Banner trang chủ

Phát triển kinh tế biển xanh - Cơ hội, thách thức và bài học áp dụng cho Việt Nam

30/12/2022

    Biển là cội nguồn, cái nôi của sự sống, là nhân tố trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng. Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, khai thác không hiệu quả các nguồn nguyên biển, môi trường biển bị ô nhiễm; một yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tìm giải pháp phát triển kinh tế biển phù hợp để khắc phục những bất cập nêu trên. Chính vì vậy, phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh được xem là xu hướng, giải pháp tất yếu hiện nay. Phát triển kinh tế biển xanh góp phần sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển. Bài viết sẽ tiến hành phân tích, tổng hợp kinh nghiệm phát triển kinh tế biển xanh ở một số quốc gia trên thế giới, đồng thời xác định cơ hội và thách thức phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số bài học áp dụng cho Việt Nam.

Phát triển kinh tế biển xanh tại một số quốc gia trên thế giới

Phát triển KTBX của Mỹ [1]

    Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới trong việc đầu tư phát triển KTBX. Năm 2009, Maria Cantwell, Thượng nghị sĩ Mỹ của Bang Washington, đã chỉ ra trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần về “Nền kinh tế xanh lam”: “Vai trò của các đại dương trong tương lai kinh tế của quốc gia chúng ta” rằng “Nền kinh tế xanh lam” - việc làm và các cơ hội kinh tế xuất hiện từ các đại dương, Great Lakes, và tài nguyên ven biển - là một trong những công cụ chính để xây dựng lại nền kinh tế Mỹ”.

    Để phát triển KTBX, bên cạnh đầu tư của chính phủ, các công ty tư nhân cũng dành một nguồn lực không nhỏ để phát triển năng lượng tái tạo. Hawaii là một bang của Mỹ gồm nhiều đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương, là khu vực dễ bị tổn thương trước các vấn đề về môi trường. Cùng với các khoản viên trợ liên quan đến việc khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch, chính quyền bang Hawaii đã nhận được khoảng 142 triệu USD cho các chương trình liên quan đến kinh tế xanh. Ở quần đảo này, 47 triệu USD đã được đầu tư cho việc duy trì và tạo việc làm thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, xây dựng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và hạn chế ô nhiễm môi trường biển...

Liên minh châu Âu [2]

    Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu nói chung rất chú trọng đến phát triển kinh tế xanh, ban hành liên tiếp một loạt các chính sách tổng hợp về biển, chẳng hạn như “Sách xanh Chính sách tổng hợp về biển của Liên minh châu Âu” và “Lộ trình Chiến lược năng lượng biển của Liên minh châu Âu”... Mục đích của cách chính sách này không chỉ là BVMT biển mà còn giúp cho phát triển kinh tế xanh của Liên minh châu Âu bền vững hơn. Làm thế nào để sử dụng biển một cách bền vững, làm thế nào để nâng cao vai trò lãnh đạo trong các vấn đề biển và làm thế nào để cải thiện môi trường sống không chỉ là cốt lõi trong chiến lược biển của Liên minh châu Âu mà còn là cốt lõi trong chính sách biển của Liên minh châu Âu.

Trung Quốc [3]

    Căn cứ yêu cầu của chiến lược phát triển hợp tác khu vực trong thời kỳ mới, mở rộng không gian kinh tế xanh, đẩy mạnh xây dựng cường quốc biển, Quốc Vụ viện Trung Quốc liên tiếp phê duyệt Sơn Đông, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thiên Tân làm khu vực trình diễn phát triển kinh tế biển toàn quốc từ tháng 4/2010. Trọng điểm là tiến hành tìm tòi đổi mới trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế biển, tối ưu hóa bố trí các ngành công nghiệp ven biển, nâng cao năng lực hỗ trợ giáo dục, khoa học và công nghệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên biển và bảo vệ sinh thái, cải cách thể chế cơ chế liên quan đến biển, tích lũy những thành tựu cải cách và đổi mới mà có thể nhân rộng và phát huy, tìm kiếm con đường mới, kinh nghiệm mới để phát triển khoa học kinh tế biển toàn quốc.

    Thông qua phân tích kinh nghiệm phát triển KTBX của các nước Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, có thể thấy rằng trọng tâm trong phát triển KTBX thường chú trọng vào 4 đặc trưng: (1) Sự dẫn dắt của chiến lược biển; (2) Đổi mới khoa học và công nghệ biển; (3) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển; (4) Tính bền vững của phát triển kinh tế biển.

Cơ hội và thách thức xây dựng nền KTBX của Việt Nam

Cơ hội

    Xu hướng phát triển KTBX trên thế giới: Nhận thức của các quốc gia trên thế giới về biển, xây dựng nền KTBX và yêu cầu phải khai thác, sử dụng các nguồn lực từ biển một cách bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.

    Khoa học công nghệ để phát triển KTBX trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển KTBX và BVMT biển hiệu quả.

    Định hướng phát triển KTBX của Nhà nước Việt Nam: Nắm bắt xu hướng và các cơ hội phát triển KTBX trên thế giới, trên cơ sở nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, Việt Nam đã đề ra Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018), trong đó khẳng định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...”.

Thách thức

    Phát triển KTBX là nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, nhưng không phải vì thế mà không đối mặt với một số thách thức đang đặt ra. Trong trường hợp của Việt Nam, những thách thức chủ yếu, bao gồm:

    Khu vực biển Đông, trong đó có biển Việt Nam, hiện là một trong những vùng biển còn có tranh chấp giữa nhiều bên liên quan. Đây là một trong những yếu tố môi trường khu vực trong quan hệ giữa các nước không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của toàn vùng.

    Hạn chế về năng lực tài chính. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển với mức GDP/người còn thấp. Điều đó cho thấy sự hạn chế rất lớn về năng lực tài chính, kể cả khu vực tài chính công lẫn của các doanh nghiệp tư nhân...

    Hạn chế về năng lực khoa học công nghệ biển. Là nước phát triển muộn, đang tiến hành công nghiệp hóa, Việt Nam thuộc số các nước có tiềm lực khoa học công nghệ thấp, trong đó có khoa học công nghệ biển. Sự hạn chế về năng lực khoa học công nghệ biển thể hiện một số hoạt động: công tác điều tra, thăm dò tài nguyên biển còn yếu và thiếu; năng lực sản xuất các loại thiết bị truyền thống phục vụ phát triển kinh tế biển còn kém...

    Hạn chế về nhân lực. Là một quốc gia biển nhưng lực lượng lao động làm việc trong những ngành nghề trực tiếp liên quan đến biển còn ít về số lượng và yếu về chất lượng. Đây cũng là một điểm hạn chế không nhỏ cần được giải quyết trong việc phát triển KTBX trong thời gian tới.

Bài học áp dụng để thúc đẩy phát triển KTBX tại Việt Nam

    Từ thực tiễn xây dựng và phát triển KTBX của các nước trên thế giới, bài viết đề xuất một số bài học áp dụng cho Việt Nam, cụ thể:

Bài học chung

    Thứ nhất, cần thay đổi tư duy và tầm nhìn cùng với việc cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển KTBX và bền vững.

    Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách biển quốc gia, địa phương theo cách tiếp cận liên ngành để quản lý tổng hợp và quản lý nhà nước thống nhất về biển và đảo, phục vụ phát triển KTBX và bền vững.

    Thứ ba, kiểm kê và lượng giá tài nguyên/vốn tự nhiên biển làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển, đảo ở cấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái phục vụ quá trình ra quyết định đầu tư xanh và có trách nhiệm đối với các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và các vùng ven biển.

    Thứ tư, quy hoạch mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục đánh giá các vùng biển, đảo, ven biển giàu đép có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình các cấp thẩm quyền hoặc các tổ chức quốc tế công nhận, vinh danh. Tập trung nguồn lực để ngăn ngừa và phục hồi các sinh cảnh đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng đã bị suy thoái, nguồn lợi và nguồn giống thủy sản tự nhiên… đang bị suy giảm gắn vơi bảo đảm phúc lợi xã hội và sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển.

    Thứ năm, quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển, trên các đảo và các hoạt động kinh tế biển. Cần sớm nhân rộng cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển trong việc lập kế hoạch phát triển, quản lý biển và vùng ven biển để giảm thiểu các tác động từ đất liền.

    Thứ sáu, tiếp tục thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ, bao gồm cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp giữa Trung ương và địa phương, phân vùng chức năng vùng bờ cho phát triển bền vững trên cơ sở lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

    Thứ bảy, xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo. Đưa các vấn đề môi trường - tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và đảo.

    Thứ tám, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào tiến trình quản trị biển, đảo thông qua áp dụng cách tiếp cận quản lý biển theo không gian và cơ chế đồng quản lý biển, đảo dựa vào cộng đồng. Kết hợp thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về KTBX, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

    Thứ chín, xây dựng và triển khai lộ trình phát triển khoa học và công nghệ biển, hợp tác quốc tế về biển trong việc áp dụng công nghệ biển sạch, ít các bon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và lĩnh vực dịch vụ biển.

Bài học cụ thể

    Du lịch và dịch vụ biển: Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế... Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Kinh tế hàng hải: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

    Khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược.

    Nuôi trồng và khai thác hải sản: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển…

Tài liệu tham khảo

1. OECD. (2016, April 27). The Ocean Economy in 2030. OECD Publishing, Paris. https://doi.org/10.1787/9789264251724-en.

2. https://webgate.ec.europa.eu/maritimeforum/sites/default/files/OceanEnergyForum_Roadmap_Online_Version_08Nov2016.pdf.

3. https://www.greengrowthknowledge.org/case-studies/china%E2%80%99s-green-special-economic-zone-policies-%E2%80%94-development-and-implementation.

4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5. Nguyễn Chu Hồi, KTBX: Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2020.

Bùi Thị Thủy, Hoàng Trưởng, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Thục Anh, Trần Thị Liên,

Vũ Hồng Hà,

Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)

Ý kiến của bạn