Banner trang chủ

Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa

15/10/2021

    Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững lần thứ 8 (VCSF 2021), ngày 15/20/2021, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa”. Đây là hội thảo thứ 3 trong chuỗi hội thảo chuyên đề của VCSF 2021, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi trực tuyến của các đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong nước, quốc tế và các cơ quan truyền thông qua website của sự kiện.

    Nếu Hội thảo chuyên đề số 1 “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” ngày 9/9 tập trung chia sẻ các thông lệ tốt và kiến nghị từ các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững trong đảm bảo sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch, góp phần đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép; Hội thảo chuyên đề số 2 “Kinh tế tuần hoàn - Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” ngày 14/10 gắn trọng tâm thảo luận vào chủ đề “vốn tự nhiên” - 1/3 trụ cột của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp, thì Hội thảo số 3 này nhấn mạnh vào nội dung đảm bảo “vốn tài chính” và “vốn xã hội” - 2 trụ cột quan trọng khác của chiến lược kinh doanh bền vững, cũng như thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo bàn đạp thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp nhanh hơn.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI cho biết, tác động của đại dịch Covid-19 là lâu dài và không thể đoán trước. Giải pháp cơ bản là chúng ta cần hợp tác với nhau. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sáng kiến ​​của VCCI thành lập “Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó Covid-19”, cũng như sáng kiến xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI. Theo ông, CSI đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường quản trị doanh nghiệp bền vững, từ đó nâng cao khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch. Về phía Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob nhấn mạnh 3 trụ cột tăng trưởng bền vững của công ty bao gồm “Chuyển đổi số”, “Đổi mới - Định hướng người tiêu dùng” và “Phát triển bền vững”. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của chuyển đổi số là tư tưởng lãnh đạo và lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc nâng cao năng lực của nhân viên để thích ứng với sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI, phát biểu khai mạc Hội thảo

    Hội thảo diễn ra với hai phiên tọa đàm: Phiên tọa đàm 1 “Xoay trục chiến lược quản trị doanh nghiệp: Tiếp cận và vượt qua khủng hoảng từ góc nhìn chiến lược mới”, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp và tổ chức, bao gồm: Deloitte Việt Nam, Unilver Việt Nam, SASCO, VBCWE và VBCSD.

    Theo bà Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc điều hành Deloitte Việt Nam, cơn đại dịch, theo một cách nào đó, là ‘cú hích’ để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn, cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục, để khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và phát triển bền vững hơn. Bà nhấn mạnh quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là “vaccine cho doanh nghiệp”.

    Về phía SASCO, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tổn thất đặc biệt nghiêm trọng do đại dịch, bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc SASCO chia sẻ, trong gần 2 năm qua, Công ty đã chuyển từ trạng thái phát triển kinh doanh mạnh mẽ sang chiến lược bảo tồn nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp là nguồn nhân lực - người lao động của công ty, tận dụng thời gian hoạt động kinh doanh bị gián đoạn để đào tạo và tái đào tạo cho người lao động. Bà nhấn mạnh, khi giữ vững được nguồn nhân lực, duy trì được văn hóa và tinh thần của công ty, việc phục hổi và phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của công ty sau dịch bệnh là việc tất nhiên, cơ hội và thuận lợi nhiều hơn khó khăn và thách thức.

    Đại diện Unilever Việt Nam, ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong giảm thiểu, hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh nói chung và đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nói riêng. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa VBCSD-VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua để cùng nhau giải quyết các rào cản do dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

    Bên cạnh đó, Tọa đàm còn mang đến những thông tin hữu ích liên quan đến vai trò của bình đẳng giới gắn với sự đa dạng và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp đối với việc đảm bảo, phát triển nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như phát triển bền vững trong dài hạn; và vai trò của Bộ chỉ số CSI trong hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững nói chung và quản trị nguồn vốn xã hội nói riêng từ đại diện của VBCWE và VBCSD.

    Tiếp nối chương trình là Phiên tọa đàm 2 “Phát triển bền vững doanh nghiệp trên nền tảng số”. Đại diện cho Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng đã chia sẻ những thông tin hữu ích về các chiến lược cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ phát triển nền kinh tế số bền vững, đồng thời khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp về những ưu tiên cần chuẩn bị để nắm bắt được các cơ hội tiềm năng mà các chính sách của Chính phủ đem đến khi chuyển đổi số.

    Về phía doanh nghiệp, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành - Tài chính của Vinamilk cho biết, nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra, Vinamilk đã nhận định “Công nghệ là chìa khóa của thành công” và khuyến khích, tạo mọi điều kiện sâu rộng để tận dụng công nghệ vào trong hoạt động của Công ty. Vì vậy, Vinamilk đã chuyển đổi số và đầu tư công nghệ từ rất sớm, nên dù là công ty lớn, vẫn không bị gián đoạn kinh doanh khi đại dịch xuất hiện.

    Đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nghiệp start-up, ông Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập và Chủ tịch UPGen Việt Nam thông tin về vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số và phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân, dự báo xu hướng phát triển của cộng đồng start-up và đưa ra những kiến nghị để hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng start-up trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa.

    Từ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chuyển đổi số và là một đối tác chiến lược uy tín chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật mạng di động tiên tiến cho tất cả các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam trong hơn 28 năm qua, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia đưa ra dự báo về những xu hướng công nghệ trên toàn cầu có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong tương lai bình thường mới, cũng như đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi số và thích ứng trong tình hình mới sau đại dịch.

    Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp quan trọng nhất trong năm do VBCSD-VCCI chủ trì. Năm 2021, VCSF được tổ chức với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những nội dung trọng điểm dự kiến sẽ được thảo luận tại Diễn đàn năm nay chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030, bao gồm: Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép; Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững; Quản trị doanh nghiệp bền vững với CSI và Tối ưu hóa chuyển đối số doanh nghiệp.

Phương Linh

Ý kiến của bạn