03/11/2022
Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải các bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "các bon thấp". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Chính phủ, đó là phát triển xanh và bền vững.
Tổ chức và phát triển thị trường carbon
Để hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính thực hiện Thỏa thuận Paris, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế theo hướng carbon thấp và phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách giảm phát thải khí nhà kính, cụ thể: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1775/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới. Luật BVMT năm 2020, tại Điều 139 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã làm rõ lộ trình và thời điểm triển khai thị trường các bon trong nước. Theo đó, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí thải do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Định hướng trong dài hạn, Chính phủ cũng đã và đang có chủ trương chuyển đổi kinh tế theo hướng các bon thấp và phát triển bền vững. Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong đó bao gồm: 1.662 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 70 cơ sở thuộc ngành Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành Xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành TN&MT. Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính. Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia do Bộ TN&MT thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP 26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp nhưng có tốc độ phát triển vượt bậc, cần huy động mọi nguồn lực, áp dụng các giải pháp sáng tạo, trong đó định giá các bon (bao gồm thuế các bon và thị trường các bon) được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.
Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế các bon qua thuế BVMT đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá các bon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng dầu (32 - 76 USD/tấn CO2) cao hơn nhiều so với than (0,22 - 0,42 USD/tấn CO2 phát thải). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cả hai công cụ thuế các bon và thị trường các bon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, thị trường các bon ngày càng trở nên phổ biến vì đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn và cho phép các doanh nghiệp được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí trong cắt giảm phát thải.
Xây dựng công cụ định giá các bon và một số khuyến nghị
Định giá các bon là một công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính. Chính phủ không phải sử dụng các công cụ áp đặt mà cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải thực hiện và cho phép họ quyết định chuyển đổi hoạt động và giảm lượng phát thải, hoặc tiếp tục phát thải và trả tiền cho lượng khí thải đã thải ra. Do vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá các bon còn góp phần BVMT, khuyến khích đầu tư cho phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế các bon thấp.
Tổng lượng khí thải cả nước dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030
Là quốc gia có nhiều tiềm năng tạo nguồn tín chỉ các bon, việc xây dựng các công cụ định giá các bon cũng như thị trường các bon sẽ là động lực mới cho định hướng chuyển đổi kinh tế theo hướng các bon thấp thông qua các nguồn lực tài chính và công nghệ trực tiếp cho các dự án, cơ sở giảm phát thải. Theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020, Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương với 83,9 triệu tấn CO2 với nguồn lực trong nước. Khi có thêm các hỗ trợ quốc tế, mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 27% so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 250,8 triệu tấn CO2.
Như vậy có thể hiểu, định giá các bon là một trong những phương thức để đạt được các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Đến nay, trên thế giới đã có 96/185 quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng.
Trong thời gian tới, để giải quyết các rủi ro khí hậu đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, theo Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR) của Nhóm Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2022 đã đề xuất: Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng - xây dựng khả năng chống chịu và khử các bon - để giúp đất nước cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng.
Báo cáo cũng cho thấy, sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Để giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, báo cáo CCDR đưa ra các giải pháp và phương án cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, hoàn thành cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050 và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đảm bảo một “quá trình chuyển dịch công bằng” để hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với khí hậu.
Ngoài ra, ở quy mô quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang đề xuất và chuẩn bị thí điểm thực hiện cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan tới giảm phát thải buộc doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và sẽ đánh thuế carbon trong trường hợp nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định. Giai đoạn thí điểm sẽ bắt đầu vào năm 2023 (chưa nộp thuế thực tế) cho các ngành gồm xi măng, nhôm, phân bón, sản xuất điện, sắt và thép, từ năm 2026, CBAM sẽ chính thức được áp dụng. Phạm vi các ngành sản xuất phải tuân thủ CBAM sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai nên sẽ đặt ra không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và quốc tế. Tuy nhiên, việc vận hành thị trường carbon cũng sẽ là một lợi thế để các sản phẩm sản xuất nội địa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường này.
Dựa trên phân tích tình hình hiện tại, các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị về phát triển thị trường các bon tại Việt Nam trong thời gian tới như sau:
Một là, cần xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon; ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động của thị trường giao dịch các bon. Theo đó, cần xác định rõ cơ chế sử dụng nguồn thu từ thị trường các bon để đảm bảo hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, và chế tài cho việc không tuân thủ hạn mức để đảm bảo sự minh bạch của thị trường các bon.
Hai là, thuế carbon và thị trường các bon cần được sử dụng một cách linh hoạt để tăng cường định giá các bon; Việc thiết lập và phân bổ hạn ngạch là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm khí thải và phát triển kinh tế.
Ba là, xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam.
Bốn là, thiết lập hạn ngạch phát thải theo hướng để thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải. Xác định rõ cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp.
Năm là, thử nghiệm trao đổi hạn ngạch phát thải với các lĩnh vực dễ đo lường, giám sát như điện, công nghiệp, tòa nhà… trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác và có các điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu tác động không mong muốn.
Sáu là, xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để đảm bảo hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn thành lập các quỹ và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm thiểu tác động kinh tế đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Bảy là, nâng cao năng lực các cấp (cơ quan quản lý, vận hành thị trường cacbon, ngành chủ quản, cơ sở phát thải) về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, giám sát, xác minh, cách tham gia đấu giá, trao đổi hạn ngạch
Nguyễn Nhật Minh
Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)
Tài liệu tham khảo:
Quyết định số 1775/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới.
Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, ngày 26/7/2022.
Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR) của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất do Bộ TN&MT thực hiện năm 2016.
Báo cáo triển khai công cụ định giá các bon tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Minh, Cục BĐKH, Bộ TN&MT tại Tọa đàm “Định giá các bon - Nguồn lực định hình chiến lược khí hậu của Việt Nam” do Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức.