02/10/2021
Đại dịch coronavirus (COVID-19) dẫn tới nhiều thành phố bị phong tỏa và người dân được khuyến cáo ở trong nhà để hạn chế sự lây lan của virus. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí (ÔNKK) ngoài trời, tuy nhiên thông tin cũng như nghiên cứu về phơi nhiễm ÔNKK trong nhà lại chưa được quan tâm đúng mực. Bài viết điểm qua một vài thông tin quan trọng về phơi nhiễm ÔNKK trong nhà cũng như mối liên quan giữa ÔNKK trong nhà và đại dịch COVID-19.
Phơi nhiễm ÔNKK trong nhà
Chúng ta thường dành phần lớn thời gian ở môi trường trong nhà (nhà ở, cơ quan, lớp học, cabin xe). Theo một số điều tra ở Anh Quốc thì người dân ở đây trung bình dành tới 90% thời gian của họ trong nhà. Điều này dẫn tới chúng ta có thể dễ bị tổn thương do phơi nhiễm ÔNKK trong nhà nhiều hơn là ở ngoài trời, đặc biệt đối với nhóm người già và trẻ em. Nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2015 đánh giá ÔNKK trong nhà ở là nguy cơ gây tử vong đứng hàng thứ 8 trên toàn cầu. ÔNKK trong nhà cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, thiếu máu cục bộ và ung thư phổi. Người có bệnh nền liên quan tới ÔNKK kể trên thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao khi tiếp xúc virus COVID-19. Những vấn đề do ÔNKK trong nhà đã làm tổn thất hàng nghìn tỷ đô la ($) trên toàn cầu theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới [1].
Các chất gây ÔNKK trong nhà tới từ đâu?
Các chất ô nhiễm trong nhà một phần do xâm nhập từ ngoài trời, phần khác từ chính hoạt động sinh hoạt của con người (như hút thuốc, nấu ăn, đốt hương) và một phần có thể tạo ra hoặc hình thành từ các phản ứng hóa học trong không khí trong nhà hoặc trên bề mặt sàn, tường và đồ vật. Sự xâm nhập của các chất ô nhiễm ngoài trời vào trong nhà phụ thuộc vào thông khí, vật liệu bề mặt, vi khí hậu trong nhà, hành vi con người (đóng mở cửa sổ, cửa ra vào hay dùng các máy lọc ô nhiễm) cũng như tính chất vật lý và hóa học riêng của từng chất. Đối với các hạt bụi, sự xâm nhập này còn phụ thuộc vào kích cỡ của hạt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập cao, với trung bình 40-70% lượng bụi mịn ngoài trời (theo nồng độ) có thể xâm nhập và tồn tại lơ lửng trong nhà.
Những hoạt động như nấu ăn, hút thuốc, đốt hương/nến hay sưởi ấm cũng là nguồn thải của các chất có thể gây ÔNKK. Ví dụ, nấu ăn bằng gas là một trong những nguồn chính của thải của oxit nitơ và bụi mịn trong nhà. Đốt hương, nến hay hút thuốc thải ra các chất dạng hạt và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như hợp chất vòng thơm (PAHs) gây hại cho sức khỏe con người. Việc vệ sinh nhà cửa bằng các chất làm sạch hay máy hút bụi cũng có thể phát ra những hạt bụi có kích cỡ từ nano tới hàng trăm micro mét hoặc các chất hữu cơ bay hơi (Hình 1). Một số hợp chất được thải ra trực tiếp và một số trong số đó có thể phản ứng thêm để tạo thành các chất ÔNKK mới. Ví dụ như d-Limonene, một chất hữu cơ có trong thành phần chất tẩy rửa như xà phòng, có thể phản ứng với ozone để tạo ra các hạt bụi nano. Đặc biệt phơi nhiễm ÔNKK từ khói thuốc lá không những do trực tiếp người hút hít khói thuốc, hoặc thụ động bởi người ngồi xung quanh mà còn theo con đường thứ ba là lượng khói thuốc dư thừa có thể bám lên tường nhà, đồ vật, quần áo. Ở điều kiện nhất định các chất hóa học từ khói thuốc dư thừa này có thể phát thải lại vào không khí trong nhà ở cả thể khí hoặc các hạt nano hình thành bởi sự oxi-hóa nicotine và các chất dễ bay hơi trong khói thuốc. Các chất gây ÔNKK trong nhà có thể lắng xuống bề mặt phòng, tường, hoặc lọc bằng các máy lọc khí hoặc thoát ra ngoài trời do thông khí.
Hình 1. Phân bố kích cỡ số lượng hạt bụi thải ra từ các hoat động trong nhà: Nồng độ bụi trong nhà (với kích cỡ các hạt bụi từ nano tới hàng trăm micro mét) có thể tăng tới hàng nghìn theo số lượng và hạt chục theo khối lượng bụi khi thực hiện các hoạt động trong nhà.
ÔNKK trong nhà trong thời đại dịch COVID-19
Do đại dịch COVID-19 mà trong năm qua rất nhiều thành phố trên thế giới đã phải phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus. Phong tỏa nhìn chung đã cải thiện chất lượng không khí ngoài trời do giảm các nguồn thải trực tiếp như giao thông. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, giãn cách xã hội năm ngoái ở Hà Nội đã làm giảm nồng độ bụi min ở khoảng 7-10% sau khi đã tính toán loại bớt sự ảnh hưởng quan trọng của thời tiết [2]. Tuy nhiên, phong tỏa lại có thể làm gia tăng phơi nhiễm ÔNKK từ các nguồn trong nhà. Mô hình hóa các tác động của phong tỏa ở Luân-Đôn của chúng tôi ước tính mức giảm phơi nhiễm cá nhân đối với bụi mịn là 5-24%, nhưng nếu tăng thêm một giờ mỗi ngày trong nhà bếp thì mức độ phơi nhiễm lại tăng thêm trung bình gần 19%. Sự tác động này đối với các nhóm đối tượng khác nhau như trẻ em, công nhân, viên chức hay người già là khác nhau.
Với các bằng chứng hiện nay, chúng ta không tìm thấy mối liên hệ giữa ÔNKK và sự lây lan của virus ngoài trời. Một số đo đạc của nhóm chúng tôi ở Luân-Đôn cũng không cho thấy sự hiện diện của virus trong không khí ở những trạm thu mẫu và thậm chí cả ở các bến tàu lớn nơi có thông khí tốt, được vệ sinh bề mặt thường xuyên, và có quy định về giãn cách và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng phát hiện ra virus trong không khí ở những nơi có không gian kín như xe buýt, nhà hàng hay trong bệnh viện. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) thì coronavirus (SARS-CoV-2) lây lan theo ba cách chính: 1) Hít vào không khí khi ở gần người bị nhiễm bệnh đang thở ra những giọt nhỏ và các hạt có chứa virus; 2) Để những giọt nhỏ và các hạt có chứa virus rơi vào mắt, mũi hoặc miệng, đặc biệt là thông qua sự bắn tóe và tia xịt như ho hoặc hắt hơi; 3) Chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay có virus trên đó. Nguy cơ phơi nhiễm virus được đánh giá qua thời gian và nồng độ tiếp xúc với virus (càng xa với nguồn gây nhiễm thì nồng độ virus càng ít đi; thời gian tiếp xúc với nguồn nhiễm càng ít càng tốt). Những người ở gần hơn 2 m với người bị nhiễm bệnh có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh nhất [3].
Theo USCDC, hầu hết các giọt và hạt bắn chứa virus từ đường hô hấp của người bị nhiễm bay ra khi nói, hát, thở và ho có kích thước nhỏ hơn 5 µm. Ở trong nhà, những giọt lớn (> 100 micrometer) sẽ lắng xuống rất nhanh lên các bề mặt xung quanh, những hạt nhỏ hơn có thể ngưng đọng trong không khí lâu hơn. Có thể mất vài phút để các hạt có kích thước 10 µm lắng xuống, nhưng các hạt có kích thước từ 5 µm trở xuống có thể mất nhiều giờ hoặc ngày để lắng, dẫn tới khả năng lây lan COVID-19 cũng có thể xảy ra qua các hạt chứa virus lơ lửng và lan truyền trong không khí ở môi trường trong nhà, trong một số trường hợp còn xa hơn phạm vi 2 m.
Tóm lại, virus rất dễ lây lan ở không gian trong nhà và nơi đông người. Việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và vệ sinh tay như Bộ Y tế khuyến cáo là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus. Thông thoáng nhà cửa (nếu bên ngoài an toàn và nồng độ bụi bên ngoài thấp) không những có thể giảm phơi nhiễm ÔNKK trong nhà mà còn giảm thiểu phơi nhiễm virus cho những nhà có người bị nhiễm virus tự cách ly. Gần đây Chính phủ đã điều chỉnh chính sách chống dịch theo phương châm sống chung với virus. Để có thể thích ứng được với cuộc sống “bình thường mới”, các tòa nhà chung cư, nhà hàng, khách sạn, nhà máy, nơi làm việc khác cần có những điều chỉnh vận hành cụ thể và phù hợp để giảm thiểu phơi nhiễm virus cũng như ÔNKK trong nhà như việc sử dụng quạt máy, mở cửa sổ hay hệ thống HVAC cho việc thông gió hoặc sử dụng thiết bị lọc không khí hiệu năng cao HEPA.
TS. Vũ Tuân
Nghiên cứu viên cao cấp về chất lượng không khí, Đại học Hoàng gia Luân - Đôn, Anh Quốc
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2021)
Tài liệu tham khảo
[1] Vu, T. V., & Harrison, R. M. (2019). Chemical and Physical Properties of Indoor Aerosols. In Indoor Air Pollution (pp. 66-96). The Royal Society of Chemistry.
[2] Le et al. (2021). Assessing the Impact of Traffic Emissions on Fine Particulate Matter and Carbon Monoxide Levels in Hanoi through COVID-19 Social Distancing Periods. Aerosol Air Qual. Res. 21, 210081.
[3] Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ. “COVID-19 lây lan như thế nào”. https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/how-covid-spreads.html (cập nhật ngày 19/7/2021).