Banner trang chủ

Tham vấn Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật đối với công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do nước thải tại các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất

15/12/2022

    Ngày 15/12/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo Tham vấn đóng góp ý kiến cho Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công, quy trình vận hành, giám sát, kiểm tra và đánh giá công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Tham dự Hội thảo có đại diện: Tổng cục Môi trường; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Lãnh đạo Sở TN&MT một số tỉnh khu vực phía Bắc; các công ty, doanh nghiệp có công trình ứng phó sự cố…

    Trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật, GS. TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học xây dựng Hà Nội cho biết, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải, đặc biệt đối với nước thải tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất là rất cần thiết. Các hồ sự cố được xây dựng trong thời gian qua, cùng với một số biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khác được áp dụng đã khẳng định vai trò của công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Đặc biệt, một nội dung quan trọng cần được thực hiện là luựa chọn mô hình, giải pháp, thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình, trong đó có công trình về nước thải. Đây là nội dung gắn liền với việc xây dựng các công trình xử lý nước thải, là cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố do nước thải một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và giám sát cộng đồng, liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố, tích hợp vào hệ thống văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước.

    Hiện nay, về vơ bản, pháp luật đã điều chỉnh khá đầy đủ cơ chế phòng ngừa, ứng phso sự cố môi trường đối với từng nhóm, loại sự cố như: Cơ chế phòng, chống thiên tai; cơ chế phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tràn dầu… Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thực tế về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT hiện nay cho thấy, đối với sự cố môi trường do chất thải từ sự cố xử lý chất thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ còn thiếu cơ chế, quy trình phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp; năng lực phòng ngừa, ứng phó còn chưa cao; trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố chưa rõ ràng giữa các cơ quan, giữa Trung ương và địa phương; thiếu cơ chế huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường mặc dù pháp luật về BVMT đã có quy định nhưng hệ thống pháp luật n ày chưa được cụ thể, đầy đủ, chưa có hướng dẫn chi tiết, vì vậy khi xảy ra sự cố thì hầu như không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.

Toàn cảnh Hội thảo

    Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp có tiêu chuẩn nước thải, chế độ nước thải rất khác nhau. Các mô hình phòng ngừa, ứng phó sự cố ở các cơ sở sản xuất thường được áp dụng là những thiết bị đo lường, giám sát, cảnh báo, các bồn, bể chứa tạm thời nước thải, các đường xả tắt hay thậm chí là chế độ dừng sản xuất, dừng xả nước thải… Mặt khác, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế thoát nước và xử lý nước thải hiện hành TCVN 7957-2008 không có hướng dẫn chi tiết về các mô hình và giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố do nước thải, ngoài nội dung thiết kế bể điều hòa, giải pháp dẫn nước thải chảy tắt và các giải pháp quản lý kỹ thuật hệ thống thoát nước - xử lý nước thải nói chung của cơ sở sản xuất.

    Ngoài ra, các trạm xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu thiết kế bể điều hòa có dung tích chứa được 6 - 8h theo lưu lượng giờ trung bình của nước thải (TCVN 7957-2008) và thường không có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố hoặc các công trình này được thiết kế không phù hợp. Các bể xử lý nước thải cũng được thiết kế với công suất tính toán và thường chỉ có dự phòng quá tải về lưu lượng hay nồng độ ± 10%, không có dung tích dự phòng để chứa nước thải khi có sự cố xảy ra. Các nhà đầu tư hay đơn vị tư vấn cũng thường bỏ qua hoặc làm sơ sài về nội dung phân tích, đánh giá rủi ro, thiết lập quy trình ứng phó sự cố do nước thải. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp còn chưa phân biệt được các khái niệm hồ điều hòa, hồ sinh học, hồ sự cố, hồ kiểm chứng, hồ chỉ thị, hồ đệm, hồ xử lý nước thải, hồ cảnh quan… dẫn đến việc thiết kế, xây dựng, vận hành sai công năng của các hồ, gây tốn kém và không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm do nước thải, đồng thời, gây khó khăn ch cơ quan quản lý nhà nước khi thẩm định, giám sát, thanh tra, xử lý vụ việc khi sự cố xảy ra… Từ thực tế trên, việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về công trình, phòng ngừa, ứng phó sự cố đối với nước thải để thực thi Luật BVMT năm 2020 cũng như các văn bản pháp quy liên quan là rất cần thiết.

    Tại phần trao đổi, thảo luận, đại diện các doanh nghiệp có công trình ứng phó sự cố (công ty CP INNO, Công ty CP WEECO; Công ty CP ĐT&PT AIT…) đã giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về một số công trình ứng phó sự cố do nước thải đang hoạt động tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp; các nhà quản lý, chuyên gia; đại diện các Ban quản lý khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, quản lý, vận hành khai thác… đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để Ban Tổ chức tiếp tục hoàn thiện Tài liệu Hướng dẫn, nhằm đóng góp thiết thực vào hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp trong quản lý môi trường đối với nước thải công nghiệp.

     Tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công, quy trình vận hành, giám sát, kiểm tra, đánh giá công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật về công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp”, mã số TNMT.2020.04.11 do Bộ TN&MT quản lý, đơn vị thực hiện chính là Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong cả nước. Thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022.

     Mục tiêu của Nhiệm vụ nhằm xác lập được cơ sở thực tiễn để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp; Xây dựng được tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công, quy trình vận hành, giám sát, kiểm tra và đánh giá công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố đối với nước thải, tích hợp được vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước thải của cơ sở sản xuất và khu công nghiệp.

     Nhiệm vụ xoay quanh 5 nội dung: (1) Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để biên soạn Hướng dẫn kỹ thuật về công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. (2) Đánh giá thực trạngviệc thực thi phòng ngừa, ứng phó sự cố do nước thải ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, phục vụ cho việc biên soạn Hướng dẫn kỹ thuật về công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải. (3) Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công, quy trình vận hành, giám sát, kiểm tra, đánh giá công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố đối với nước thải. (4) Thiết kế sơ bộ công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải cho 2 đối tượng điển hình được lựa chọn. (5) Xây dựng Báo cáo tổng hợp và các sản phẩm khác theo đề cương.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn