nguyên và môi trường biển ở ba phần Tổ quốc trên biển vẫn còn hạn chế. Bởi thế, các ưu tiên hành động của tôi khi vận động bầu cử tập trung vào việc tích cực tham gia, xem xét, góp ý và khuyến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật nói chung, về môi trường và tài nguyên biển nói riêng.

     Hướng tiếp cận của tôi là cần cụ thể hóa các luật cơ bản để sớm có một Bộ luật đầy đủ về biển, trong đó có loạt luật liên quan tới tài nguyên và môi trường biển. Ví dụ, cần xây dựng các luật chuyên ngành, chuyên sâu về Khai thác, sử dụng biển (Sea-use), Môi trường biển (Marine environment), Quản lý hải đảo..., không nên để một vài “luật biển” gánh vác cả như hiện nay. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ cũng cần ban hành nhiều hơn các chính sách đặc thù với độ mở của cơ chế đủ để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”; chuyển từ ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất sang khai thác, sử dụng hiệu quả lâu dài các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể, các giá trị không gian và dịch vụ của các hệ sinh thái biển, đảo; gắn phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển với đảm bảo an ninh, quốc phòng; chuẩn bị điều kiện để sớm tham gia khai thác, sử dụng bền vững đại dương;... Theo đó, cần ưu tiên xây dựng chính sách (Nghị định, Thông tư hướng dẫn,...) đặc thù, ví dụ: về đánh giá môi trường đối với các dự án đầu tư vào biển; phát triển năng lượng biển tái tạo; phát triển hệ thống đô thị biển thông minh; giải quyết đồng bộ ba vấn đề “Ngư dân, Ngư nghiệp, Ngư trường” (Chính sách tam ngư) hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa biển, bao gồm các giá trị của khảo cổ học biển...

Khu đô thị mới TP. Hải Phòng

     Trong hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật về môi trường biển, tôi quan tâm đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu và giải pháp lớn của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giám sát việc thực thi các luật: Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015); Quy hoạch (2017), Thủy sản (2017); Bảo vệ môi trường (2020);... cũng như các chính sách: giao khu vực biển; quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển, đảo và vùng bờ biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU); giám sát mức độ tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm xả thải, nhận chìm xuống biển ở các khu kinh tế ven biển, ở các khu công nghiệp ven biển, trên đảo, và từ các hoạt động kinh tế trên biển (tàu thuyền, khai thác và vận chuyển dầu khí;...). Đặc biệt, tôi quan tâm đến chủ động dự báo khả năng “mất an ninh môi trường biển” do hành vi ứng xử không thân thiện môi trường của con người ở khu vực Biển Đông liên quan đến việc mở rộng các yêu sách phi lý về chủ quyền, ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích của Việt Nam.  

     PV: Là đại biểu của TP. Hải Phòng, ông có hành động gì để Hải Phòng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng, trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại?

     PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Hải Phòng là mảnh đất rất đặc biệt, vừa có thế núi, thế sông, vừa có đồng bằng và biển đảo. Sự phân hóa lãnh thổ như vậy tạo cho mảnh đất này các đặc trưng văn hóa riêng - “Văn hóa biển Hải Phòng” và các lợi thế phát triển cơ bản gắn với biển, như: cảng biển, đô thị, công nghiệp, kinh tế biển, thương mại và dịch vụ. Nhìn lại lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển từ một bến nhỏ Ninh Hải xưa (cảng Hải Phòng nay), thành phố Hải Phòng luôn khẳng định được vị thế địa chiến lược quan trọng đặc biệt của mình, cùng với phát huy các giá trị văn hóa vốn có của người Hải Phòng. Vì thế, bên cạnh phát huy các lợi thế, việc tiếp tục khơi dậy các giá trị tinh hoa văn hóa, biến nó thành động lực phát triển thành phố đã được Người Hải Phòng xem trọng và tôi rất quan tâm. Ngẫm cho cùng, khi người dân luôn yêu quý, biết trân trọng và tự hào về mảnh đất sinh ra hoặc nuôi dưỡng họ trưởng thành thì họ biết chia sẻ và sẵn sàng “chung lưng, đấu cật” vượt qua mọi thử thách, gian nan để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu riêng. Hải Phòng là vậy: oai hùng với các trận đánh “Bạch Đằng Giang”, thành phố Cảng, thành phố Hoa Phượng đỏ, thành phố “Trung dũng, Quyết thắng”, thành phố biển và gần đây Hải Phòng bứt phá phát triển, “thay da, đổi thịt”, đi trước và đứng đầu trong tốp có thu nhập bình quân đầu người hàng năm (năm 2020) đã đạt mức đặt ra cho mục tiêu cả nước vào năm 2025 ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

     Trên cơ sở nhận thức như vậy, những ưu tiên của tôi đối với phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, vì thế, trước hết là góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng hiện đại, văn minh, xanh và bền vững; xứng đáng là cửa ngõ quốc tế ra biển của miền Bắc nước ta, là “cánh tay nối dài” của Thủ đô Hà Nội, là thành phố tiền tiêu như “Hải Tần Phòng” xưa, là thành phố đi đầu trong công nghiệp hóa, trong kinh tế biển, thương mại - dịch vụ, và là một trung tâm khoa học - công nghệ biển và nghề cá quốc gia và khu vực,... Phấn đấu phát triển Hải Phòng trở thành hình mẫu của một thành phố ở vùng cửa sông ven biển giàu và đẹp, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; một thành phố “an ninh, an toàn, an sinh” đứng đầu cả nước vào năm 2030; một thành phố tiên phong trong thực hiện “Khát vọng Việt Nam” đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

     Để có thể đóng góp nhiều nhất vào định hướng chiến lược nói trên, tôi quan tâm đến tạo “động lực phát triển” từ các giải pháp phát huy các giá trị “địa văn hóa” của Hải Phòng với đặc thù văn hóa biển, với các giá trị di sản ngoại hạng, với các loại hình kiến trúc đô thị độc đáo như một “Pari ở phương Đông” trên nền cảnh quan của một vùng sông nước ven biển nhiệt đới. Trong quá trình mở rộng, phát triển đô thị và khu công nghiệp theo định hướng nói trên cần gắn chặt với nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, nguồn lợi thủy - hải sản, bảo vệ môi trường đô thị, cảng và kiểm soát tốt chất thải đổ vào biển (chất thải công nghiệp, đô thị, sinh hoạt và rác thải nhựa,...); bảo toàn các giá trị di sản toàn cầu và quốc gia ở vùng biển đảo Cát Bà - Long Châu làm nền tảng cho phát triển loại hình kinh tế dựa vào bảo tồn (Conservation-based economy), bao gồm nghề cá giải trí,...; xây dựng một cơ sở khoa học - công nghệ đại dương tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế để thu hút các nhà khoa học, các tổ chức khoa học đại dương quốc tế vào làm việc và nghiên cứu, triển khai ứng dụng tại Việt Nam. Thực thi hiệu quả, công bằng chính sách nông thôn mới gắn với nâng cao mức sống của nông dân; ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp đối với các dự án bảo quản, chế biến và tạo ra chuỗi giá trị để nông dân trực tiếp tham gia. Trong quá trình đô thị hóa, chú trọng cải thiện một bước đáng kể đời sống của người dân đô thị; thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, lấy người dân làm mục tiêu chính của sự phát triển thành phố. Bảo đảm thực thi pháp luật, chính sách trên địa bàn thành phố hiệu quả; chủ động và kịp thời giải quyết dứt điểm các khiếu nại, khiếu tố của tổ chức và người dân theo hướng tiệm tiến, “dễ trước, khó sau”. Phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm trên địa bàn thành phố; ngăn ngừa và kiểm soát tốt hiện tượng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) trên cơ sở bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản theo phương thức “đồng quản lý”, góp phần thực hiện chủ quyền dân sự trên các vùng biển của Tổ quốc. Trước mắt, cần tập trung kiểm soát, ngăn chặn và phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19 dựa trên các hành động tập thể, các thành tựu mới của khoa học-công nghệ để đảm bảo lợi ích kép; sớm khôi phục ngành du lịch - dịch vụ gắn với phát triển nghề cá giải trí...

     PV: Thưa ông, hiện nay tình trạng nguồn lợi thủy sản giảm sút do đánh bắt quá mức, do hủy hoại các hệ sinh thái biển - ven biển và do biển tiếp tục bị “đầu độc” bởi các vật chất, chất thải không qua xử lý, bao gồm rác thải nhựa... Vậy thời gian tới, theo ông Việt Nam cần có những giải pháp gì nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển, trong đó có nghề cá, đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển?

     PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Đúng là nguồn lợi thủy sản đang bị giảm sút nghiêm trọng do các nguyên nhân chính nói trên, đặc biệt là do mất an ninh môi trường biển gần đây từ những hành vi ứng xử xấu với môi trường biển liên quan đến phá hủy các rạn san hô làm đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi, các nguồn thải từ đất liền và nhận chìm trên biển ở nước ta có chiều hướng gia tăng, chưa được kiểm soát hiệu quả, rác thải nhựa chưa được quản lý đổ ra các vùng cửa sông ven biển và trôi dạt từ ngoài biển vào đang ở mức báo động. Rất tiếc, những hành vi vi phạm như vậy lại xảy ra ở trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải), mặc dù đã nhãn tiền từ bài học liên quan tới sự cố môi trường Formosa. Các thông báo gần đây của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy, trữ lượng hải sản ở vùng biển nước ta, bao gồm cả vùng biển Trường Sa (chưa đủ dẫn liệu ở vùng biển Hoàng Sa) đã giảm khoảng 16% so với trước năm 2010. Ở vùng biển gần bờ và các thủy vực nước lợ ven bờ biển đã bị đánh bắt quá mức, thậm chí vùng lõi của khu bảo tồn biển và các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản khác cũng bị đánh bắt theo lối hủy diệt,...

     Cho nên, hơn lúc nào hết cần phải giải quyết tốt cân bằng giữa môi trường và phát triển trong phát triển kinh tế biển, bao gồm nghề cá hướng tới phát triển bền vững. Ngoài các giải pháp dài hạn và ngắn hạn nói trên, tôi cho rằng cần phải tập trung bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển (marine natural assets), trước hết là các hệ sinh thái biển – ven biển, là yếu tố nền tảng bảo đảm cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững. Cần phải đưa các cân nhắc, vấn đề môi trường biển, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng,... vào trong bộ chỉ số để sàng lọc các dự án đầu tư, ngang bằng các chỉ số về kinh tế - xã hội. Nên ban hành chính sách và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đối với việc kiểm soát chất thải từ các nguồn thải tiềm năng đổ ra biển, bao gồm cả việc quy định không chỉ hàm lượng chất thải sau xử lý so với quy chuẩn, mà phải quy định tổng lượng thải theo đơn vị thời gian để ngăn ngừa các tác động tích lũy. Đồng thời, có chính sách riêng cho các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khu bảo tồn đa dạng sinh học biển... trong đó tăng cường phân cấp cho cộng đồng địa phương để chủ động bảo vệ nguồn sinh kế của chính họ. Đặc biệt, cần làm tốt quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để giảm thiểu mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển các ngành/lĩnh vực kinh tế biển theo yêu cầu của Luật Quy hoạch (2017). Áp dụng hiệu quả phương thức quản lý biển theo không gian, giao không chỉ quyền sử dụng khu vực biển cho các ngành, địa phương và các nhóm cộng đồng mà còn cả trách nhiệm quản lý cho họ, đồng thời với các chế tài cụ thể, đạt mức răn đe hiệu quả nhất;...      

     PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2021)

Ý kiến của bạn