01/08/2022
Ngày 22/7/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức cuộc họp tham vấn kinh nghiệm các bên nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Tham dự cuộc họp có đại diện của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Công Thương, Quỹ Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP/UNOPS), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Sở TN&MT các địa phương có biển khu vực phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (tại Việt Nam), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và một số nhà phát triển dự án…
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban và thủ trưởng các Bộ, ngành. Hiện, Bộ Công Thương đang chủ trì Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung.
Toàn cảnh Hội thảo
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược NLTT) nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050” và đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách như: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện. Riêng với điện gió ngoài khơi, loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, do số giờ vận hành trong năm cao... Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Đồng thời, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng điện gió ngoài khơi cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước gia tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về Chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe trình bày về kỳ vọng của các nhà phát triển dự án trong hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên vùng biển Việt Nam; đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Đồng thời, các bên đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, công nghệ, bài học điển hình đã triển khai thành công và hỗ trợ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam. Điều này cũng giúp nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn...
Vũ Nhung