Banner trang chủ

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các điểm nóng nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam

13/07/2023

    Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về môi trường khu vực phía Nam được tăng cường thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp tích cực và đạt được một số kết quả như: Tổ chức triển khai hiệu quả chính sách, pháp luật về BVMT; chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác BVMT của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cao; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; duy trì phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ÔNMT, các điểm nóng về môi trường phát sinh; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường công tác quan trắc môi trường và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường, cung cấp thông tin về môi trường; triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng… Mặc dù vậy, tại khu vực này vẫn tồn tại các nguy cơ về ÔNMT cần tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT

    Thực tế cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường được coi là một trong những công cụ hữu hiệu của công tác quản lý nhà nước về BVMT, đã trở thành hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý về môi trường các cấp, qua đó góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về BVMT. Do đó, hàng năm, các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp đều đã tiến hành thanh tra đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng tại miền Nam, Chi cục Kiểm soát ÔNMT (KSONMT) miền Nam, Cục KSONMT từ năm 2016 đến nay đã tiến hành thanh tra đối với tổng số 480 khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua kết quả thanh tra đã tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 156 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 45.854 triệu đồng; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với 49 khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua kết quả kiểm tra đã tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 cơ sở với tổng số tiền là 2.628 triệu đồng.

    Hiện nay, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định 2 nội dung mới liên quan đến thanh tra, kiểm tra là: (i) hoạt động thanh tra chuyên ngành về BVMT (Điều 162) và (ii) kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT (Điều 163). Đối tượng thanh tra thường xuyên về BVMT là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ÔNMT ở mức I, Cột 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đồng thời thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thời gian thanh tra thường xuyên đối với một tổ chức, cá nhân trong 3 năm liên tiếp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật về BVMT.

    Điều 162 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về các nội dung trách nhiệm, hình thức kiểm tra, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ, thẩm quyền kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra; thời gian kiểm tra tại một cơ sở được quy định là tối đa không quá 7 ngày, kể từ ngày bắt đầu tiến hành kiểm tra tại nơi được kiểm tra; trường hợp vụ việc phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng, thời hạn kiểm tra là 15 ngày; vì vậy, cần lưu ý trong quá trình triển khai để đảm bảo đúng quy định. Trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, riêng miền Nam dự kiến kiểm tra đối với 65 cơ sở trên địa bàn 5 tỉnh là An Giang, Bến Tre, Bình Phước, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Đồng thời, Chi cục KSONMT miền Nam đã phối hợp với Sở TN&MT rà soát, đề xuất đối tượng khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm để đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, khi triển khai các đoàn thanh tra cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành của địa phương (Sở TN&MT, Ban quản lý Khu kinh tế/Khu công nghiệp, Phòng Cảnh sát môi trường,...).

Kiểm soát, giám sát các điểm nóng và hoạt động ứng phó đối với các sự cố môi trường

    Trong giai đoạn từ năm 2018 tới nay, công tác phòng ngừa, chủ động kiểm soát các điểm nóng ÔNMT được xây dựng thành nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thường xuyên, định kỳ tại miền Nam. Việc xác định danh mục nguồn điểm/nguồn diện được Chi cục KSONMT miền Nam  phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT các tỉnh/TP trong quá trình rà soát, thống kê và việc rà soát, thống kê, cập nhật danh mục được thực hiện hàng năm, đối với nguồn điểm thì ưu tiên tập trung vào các cơ sở/dự án do Bộ TN&MT phê duyệt hồ sơ/cấp giấy phép về môi trường để triển khai các hoạt động kiểm soát, giám sát. Theo đó, Cục KSONMT đã tổ chức khảo sát, làm việc, thu thập thông tin, dữ liệu của hơn 215 cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ÔNMT cao (do Bộ TN&MT phê duyệt các hồ sơ môi trường) và đang tiếp tục hoàn thiện việc cập nhật, bổ sung thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu kiểm soát nguồn thải của Cục KSONMT. Trên cơ sở kết quả khảo sát, làm việc Cục KSONMT (thông qua Chi cục KSONMT miền Nam) đã ban hành 101 thông báo (tính từ năm 2020 - 2022) kết quả làm việc và yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại trong việc thực hiện nội dung BVMT; 24 văn bản thông báo kết quả làm việc tới các Sở TN&MT đề nghị phối hợp giám sát việc khắc phục tồn tại của các cơ sở; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính về BVMT đối với 2 đơn vị. Đến nay, phần lớn các cơ sở đã khắc phục các tồn tại được chỉ ra và báo cáo kết quả khắc phục.

    Đồng thời, Cục KSONMT đã tổ chức thực hiện giám sát đặc biệt đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ÔNMT cao tại miền Nam từ năm 2018 đến nay gồm: Nhà máy giấy Lee&Man; Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trung tâm Điện lực Sông Hậu và Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Đã hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “4 bên” (Cục KSONMT, Sở TN&MT các địa phương, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án/cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ÔNMT cao). Theo đó, đã chuyển từ bị động, lúng túng sang chủ động phòng ngừa, ứng phó giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh; giám sát các tổ hợp dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp quy mô lớn, nguy cơ ÔNMT cao, đáp ứng đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều dự án lớn, trong đó có Công ty Lee&Man tại tỉnh Hậu Giang, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về BVMT để đi vào vận hành chính thức. Ngoài ra, Cục cũng chủ động phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh/TP giải quyết các sự cố phát sinh; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh/TP tại miền Nam giải quyết kịp thời các vụ việc nóng về môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT; định kỳ vào đầu từng năm, Tổng cục Môi trường (nay là Cục KSONMT) có các văn bản cảnh báo gửi Sở TN&MT các tỉnh/TP để yêu cầu các cơ sở sản xuất trên địa bàn triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường khi miền Nam chuẩn bị bước vào mùa mưa…; tăng cường tổ chức thực hiện hoạt động BVMT lưu vực sông liên tỉnh tại miền Nam; đẩy mạnh hoạt động trao đổi chuyên môn, phối hợp với các tỉnh thành trong công tác nâng cao năng lực quản lý BVMT; hỗ trợ chuyên môn cho Sở TN&MT các tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề ÔNMT lớn mà địa phương đang gặp phải nhưng chưa có giải pháp phù hợp như bảo vệ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm Sóc Trăng, Cà Mau,…

    Tuy nhiên, từ những kết quả xử lý vi phạm cho thấy, một số doanh nghiệp được thanh tra chưa tuân thủ các quy định của Luật BVMT và các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, chưa xây dựng các công trình xử lý chất thải; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT sau thẩm định báo cáo ĐTM tuy đã được quan tâm nhưng nguồn lực thực hiện còn thiếu nên chưa đạt hiệu quả cao; việc thực hiện công tác BVMT của nhiều cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó, không thể hiện được bản chất cũng như phát huy hết tính hiệu quả của các biện pháp BVMT mà cơ quan quản lý nhà nước đề ra. Từ đó cho thấy, cần phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa, hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn để đủ sức răn đe các cơ sở cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

    Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhiều cả về số lượng cũng như lĩnh vực chuyên ngành, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ, một số quy định còn chung chung hoặc thiếu chế tài dẫn đến việc nắm bắt kịp thời cũng như hiểu một cách thấu đáo, toàn diện các quy định để áp dụng trong quá trình xử lý công việc đối với công chức trong ngành gặp nhiều lúng túng, khó khăn, hạn chế. Lực lượng làm công tác thanh tra chưa đủ cả về số lượng và chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước cũng như các nhiệm vụ phát sinh trong thực tiễn; kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và chưa được cấp phát thường xuyên theo quy định...

Một số đề xuất, kiến nghị

    Thứ nhất, đối với việc công khai các Kết luận thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT cần cập nhật công khai kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo quy định của pháp luật về thanh tra.

    Thứ hai, với các đơn vị chây ì, trì hoãn việc nộp phạt vi phạm hành chính hay chậm báo cáo kết quả khắc phục Kết luận thanh tra, cần tiếp tục đưa vào danh sách thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện cưỡng chế đối với các cơ sở không chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.

    Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT và Sở TN&MT còn chậm hoặc nội dung kế hoạch chưa sát với định hướng công tác thanh tra đã được phê duyệt; tỷ lệ các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất còn thấp so với yêu cầu; hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, đơn thư chưa hoàn chỉnh, thiếu cập nhật, kết nối để chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương chưa toàn diện dẫn đến việc xử lý đơn thư trùng lặp, vượt cấp, hết thẩm quyền, hết thời hiệu, mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý. Do vậy, cần tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn với địa phương; sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu về các đối tượng thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo giữa Cục với Sở TN&MT.

    Thứ ba, Cục KSONMT và các Sở TN&MT tăng cường phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nội dung tại Quyết định số 750/QĐ-BTNMT ngày 28/3/2023 của Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT, trong đó khu vực miền Nam ưu tiên thực hiện các nội dung sau: (i) Tiếp tục thực hiện giám sát về môi trường đối với các cơ sở công suất lớn, các khu vực hoạt động có nguy cơ gây ÔNMT cao, gây ÔNMT; (ii) Kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề (nhất là 54 khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và 47 khu công nghiệp có nguồn nước thải lớn); (iii) Tiếp tục rà soát, phân loại và tăng cường phòng ngừa, kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT.

    Thứ tư, đẩy mạnh phối hợp trong công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT theo quy định tại khoản 5 Điều 159 Luật BVMT; đặc biệt, nâng cao hơn nữa công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xác minh và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT thông qua đường dây nóng theo Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ÔNMT đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành tại Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 24/1/2022; phát huy hơn nữa vai trò của người dân và cộng đồng trong công tác giám sát, BVMT; giúp giám sát tốt các điểm nóng về môi trường hiện hữu cũng như giảm thiểu các điểm nóng về môi trường phát sinh thông qua giám sát của người dân và cộng đồng dân cư.

    Thứ năm, tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động kiểm soát hiệu quả đối với các dự án có nguy cơ ÔNMT cao trong thời gian tới, trong đó đẩy mạnh một số hoạt động sau:

    Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở TN&MT địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát nguồn thải (rà soát, thống kê và lập danh mục nguồn điểm/nguồn diện trên địa bàn để tránh việc bỏ sót các đối tượng cần kiểm soát; tình trạng hoạt động của các cơ sở/dự án để xây dựng kế hoạch kiểm soát phù hợp với thực tế; tăng cường hoạt động kiểm soát chuyên đề theo ngành có nguy cơ ÔNMT cao như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất thép;…để đảm bảo tính chủ động trong công tác phòng ngừa ô nhiễm; tăng cường các hoạt động, biện pháp kiểm soát đối với một số nguồn diện).

    Đẩy mạnh việc ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát nguồn thải thông qua việc xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu để khai thác nhanh chóng thông tin nguồn thải, số liệu quan trắc tự động, cảnh báo sự cố; xây dựng các bản đồ phân bố nguồn thải và phần mềm tương tác nhanh với người sử dụng để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý môi trường.

    Thứ sáu, phối hợp để giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, cụ thể: Tiếp tục trao đổi, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn để quản lý hiệu quả môi trường các lưu vực sông lớn trên địa bàn miền Nam; Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường KSONMT không khí và Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.

    Thứ bảy, tăng cường hiệu quả hoạt động quan trắc, cảnh báo ÔNMT: Nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường, nhất là tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ, cung cấp dữ liệu giữa Trung ương với địa phương; phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các phản ánh qua Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT từ trung ương đến địa phương.

    Thứ tám, tiếp tục nhân rộng, rút kinh nghiệm mô hình giám sát BVMT, ứng phó sự cố chất thải có sự tham gia của cộng đồng, chủ cơ sở và các cơ quan quản lý nhà nước (mô hình 4 bên gồm: Cục KSONMT, Sở TN&MT tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, các Tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các cơ sở sản xuất) để áp dụng đối với các cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT hoặc xảy ra các sự cố môi trường, các cơ sở bị người dân và báo chí phản ánh tình trạng ÔNMT.

TS. Hoàng Văn Thức

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2023)

Ý kiến của bạn