14/12/2020
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên sự phát triển đó đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, việc triển khai Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) ở Việt Nam” (Dự án BR) càng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường phương pháp quản lý hài hòa với thiên nhiên. Nhân dịp Khởi động Dự án BR, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Phó Giám đốc Dự án BR.
PV: Thưa bà, có thể nói, việc triển khai Dự án BR có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với các áp lực từ hoạt động phát triển và thiên tai. Bà có thể giới thiệu đôi nét về Dự án BR ?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, mở rộng mạng lưới giao thông, phát triển du lịch… đang làm thay đổi cảnh quan, gia tăng mối đe dọa đến dịch vụ hệ sinh thái (HST) và đa dạng sinh học (ĐDSH).
Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các bên liên quan xây dựng và phê duyệt thành công Dự án BR do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP. Dự án nhằm hỗ trợ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý KDTSQ; Tăng cường hiệu quả quản lý ba KDTSQ tham gia Dự án là KDTSQ Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai; KDTSQ Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam; KDTSQ Tây Nghệ An, tỉnh Nghệ An thông qua hoạt động tăng cường năng lực, hỗ trợ triển khai cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên; phục hồi và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ các mô hình sinh kế cộng đồng nhằm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và quản lý bảo tồn ĐDSH.
Giải pháp lâu dài mà Dự án đề ra là giúp Việt Nam đưa vấn đề bảo tồn, bảo vệ ĐDSH vào quy hoạch, quản lý cảnh quan, rừng và cảnh quan biển; đồng thời cũng đưa những nội dung này vào các lĩnh vực kinh tế, sản xuất chính để chuyển dịch sang phát triển bền vững và công bằng hơn. Để đạt được điều này, cần thực hiện các hành động nhằm tăng cường năng lực, sự phối hợp giữa các cấp quốc gia và cấp tỉnh về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, phòng ngừa, quản lý các loài ngoại lai xâm hại.
PV: Bà có thể cho biết, việc lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: KDTSQ là những khu vực có các HST biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp hài hòa giữa bảo tồn ĐDSH với phát triển bền vững các khu vực này. KDTSQ có ba chức năng chính là: bảo tồn, phát triển kinh tế và nghiên cứu, giáo dục. Tính từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã có 9 KDTSQ được công nhận với tổng diện tích hơn bốn triệu ha (chiếm 12.1% diện tích tự nhiên của cả nước) bao gồm vùng biển và khu vực trên cạn: Cần Giờ (công nhận năm 2000), Đồng Nai (năm 2001), quần đảo Cát Bà (năm 2004), đồng bằng sông Hồng (năm 2004), Kiên Giang (năm 2006), Tây Nghệ An (công nhận năm 2007), Cù Lao Chàm - Hội An (năm 2009), Mũi Cà Mau (năm 2009) và Lang Biang (năm 2015).
Mặc dù vậy, đến nay khung chính sách và pháp lý Việt Nam chưa hỗ trợ cho việc quản lý các KDTSQ, giúp kết hợp quản lý bảo tồn và sản xuất, thực hiện quản lý ở cấp độ cảnh quan tổng thể (gồm có vùng lõi, chuyển tiếp và vùng đệm). Ở Việt Nam, KDTSQ là một khái niệm tương đối mới mà hầu hết các nhà ra quyết định chưa hiểu rõ và chưa công nhận đầy đủ hoặc chưa được lồng ghép vào việc hoạch định chính sách về bảo tồn, phát triển ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tương tự, ở cấp địa phương không có quy định trách nhiệm rõ ràng cho việc lập quy hoạch, quản lý KDTSQ. Mặc dù mỗi KDTSQ đều có một ban quản lý, nhưng không có quy định quản lý thống nhất cho các KDTSQ để giúp cho nỗ lực của Ban quản lý này được lồng ghép vào công tác quản lý của các tổ chức và ngành khác nhau. Điều này khiến cho các KDTSQ ở Việt Nam hiện đang bị tổn thương do thiếu quy hoạch cấp độ cảnh quan, thiếu sự giám sát, đánh giá và chưa có lồng ghép bảo tồn ĐDSH hoặc quản lý khu bảo tồn (KBT) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy trình, dẫn đến xung đột giữa tổ chức bảo tồn và phát triển.
Hiện nay, việc quản lý các KDTSQ tại Việt Nam chưa thực hiện việc lồng ghép quy hoạch, phân vùng, sử dụng tài nguyên và các biện pháp khác cho toàn bộ cảnh quan của các KDTSQ, trong đó bao gồm vùng lõi cho mục đích bảo tồn, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Có thể thấy, hầu hết tại các KDTSQ trong nước đều đang xảy ra các cuộc xung đột giữa bảo tồn và phát triển, do nhiều người dân sống trong KDTSQ còn nghèo và phụ thuộc vào các tập quán sinh kế như khai thác gỗ, săn bắn động vật bất hợp pháp và đánh bắt cá quá mức. Tuy nhiên, nguyên nhân của xung đột này chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm hay hiểu biết về việc lựa chọn sinh kế bền vững, cũng như thiếu các cơ chế khuyến khích sử dụng tài nguyên bền vững.
Một rào cản chủ yếu đến bảo tồn ĐDSH trong các KDTSQ của Việt Nam là thiếu các chương trình quản lý và bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) dựa vào cộng đồng, trong đó lồng ghép bảo tồn ở cấp độ cảnh quan; đây là cách tiếp cận rất cần thiết giúp giải quyết các mối đe dọa đến các loài ĐVHD (như áp lực săn bắn) tại các khu vực sản xuất, thông qua sự hợp tác giữa các nhà quản lý KBT và các cơ quan chức năng bên ngoài KBT, đồng thời cung cấp các lợi ích tiềm năng cho cộng đồng địa phương từ việc bảo tồn ĐVHD và sử dụng bền vững các sản phẩm ĐVHD. Thách thức này cho thấy, rào cản lớn trong việc quản lý hiệu quả các KDTSQ, đó là thiếu năng lực kỹ thuật, nguồn lực cho các bên liên quan ở địa phương để thực hiện kết hợp tổng hợp quản lý tài nguyên, bảo tồn ĐDSH ở mức độ cảnh quan rộng lớn. Cuối cùng, do nhận thức, hiểu biết của người dân địa phương và các bên liên quan khác về công tác bảo tồn, lợi ích kinh tế của các KDTSQ còn thấp nên đã hạn chế các nỗ lực trong việc lồng ghép bảo tồn ĐDSH hoặc các chương trình quản lý đất, rừng bền vững.
PV: Để giải quyết các vấn đề nêu trên, những vấn đề gì sẽ được quyết trong khuôn khổ Dự án BR, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Để giải quyết các vấn đề nêu trên, theo tôi, cần thực hiện các hành động nhằm tăng cường năng lực, sự phối hợp giữa các cấp quốc gia và cấp tỉnh về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, phòng ngừa, quản lý các loài ngoại lai xâm hại. Dự án BR khởi động hôm nay sẽ góp phần giải quyết các rào cản đó là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế; lồng ghép việc lập kế hoạch và quản lý đa ngành; quản lý tri thức.
Dự án sẽ tập trung giải quyết vấn đề ở 2 cấp độ. Các hoạt động của Dự án ở cấp độ quốc gia sẽ hỗ trợ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý nhằm quản lý tổng hợp HST tại các KDTSQ cũng như lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các KDTSQ ở Việt Nam; các hoạt động nâng cao năng lực để thực thi các chính sách. Ở cấp độ khu dữ trữ sinh quyển, Dự án sẽ triển khai các hoạt động cụ thể, thí điểm các chính sách được xây dựng ở cấp độ quốc gia và các hoạt động cụ thể nhằm sử dụng bền vững tài nguyên, quản lý KBT và các phương thức phát triển thân thiện với ĐDSH.
Hội thảo Khởi động Dự án BR
Để thực hiện việc lồng ghép các mục tiêu về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các KDTSQ, Dự án đã lựa chọn 3 KDTSQ là Cù Lao Chàm, Hội An; Đồng Nai và Tây Nghệ An. Ba khu vực này được lựa chọn do có tính đại diện cao về HST (Cù Lao Chàm đại diện cho HST biển; Tây Nghệ An đại diện cho HST núi và Đồng Nai đại diện cho các HST rừng nhiệt đới); khả năng kết nối (hai khu Tây Nghệ An và Đồng Nai đều có tiềm năng lớn cho việc cải thiện kết nối giữa các HST quan trọng); tiềm năng phát triển du lịch (cho phép Việt Nam thử nghiệm mô hình huy động tài chính dựa vào ngành du lịch và tham gia quản lý các KDTSQ); địa phương ủng hộ và có năng lực thực hiện. Cả ba khu được lựa chọn đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa đến ĐDSH, chức năng HST và tính bền vững của quản lý tài nguyên thiên nhiên, từ việc phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng; mở rộng nông nghiệp; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; và các tập quán sinh hoạt dẫn đến suy thoái HST như cháy rừng và giảm chất lượng nước.
PV: Bà có thể cho biết, cách tiếp cận nổi bật của Dự án và các đóng góp dự kiến của Dự án để đạt được các mục tiêu của đất nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Để tìm ra các giải pháp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, khắc phục các trở ngại nhằm tiến tới phát triển bền vững là bài toán khó không chỉ với Việt Nam, mà còn với các nước khác trên thế giới. Dự án đã nghiên cứu bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và bài học từ thực tế trong hoạt động của các KDTSQ để đề xuất áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên bao gồm: Lồng ghép các mục tiêu về bảo tồn ĐDSH vào các văn bản pháp luật, chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp cận đa ngành và đa bên trong quản lý tài nguyên thiên nhiên; áp dụng cách tiếp cận SLIQ trong quản lý tài nguyên (S: Tư duy hệ thống; L: Quản lý cảnh quan; I: Điều phối liên ngành; Q: Kinh tế chất lượng); Bảo tồn gắn với sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế, phát huy giá trị văn hóa. Các phương pháp tiếp cận này sẽ được Dự án nghiên cứu cụ thể để lồng ghép và áp dụng trong thời gian tới.
Có thể nói, Dự án phù hợp và hỗ trợ đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như: Xác định các nguyên nhân chính gây mất ĐDSH để làm giảm áp lực trực tiếp lên ĐDSH và ngăn chặn sự suy giảm ĐDSH ở các KBT; Giảm thiểu các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; Bảo tồn ĐDSH trong hệ thống các KBT có các HST điển hình và HST hỗn hợp; Tăng cường bảo tồn ĐDSH ở cấp HST, loài và nguồn gen; Lợi ích từ các dịch vụ liên quan đến ĐDSH và HST cần được chia sẻ công bằng và bình đẳng với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, khi các cách tiếp cận mới nêu trên được triển khai thành công và áp dụng rộng rãi sẽ góp phần phát triển bền vững đất nước thông qua việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý có liên quan, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, khắc phục các trở ngại để đạt được sự hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, tạo sự quan tâm và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong hoạt động bảo tồn.
Ngoài ra, Dự án sẽ góp phần đạt được các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, như hỗ trợ đạt được các mục tiêu Aichi, đặc biệt là Mục tiêu Chiến lược B (Giảm áp lực trực tiếp lên ĐDSH và thúc đẩy sử dụng bền vững), Mục tiêu Chiến lược C (Cải thiện tình trạng ĐDSH bằng cách bảo vệ HST, loài và đa dạng di truyền) và Mục tiêu 12 (Đến năm 2020, sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa đã biết được ngăn chặn đặc biệt là tình trạng của những loài bị suy giảm nhiều nhất được cải thiện và duy trì). Dự án cũng góp phần vào thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đặc biệt là SDG 15 về ngăn chặn mất ĐDSH. Đặc biệt, Dự án trực tiếp hỗ trợ đạt được cam kết khi tham gia mạng lưới KDTSQ thế giới được thực hiện theo hướng mở, liên ngành và đa lĩnh vực để đảm bảo được 3 chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ của mỗi KDTSQ.
Nguyễn Hằng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)