21/06/2023
Thách thức về tài nguyên nước ở Việt Nam
Việt Nam có 3450 sông có chiều dài trên 10 km. Nếu phân loại theo diện tích lưu vực, có 10 con sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Tổng lượng dòng chảy năm của Việt Nam khoảng 844,4 tỉ m3/năm, trong đó 60% tức khoảng trên 500 tỉ m3 chảy từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn các lưu vực sông chảy vào Việt Nam. Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch tài nguyên nước (TNN) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ TN&MT, lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chiếm 40% tổng lượng dòng chảy đến lãnh thổ, khoảng gần 340 tỉ m3. Lượng nước tính theo bình quân đầu người năm (2020) khoảng 8.740 m3, cao hơn 2,4 lần so với châu Á (3.640 m3) và và 1,3 lần so với thế giới (6.730 m3). Nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người năm chỉ là 3.520 m3/năm. Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 91,5 tỷ m3/năm. Nước dưới đất phân bố ở 26 đơn vị chứa nước lớn, tập trung chủ yếu ở hạ lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long.
Những con số trên cho thấy, Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm về nước nhưng TNN của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và những thách thức này ngày càng lớn.
TNN của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia. Đặc biệt, 2 lưu vực sông lớn nhất cung cấp nước cho 2 vùng trọng điểm điểm kinh tế lớn nhất cả nước là sông Hồng và sông Mê Công phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ các quốc gia thượng lưu (hơn 40% nguồn nước sông Hồng và gần 90% nguồn nước sông Mê Công đến từ các quốc gia thượng nguồn). Đây là thách thức lớn, đồng nghĩa với việc các hoạt động sử dụng, phát triển TNN trên các lưu vực sông lớn và quan trọng nhất của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp của việc sử dụng và phát triển nguồn nước của các nước láng giềng.
Nước mặt và nước dưới đất phân bố không đều theo không gian và thời gian: Do lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo mùa dẫn đến có sự phân hóa lớn giữa lượng dòng chảy ở mùa mưa và mùa khô ở tất cả các hệ thống sông. 80 - 85% lượng dòng chảy tập trung vào 5 - 6 tháng mùa mưa và chỉ có 15 - 20% dòng chảy sản sinh và duy trì trong 5 - 6 tháng mùa khô. Sự phân hóa dòng chảy lớn là nguyên nhân gây nên hiểm họa thiên tai như lũ, lụt trong mùa mưa lũ và khô hạn, thiếu nước dùng trong mùa khô. Do sự phân bố không đều theo không gian giữa các vùng, miền và lưu vực sông, nhiều vùng nằm trong giới hạn thiếu hoặc hiếm nước. Bình quân tổng lượng nước một năm trên đầu người với dân số hiện nay nằm trong một số lưu vực sông khá nhỏ như: sông Hồng - Thái Bình, sông Mã khoảng 5.000 m3/người/năm, lưu vực sông Đồng Nai 2.980 m3/người/năm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, nước nào có mức bảo đảm nước cho một người trong một năm dưới 4.000 m3 thì thuộc loại thiếu nước và nếu nhỏ hơn 2.000 m3 thì thuộc loại hiếm nước. Theo tiêu chí này, nếu xét chung cho cả nước thì nước ta không thuộc loại thiếu nước, nhưng nhiều vùng và các lưu vực sông Việt Nam hiện nay đã thuộc loại thiếu nước và hiếm nước.
Nhu cầu nước cho các ngành kinh tế, giữa các địa phương gia tăng do sự dân số gia tăng lượng nước bình quân đầu người năm đang giảm khá nhanh từ 12.800 m3 vào năm 1990, giảm còn khoảng 9.700 m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn khoảng 8.740 m3/người vào khoảng năm 2020 khi dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu người. Nhưng nếu chỉ tính lượng nước nội sinh (37% tổng lượng nước mặt) thì các con số này sẽ là 4.800 m3 (1990), 3.600 m3 (2010) và 3.520 m3 (2020). Trên thực tế, lượng nước mặt và kể cả nước ngầm thực sự có thể sử dụng được cho con người, các hoạt động kinh tế còn nhỏ hơn các con số trên do nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt với nhiều nguyên nhân.
Sử dụng TNN đáp ứng phát triển các ngành kinh tế Việt Nam ngày càng tăng: Theo kết quả dự báo nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, ngành Nông nghiệp có nhu cầu sử dụng nước lớn nhất, khoảng 75 - 76 tỷ m3/năm (chiếm 61 - 68%) và có xu hướng giảm nhu cầu sử dụng nước trong tương lai, do giảm diện tích canh tác nông nghiệp, ngành du lịch, dịch vụ có nhu cầu sử dụng nước nhỏ nhất khoảng 400 - 600 triệu m3/năm.
Nhu cần sử dụng nước của các ngành
TT |
Hộ dùng nước |
Lượng nước dùng (triệu m3) |
|||
Hiện trạng |
2025 |
2030 |
2050 |
||
1 |
Tổng |
117.027 |
120.396 |
121.573 |
130.885 |
2 |
Nông nghiệp |
78.051 |
76.820 |
75.129 |
75.488 |
2.1 |
Trồng trọt |
77.439 |
75.691 |
73.813 |
73.331 |
2.2 |
Chăn nuôi |
612 |
1.128 |
1.315 |
2.156 |
3 |
Thủy sản |
16.353 |
18.401 |
19.940 |
20.790 |
4 |
Công nghiệp |
8.838 |
10.107 |
10.973 |
16.349 |
5 |
Sinh hoạt |
3.227 |
4.336 |
4.679 |
6.360 |
6 |
Du lịch, dịch vụ |
323 |
425 |
459 |
636 |
7 |
Môi trường khác |
10.235 |
10.308 |
10.393 |
11.262 |
Cơ cấu sử dụng nước của các ngành kinh tế
Những thách thức nêu trên đối với TNN Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng và sẽ tác động mạnh mẽ đến an ninh nước - tài nguyên thiết yếu cho sự sống và sức khỏe con người nguồn tài nguyên quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và một phần an ninh năng lượng và bảo đảm sự phát bền vững KT-XH của đất nước. Để bảo đảm phát triển bền vững TNN, bảo đảm an ninh TNN cần phải có quy hoạch theo hướng tổng hợp.
Quy hoạch tổng hợp TNN để bảo đảm an ninh nước cho Việt Nam
Với tầm quan trọng của TNN đối với con người, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, quy hoạch TNN đóng vai trò vô cùng quan trọng để bảo đảm chiến lược, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối TNN đáp ứng cho tất cả các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH trong kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của đất nước.
Quy hoạch nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN; điều hòa, phân phối, bảo vệ TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển KT-XH và BVMT, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân; kiểm soát chất lượng, trữ lượng các nguồn nước, nâng cao khả năng tích trữ nước trên các lưu vực sông, vùng kinh tế, địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, Quy hoạch TNN cần được xem là quy hoạch định hướng cho các quy hoạch phát triển KT-XH khác. Vì thế, quy hoạch TNN cần xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng hợp để bảo đảm an ninh nguồn nước cho quốc gia.
Ngày 27/12/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên có Quy hoạch TNN quốc gia. Theo Quyết định này, Quy hoạch TNN nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững TNN; điều hòa, phân phối, bảo vệ TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển KT-XH và BVMT, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân; kiểm soát chất lượng, trữ lượng các nguồn nước, nâng cao khả năng tích trữ nước trên các lưu vực sông, vùng kinh tế, địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Có thể nói, Quy hoạch TNN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính tổng hợp cao, bảo đảm nguồn nước cho con người, hài hòa giữa sử dụng nước các ngành kinh tế và BVMT.
Bên cạnh đó, Quy hoạch TNN cần phải theo định hướng tổng hợp để đảm bảo an ninh nước cho Việt Nam đã được thể hiện rõ tại Dự thảo Luật TNN (sửa đổi). Các quan điểm mới trong Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) về quản lý TNN và Quy hoạch TNN mà trước đó Luật TNN năm 2012 chưa nêu, cụ thể:
Như vậy, về cơ bản, chế định trong Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) đã nêu rõ nguyên tắc, phương pháp và ưu tiên phân bổ TNN. Tuy nhiên, cần có đánh giá một cách toàn diện về năng lực thực thi pháp luật (nhân lực, tài chính) của ngành nước ở tất cả các cấp để đảm bảo TNN, nguồn tài nguyên thiết yếu của cuộc sống, nền tảng cho phát triển KT-XH của quốc gia được quản lý, phát triển, bảo vệ một cách thực sự bền vững cho hôm nay và thế hệ mai sau.
TS. Đào Trọng Tứ
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2023)