30/07/2021
Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người trên khắp thế giới là nạn nhân của các đường dây buôn bán người. Cùng với đó, các chuyên gia cũng có chung lo ngại rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp khiến tình trạng này có thể ngày càng trầm trọng hơn.
Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 30/7/2021: Hãy để tiếng nói của các nạn nhân dẫn đường
Từ năm 2013, Liên hợp quốc đã chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”, coi đây như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, từ đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay (30/7/2021), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu bật tác động của đại dịch Covid-19, khi 124 triệu người bị đẩy vào trạng thái nghèo cùng cực, với hàng triệu người có nguy cơ trở thành “miếng mồi béo bở” cho những kẻ mua, bán người. Đáng quan ngại là một nửa nạn nhân tại các nước thu nhập thấp là trẻ em, với hầu hết trong số này bị mua, bán để ép buộc trở thành lao động.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiệm vụ xác định, hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người trở nên khó khăn hơn. Nạn nhân dễ bị lây nhiễm virus hơn, ít được chuẩn bị để phòng tránh lây bệnh và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế để điều trị. Các hành động thiết thực để hỗ trợ nạn nhân buôn người trở thành một thách thức, khi các quốc gia xem xét lại các vấn đề cần ưu tiên trong thời kỳ đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và thu nhập giảm, nhất là với nhóm người lao động được trả lương thấp và người lao động trong khu vực phi chính thức, có nghĩa là một số lượng đáng kể những người vốn đã dễ bị tổn thương lại rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn. Hàng triệu người trước đại dịch đã sống bằng mức lương tối thiểu, lại mất thu nhập vào đúng thời kỳ đại dịch, đối mặt với nguy cơ ngày càng cao bị bóc lột sức lao động, hoặc trở thành nạn nhân nạn buôn bán người.
“Ở khắp mọi nơi, bọn tội phạm đang sử dụng công nghệ đã nhận diện, kiểm soát và bóc lột những người dễ bị tổn thương” - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói. Thông qua nền tảng công nghệ trực tuyến, ngày càng có nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của tình trạng bóc lột tình dục, ép buộc hôn nhân và các hình thức lạm dụng khác. Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước hành động khẩn cấp để nâng cao khả năng phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân và đưa những kẻ mua, bán người ra xét xử trước công lý. Trong đó, cần đề cao vai trò của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt các hành vi mua, bán người.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay, Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNDOC) cũng đã phát động chiến dịch “Hãy để tiếng nói của các nạn nhân dẫn đường”, nhằm hướng tâm điểm chú ý vào những câu chuyện chưa được kể của các nạn nhân, cũng như vai trò của những câu chuyện này trong cuộc chiến chống nạn mua bán người. Bà Ghada Waly, Giám đốc Điều hành của Văn phòng Liên hợp quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định, tiếng nói của các nạn nhân chính là “chìa khóa” ngăn chặn các hoạt động mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và trừng trị những kẻ vi phạm pháp luật. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều người bị tổn thương và có nguy cơ rơi vào tay của những kẻ mua bán người thì vai trò giúp sức của những nạn nhân lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Siobhán Mullally - Chuyên gia được chỉ định của Liên hợp quốc về nạn mua bán người đã chỉ ra một thực tế đáng quan ngại, đó là thay vì được coi là những nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, thì những nạn nhân bị mua, bán người lại bị bắt bớ, giam giữ, từ chối hỗ trợ và bảo vệ, thậm chí là bị ép buộc quay trở lại nước bản địa do sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc tại các khu vực cửa khẩu biên giới và ngay cả trong hệ thống tư pháp hình sự của một số nước trên thế giới.
“Tiếng nói của tất cả những người còn sống sót và những nạn nhân bị mua, bán người cần được đề cao mà không có sự phân biệt đối xử hay ngoại lệ… Việc trao quyền cho tất cả các nạn nhân bị mua bán người còn sống sót là rất quan trọng nhằm bảo đảm rằng quyền con người của họ được thực thi đầy đủ mà không bị phân biệt đối xử đang trở thành một vấn đề cấp bách” - bà Mullally nói.
Việt Nam nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người
Ở Việt Nam, theo thống kê từ năm 2015 - 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng Công an cho thấy, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng, đẻ thuê… Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài; lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; thông qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động; lợi dụng quy định về y tế, nhân đạo để mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người. Các đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.
Thực tế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về khách quan là do tình hình trên thế giới, khu vực tác động, do siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; mất cân bằng về giới; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. Song cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên là do việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chất pháp luật; công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực: người nước ngoài, nhân hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài…
Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an tỉnh Quảng Ninh (tháng 6/2019)
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đấu tranh phòng chống tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đưa ra các đường lối chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ phụ nữ và trẻ em ngày càng tốt hơn. Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (năm 1979), Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 12 nước, tham gia ký kết hầu hết các điều ước quốc tế về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, pháp điển hoá các quy định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, quy định trong Bộ luật Hình sự các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em để trừng trị thích đáng những hành vi này (Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Hình sự). Ngày 17/9/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 776/TTg về “tăng cường trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài”. Trong Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 đã có một đề án quy định một số nội dung về đấu tranh các tội phạm xâm phạm trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 - 2002, trong đó quy định về phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm trẻ em, mua bán trẻ em; phê duyệt “Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010” trong đó có 4 đề án lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em… Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự ngày 19/6/2009 đã quy định tội mua bán người Điều 119 và sửa đổi bổ sung Điều 120 Bộ luật Hình sự nhằm mở rộng phạm vi đối tượng cần bảo vệ và cụ thể hoá trách nhiệm hình sự với loại tội phạm này. Triển khai Chương trình 130/CP và Luật Phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP); ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 130/CP trong từng giai đoạn và hàng năm; kế hoạch triển khai, thi hành Luật Phòng, chống mua bán người; tổ chức chỉ đạo điểm của Chính phủ thực hiện Chương trình 130/CP tại 6 địa phương trọng điểm. Định kỳ, ban hành các kế hoạch tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan. Hàng năm, các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đều xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo; cử cán bộ tham gia Ban chủ nhiệm các đề án và Tổ chuyên viên liên ngành, nhóm giúp việc thực hiện Chương trình 130/CP; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chương trình 130/CP tại các địa phương. Đặc biệt, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (trùng với Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người) với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Gần đây nhất, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được đặt ra, như: Truyền thông về phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; xây dựng dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người. Trong đó, công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là công tác vẫn luôn được chú trọng. Đây chính là thành quả của sự nỗ lực không ngừng, thể hiện sự đồng hành của chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống mua, bán người.
Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, Bộ TN&MT đã có văn bản số 4168/BTNMT-TTr gửi các đơn vị trực thuộc Bộ. Theo đó, Bộ đề nghị các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, bám sát các nhiệm vụ công tác trọng tâm tại Kế hoạch số 185/KH-BCĐ ngày 4/5/2021 của Ban chỉ đạo 138/CP một cách hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị mình. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thong tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của tội phạm mua bán người không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người rất cần sự chung tay của các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và trên hết là sự đề cao cảnh giác từ mỗi công dân.
Hương Đỗ