Banner trang chủ

Thẩm định và hoàn thiện Dự án phân vùng rủi ro thiên tai

08/02/2023

    Ngày 8/2/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối”.

    Chia sẻ tại Cuộc họp, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực đồng bằng Bắc bộ (Tổng cục KTTV) cho biết, mục tiêu tổng quát của Dự án là phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu nhằm triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai KTTV, đê điều và tài nguyên nước. Mục tiêu cụ thể là đánh giá được mức độ rủi ro thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối; xây dựng được bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng được bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối thời gian thực, phục vụ công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

    Thời gian thực hiện Dự án trong vòng 3 năm, từ tháng 1/2023 - 12/2025 với các sản phẩm dự kiến gồm: Báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối cho các khu vực của Việt Nam; Bản đồ hiện trạng rủi ro thiên tai do mưa lớn, rét hại, sương muối (tỷ lệ 1:50.000) và bản đồ hiện trạng rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá (tỷ lệ 1:100.000); Báo cáo phân vùng rủi ro thiên tai gây ra bởi mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối cho từng khu vực trên phạm vi cả nước. Ngoài ra còn có Bộ bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai (tỷ lệ 1:50.000) do mưa lớn, rét hại, sương muối); Bộ bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai (tỷ lệ 1:100.000) do lốc, sét, mưa đá cho các tỉnh/thành phố của Việt Nam (bao gồm cả bản đồ hiểm họa, mức độ phơi bày và tình trạng dễ bị tổn thương); Bản đồ cảnh báo thiên tai mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối thời gian thực (bản đồ, quy trình và các phần mềm hỗ trợ).

    Dự án có 5 nội dung thực hiện, gồm: Phân tích, xử lý số liệu, tài liệu về mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối; phân tích, đánh giá tần suất, cường độ của các loại hình thiên tai trên tại các địa phương; điều tra về điều kiện kinh tế, dân cư, cơ sở hạ tầng để đánh giá năng lực ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối. Bên cạnh đó, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của dân cư, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội... khi xảy ra thiên tai mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối; Xác định tiêu chí, đánh giá mức độ rủi ro; Lập bản đồ cảnh báo thiên tai và bản đồ phần vùng rủi ro do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối.

Toàn cảnh Cuộc họp

    Tại Cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá vai trò quan trọng của việc triển khai Dự án, đồng thời thống nhất cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung. Theo ông Phan Văn Tân - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội, việc triển khai Dự án là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, tuy nhiên, phần mục tiêu cần cô đọng và diễn đạt lại cho hợp lý. Ông Phan Văn Tân cho rằng, ứng với từng nội dung công việc, đề cương Dự án cũng đã đề xuất các đơn vị thực hiện tương ứng với tiềm lực khoa học và cơ sở vật chất kỹ thuật, đó là cách tiếp cận hợp lý”.

    Chuyên gia Bùi Minh Tăng - Ủy viên phản biện của Hội đồng cần xem xét sửa đổi, hiệu chỉnh lại sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, giải pháp và sản phẩm của nhiệm vụ.

    Bà Đặng Thanh Mai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đánh giá, Dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, việc thực hiện nhiệm vụ đáp ứng được yêu cầu theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Mục tiêu của Dự án rõ ràng, đầy đủ và phù hợp. Nội dung thực hiện cũng được thuyết minh rõ ràng, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của nhiệm vụ, đồng thời làm rõ được các kết quả nghiên cứu, sản phẩm được kế thừa từ các đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn hiện có và sự kết nối với các nhiệm vụ của Chương trình 705. Giải pháp thực hiện cơ bản phù hợp, tuy vậy cần xem xét phân loại các tiêu chí của từng loại thiên tai theo từng vùng theo các đặc điểm của thiên tai. Ngoài ra, phần sản phẩm, kết quả cần bổ sung thêm một số sản phẩm trung gian, chẳng hạn như bản đồ tính toán trung gian, làm cơ sở cho các nhiệm vụ khác sử dụng; xem xét chuyển bản đồ hiện trạng, phân vùng rủi ro thiên tai trên nền bản đồ địa lý 1/50.000 hoặc 1/20.000.

    Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đề nghị bổ sung phương án chuẩn bị trang thiết bị vận hành. Cụ thể, Dự án có cơ sở dữ liệu lớn, 3 phần mềm, vì vậy, cần đảm bảo hệ thống máy tính, server đáp ứng khi chuyển giao để vận hành. Ngoài ra, bổ sung phương án, kế hoạch chuyển giao, ứng dụng sản phẩm dự án theo từng năm và sau khi kết thúc Dự án.

    Thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Chủ tịch Hội đồng, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Phó Chủ tịch Hội đồng đề nghị Tổng cục KTTV giao Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc bộ tiếp thu các ý kiến của tất cả các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nhiệm vụ.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn