Banner trang chủ

Tham vấn hoàn thiện kế hoạch loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone

18/09/2023

    Ngày 15/9/2023, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo Tham vấn hoàn thiện kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát và kết quả khảo sát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng BĐKH, Bộ TN&MT cho biết, năm 2023, Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề cho Ngày Quốc tế Bảo vệ Tầng ozone 16/9 là “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu BĐKH.” Tại Việt Nam, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ tầng ozone là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone tại Điều 92, Luật BVMT năm 2020. Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát, quy định về mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm về sử dụng chất được kiểm soát.

    Giai đoạn 2020 - 2025 Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ các chất HCFC, đây là chất làm suy giảm ozone sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực điều hòa không khí, sản xuất xốp, thiết bị lạnh. Hiện tại lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn và sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi dừng nhập khẩu các chất HCFC.

    Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ngân hàng Thế giới cho thấy, lượng tiêu thụ HCFC ở Việt Nam giảm mạnh do áp dụng biện pháp quản lý hạn ngạch nhập khẩu. Cụ thể từ mức dưới 3.600 tấn (năm 2019) xuống còn dưới 2.600 tấn/năm (trong giai đoạn từ 2020 đến nay).

    Nhiều năm qua, Việt Nam triển khai nỗ lực triển khai các hoạt động đóng góp khôi phục tầng ozone. Một trong số đó là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị lạnh, xốp hay điều hòa không khí, thiết lập trạm trộn hệ nước... chuyển đổi công nghệ sản xuất để không sử dụng các chất HCFC nhằm loại trừ được 35% mức tiêu thụ cơ sở. Nhiều hoạt động xây dựng tiêu chuẩn đánh giá năng lực, chứng nhận kỹ thuật viên lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng điều hòa không khí, tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng các chất trợ nở có tính cháy trong sản xuất xốp, hướng dẫn chuyển đổi công nghệ loại trừ HCFC được hỗ trợ. Đây là một phần cam kết của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện Nghị định thư Montreal về BVMT.

Toàn cảnh Hội thảo

    Chia sẻ về kết quả thực hiện quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal tại Việt Nam, bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Cục BĐKH cho biết, Việt Nam đã chung tay với cộng đồng quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone (CFC, Halon, CTC, HCFC, Methyl Bromide), chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC). Đồng thời, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 1/1/2010, hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng).

    Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024 - 2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045. Hiện Bộ TN&MT đang hoàn hiện việc xây dựng Dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện Nghị định thư Montreal.

    Kế hoạch đề ra lộ trình đến năm 2045, các chất làm suy giảm tầng ozone và các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal được quản lý hiệu quả và loại trừ dần theo lộ trình thông qua việc chuyển đổi sang công nghệ sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng 0, phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2 tương đương.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực thi quy định pháp luật về thu gom, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát…

    Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua tại Montreal (Canađa) vào tháng 9/1987, áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên. Tháng 1/1994 Việt Nam chính thức tham gia nghị định thư Montreal. Hiện có 198 quốc gia tham gia.

    Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2023 có thông điệp “Nghị định thư Montreal: Khôi phục tầng ozone và giảm thiểu BĐKH”. Nghị định thư Montreal đã đóng góp lớn trong việc hàn gắn lỗ thủng tầng ozone ngăn ngừa những hệ lụy tác động đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái trên hành tinh. Đến nay, tầng ozone đang được khôi phục theo đúng lộ trình và dự báo đến năm 2066, Nam Cực sẽ được phục hồi trở lại như năm 1980. Hiện đã có 99% các chất làm suy giảm tầng ozone đã được loại trừ hoàn toàn. Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hàng triệu người khỏi bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể, bảo vệ hệ sinh thái và làm chậm quá trình BĐKH.

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn