Banner trang chủ

Tập huấn truyền thông, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

24/11/2023

    Ngày 23/11/2023, Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa tổ chức tập huấn triển khai các hoạt động truyền thông, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh. Mục đích nhằm tăng cường kiến thức, khuyến khích tinh thần chủ động, tích cực của cộng đồng trong việc tham gia vào quá trình phân loại CTRSH tại nguồn. Đồng thời, từ biện pháp hướng dẫn kỹ thuật, truyền thông, giúp người dân nắm bắt được phương pháp và quy trình phân loại chất thải một cách đơn giản và hiệu quả. Tham gia buổi tập huấn có hơn 100 đại biểu là cán bộ quản lý về môi trường, tuyên truyền viên các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã, thị trấn, huyện thị trong tỉnh.

    Kể từ ngày 1/4/2023, Quyết định 06/2023/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa về quy định quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân; Quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực pháp luật. Quyết định quy định về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân; tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức và cá nhân liên quan trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

    Hộ gia đình, cá nhân; các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, cá nhân; các cơ sở thu gom, vận chuyển và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là đối tượng áp dụng của quy định.

    Quản lý CTRSH là trách nhiệm và nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động làm phát sinh rác thải sinh hoạt và các cơ sở thu gom, vận chuyển có liên quan. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo các nhóm như chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm giấy, nhựa, kim loại, cao su, thủy tinh; chất thải thực phẩm; CTRSH khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ nguồn chủ thải) và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý theo quy định của UBND và các quy định của pháp luật có liên quan.

    Rác thải sinh hoạt tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng); bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước, rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ; bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.

    Lộ trình vận chuyển rác thải sinh hoạt theo nguyên tắc ưu tiên thực hiện lộ trình thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết để vận chuyển thẳng về các cơ sở xử lý; hạn chế vận chuyển từ các điểm tập kết về trạm trung chuyển; Tuyến đường vận chuyển gồm đường trong khu vực đô thị và đường ngoài khu vực đô thị (gồm các tuyến đường còn lại như đường tỉnh, huyện, xã...). Thời gian vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với đường đô thị từ 18 giờ ngày hôm trước đến trước 6 giờ ngày hôm sau; đối với đường ngoài khu vực đô thị: tùy từng địa phương, chủ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt xây dựng thời gian cho phù hợp. Các khung thời gian vận chuyển CTRSH nêu trên không áp dụng đối với những ngày nghỉ Lễ, Tết theo quy định của Nhà nước hoặc các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lũ,...

    Tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã báo cáo nhiều chuyên đề quan trọng như: Pháp luật về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh; vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý CTRSH và trong tuyên truyền vận động thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; áp dụng chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công tác quản lý phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; vai trò của công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội trong thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật BVMT năm 2020.

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn