10/02/2025
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), các thông số NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Ô nhiễm có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10 - 11 của năm trước, kéo dài tới tháng 3 - 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông cao và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung vào 6 - 8h sáng và 17 - 19h chiều.
Liên tục những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI) ở ngưỡng cao, rất có hại cho sức khỏe con người. Thậm chí, có những ngày, Hồ Tây (Hà Nội) có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người. Ngày 7/1/2025, trên trang iqair.com lúc 9h30 sáng cho thấy, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội đang đứng đầu các các trên thế giới. Theo dữ liệu từ IQAir, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội là 259, thuộc mức “Rất không tốt cho sức khỏe”; nồng độ bụi mịn PM2.5 đạt 184.5 µg/m³. Cùng thời điểm, Thành phố Hồ Chí Minh cũng xếp thứ 3, với chỉ số AQI ở mức 193, mức đỏ “không lành mạnh”.
Chỉ số AQI đo được tại Quảng An ( Tây Hồ, Hà Nội ) ở mức cao nhất toàn Thành phố
là 282 AQI - Rất không tốt cho sức khỏe con người (Ảnh chụp ngày 7/1/2025)
Ô nhiễm không khí có tính chất theo mùa, tuy nhiên, chưa bao giờ mức độ ô nhiễm chạm mức kỷ lục như hiện nay. Khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm không khí đó là tắc nghẽn về thể chế, thiếu nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn nặng về tiền kiểm thay vì hậu kiểm, thiếu dữ liệu khoa học, chưa xác định rõ trách nhiệm liên quan của các đối tượng có phát sinh nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí… Bên cạnh đó, chi phí giải quyết ô nhiễm không khí là rất lớn, nếu vấn đề không được giải quyết và tiếp diễn trong tương lai, chi phí sẽ tích tụ theo từng năm. Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra những tác hại nhãn tiền đối với con người, mà xa hơn, nguồn nhân lực của đất nước sẽ suy giảm nếu ô nhiễm không khí tiếp tục gây hại cho sức khỏe của các thế hệ tương lai.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí có tính chất theo mùa, tuy nhiên, chưa bao giờ mức độ ô nhiễm chạm mức kỷ lục như hiện nay. Vì vậy, đây chính là “thời điểm vàng” để thu hút sự chú ý và tạo sự đồng thuận cao về vấn đề xưa nay vốn bị coi nhẹ này, từ đó, xác định và triển khai khẩn trương những giải pháp cấp bách và lâu dài. Từ bài học kinh nghiệm của các nước, theo TS. Hoàng Dương Tùng, tuy đã thực hiện rất nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, nhưng các biện pháp triển khai tại Việt Nam còn dàn trải, chưa có ưu tiên và chưa thực sự quyết liệt. Vì vậy, yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí là quyết tâm chính trị và nguồn lực hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý về ô nhiễm không khí chưa được phân cấp tới từng cấp phường, xã dẫn đến trách nhiệm giải trình còn thấp. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả, không chỉ trông chờ trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, chính quyền sở tại mà phải có sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp bởi ô nhiễm không khí tác động chung tới tất cả mọi người. Cần tận dụng “thời điểm vàng” để huy động toàn bộ lực lượng tham gia vào cuộc chiến với ô nhiễm không khí, bởi nếu càng để chậm, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đức Anh