Banner trang chủ

Thách thức và cơ hội khi chuyển đổi từ quản lý rác tập trung đơn tuyến sang định hướng thị trường đa tuyến

16/06/2022

    Ngày 15/6/2022, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế - Bộ Tài TN&MT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thực thi Luật BVMT năm 2020 về kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác: Thách thức và cơ hội khi chuyển đổi từ quản lý rác tập trung đơn tuyến sang quản lý rác định hướng thị trường đa tuyến từ góc nhìn thực tiễn”.

    Hội thảo nhằm thảo luận, xác định những khó khăn, rào cản, thách thức trong phân loại, thu gom rác thải tại nguồn cũng như việc thiết lập và triển khai chuỗi rác nhựa giá trị thấp (RNGTT) (bao gồm từ phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, đến sản xuất tái chế) trong nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các khuyến nghị cho thực thi Luật BVMT về kinh tế tuần hoàn rác thải và Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Ngọc Lý - Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR; ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc CECR; ông Nguyễn Thi - Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Hàn Quốc; ông David Liden - Cố vấn thương mại Đại sứ quán Thụy Điển; ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cùng các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

    Hiện nay, việc tiếp cận kinh tế tuần hoàn rác thải sinh hoạt đòi hỏi những thay đổi căn bản từ việc ứng xử, quản lý chuỗi rác thải sinh hoạt duy nhất (đơn tuyến) sang ứng xử, quản lý nhiều chuỗi rác thải tài nguyên theo loại rác (đa tuyến); từ quản lý tập trung theo phương pháp không có hoặc ít kết nối thị trường sang quản lý nhiều tuyến, kết nối thu gom phân loại với tái chế, tạo ra thị trường sản phẩm tái sử dụng; từ việc điều phối mang tính mệnh lệnh sang việc điều phối nhiều bên tham gia liên quan đến rác thải; từ việc coi rác thải là thứ bỏ đi sang việc coi rác thải là nguồn tài nguyên có ích... Tiếp cận kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác thải sinh hoạt đòi hỏi những thay đổi lớn trong nếp nghĩ và hành vi, cũng như trong  hệ thống chính sách và cách thức quản lý. Đây là sự thay đổi rất lớn trong công tác quản lý rác thải, đặc biệt trong quản lý rác thải đô thị.

Toàn cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: “Luật BVMT đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Luật có rất nhiều quy định mang tính đột phá nhằm BVMT, xây dựng cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, áp dụng nhiều công cụ tài chính, kinh tế nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các bên trong hoạt động BVMT. Kinh tế tuần hoàn, với khái niệm, dấu hiệu được xác định cụ thể tại Điều 142 trong Luật là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường thì trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy đinh tại Điều 54 về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55 về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu là quy định quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công của mô hình kinh tế tuần hoàn, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng theo tỷ lệ bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc hoăc đóng góp tài chính để thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm bao bì.

    Với quy định như vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nêu trên có hai mục tiêu chính sẽ đạt được gồm: Thúc đẩy nhà sản xuất thay đổi công nghệ, nguyên, vật liệu sản xuất, thiết kế sản phẩm để dễ dàng thu gom, tái chế nhằm tối ưu hóa chi phí thực hiện trách nhiệm của mình hoặc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để không thuộc diện thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Hình thành nguồn tài chính tương đối ổn định, tương ứng với trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì đã đưa ra thị trường; nhằm thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP); chia sẻ gánh nặng của ngân sách Nhà nước trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Như vậy, EPR có tác động đến toàn bộ các khâu của mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm, khuyến khích tái sử dụng, thúc đẩy tái chế và đưa nguyên vật liệu tái chế trở lại vòng sản xuất …

    Là một trong những tổ chức tiên phong trong nghiên cứu và thúc đẩy cách tiếp cận quản lý rác thải theo chuỗi giá trị, đại diện CECR, TS. Nguyễn Khắc Hùng - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Hội thảo diễn ra trong không khí hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022 với chủ đề Chỉ một Trái đất, nhằm đóng góp các đề xuất, giải pháp kỹ thuật, quản lý, tài chính, chính sách, truyền thông và tuân thủ cho công tác thực hiện triển khai Luật BVMT năm 2020 về thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu phí rác thải theo khối lượng/thể tích và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải tại Việt Nam. CECR tin rằng, sự kiện này là một dấu mốc quan trọng cho sự hợp tác giữa các tổ chức nhà nước, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng hướng tới hệ thống quản lý rác thải đa tuyến, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác. CECR sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bên liên quan trong việc thúc đẩy việc thực thi Luật BVMT năm 2020, thúc đẩy các chính sách về mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe người dân một cách bền vững.”

    Hội thảo đã được lắng nghe một số tham luận giới thiệu khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác và những thách thức trong thực thi; quản lý rác thải sinh hoạt đô thị từ đơn tuyến sang đa tuyến, các thách thức hệ thống và các rào cản cụ thể; kiến tạo thành công tuần hoàn tài nguyên rác: Tạo vốn và thị trường cho thu gom, tái chế rác, từ chính sách đến thực tiễn, vai trò của các công ty; tổ chức các chuỗi giá trị rác tái chế, đồng thời nhấn mạnh vai trò của công nghệ và công nghệ thông tin trong kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác.

    Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận các chủ đề: Từ phân loại, thu gom tại nguồn tới thu phí rác thải theo khối lượng: Truyền thông thay đổi hành vi và các điều kiện cần và đủ để thành công; trợ giá cho thu gom xử lý chôn lấp, EPR và cơ hội xây dựng ngành thu gom tái chế rác thải Việt Nam; vai trò của phụ nữ thu gom phi chính thức trong quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay: Chuyển đổi sang chính thức; cách mạng số, yếu tố quyết định trong vận hành kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác… Rất nhiều vấn đề, giải pháp liên quan đến kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại phiên thảo luận, đây chính là những tư liệu quan trọng giúp Việt Nam có thể áp dụng hiệu quả Luật BVMT năm 2020.

    Kết quả của Hội thảo sẽ đóng góp vào bản khuyến nghị chính sách về xây dựng, thúc đẩy và vận hành nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác do CECR biên soạn, gửi tới Bộ TN&MT vào tháng 7/2022.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn