Banner trang chủ

Phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường

12/07/2022

    Tại Việt Nam, các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Vì vậy, việc phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị. Đây được coi là chìa khóa, là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm của đô thị, được ngành giao thông xác định là kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới, nhằm khuyến khích và đem lại sự tin tưởng cho người dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng “xanh”

    Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người sinh sống với gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy, vì vậy rất khó để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới được đánh giá là một trong những giải pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường cùng các vấn đề giao thông tại Thành phố. 

    Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã thông qua danh sách gần 200 điểm phục vụ xe đạp công cộng có thu phí của Đề án “Xe đạp đô thị”. Đồng thời, giao đơn vị thực hiện triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại Hà Nội trong Quý IV/2022.

    Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai Dự án “Xe đạp đô thị” là rất cần thiết, vì vậy UBND Thành phố đã đồng ý giao Sở GTVT Hà Nội xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại một số quận trung tâm. Xe đạp được sử dụng phục vụ người dân bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện hai bánh.

    Dự án “Xe đạp đô thị” tại Hà Nội sẽ triển khai với 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 - 80 vị trí. Xe đạp công cộng sẽ được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm, bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 - 2023.

    Việc triển khai bổ sung loại hình xe đạp/xe đạp điện đô thị ít ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường giao thông công cộng, không làm quá tải do có tính chất về vận hành/số lượng người sử dụng tương tự như xe gắn máy. Do đó không làm quá tải hệ thống giao thông, trường hợp hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng từ tháng 12/2021

    Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai dịch vụ xe đạp công cộng công nghệ cao. Theo thống kế của đơn vị vận hành, tính đến tháng 5/2022, Thành phố đã có hơn 160 nghìn lượt hành khách sử dụng dịch vụ trên quãng đường hơn 1,1 triệu km. Trung bình mỗi ngày có hơn 15 nghìn lượt người đăng ký mới dịch vụ này.

    Hiện nay, Thành phố đã triển khai nhiều loại hình giao thông xanh, vừa phục vụ phát triển giao thông công cộng, vừa từng bước thay đổi thói quen di chuyển của người dân. 

    Đầu tháng 6/2022, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo chuyên sâu về phương án sử dụng xe buýt điện cho tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1, thuộc dự án phát triển giao thông xanh Thành phố. Theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông công cộng của TP. HCM đến năm 2025 sẽ có 6 tuyến BRT được triển khai, trong đó tuyến BRT số 1 là tuyến đầu tiên được thực hiện. 

    Trong quý III/2022, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án phát triển giao thông xanh, với nguồn kinh phí hơn 3.272 tỷ đồng. Với kế hoạch này, Thành phố sẽ xây dựng một tuyến bus nhanh BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23km, dự kiến vận hành từ quý II/2024, sử dụng xe buýt CNG.

    Cùng với mục tiêu tăng cường phát triển giao thông “xanh”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Giao thông vận tải về tưới nước rửa mặt đường trong các ngày nắng nóng từ tháng 5, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Hoàng Đàn

 

Ý kiến của bạn