05/11/2021
Luật BVMT năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022 với nhiều điểm mới, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật trong BVMT, bảo đảm sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Trong đó, nội dung về BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cũng được quy định chi tiết, cụ thể.
Nhận thức được vai trò của công tác BVMT trong việc phát triển bền vững, Chính phủ, cơ quan quản lý, các địa phương nhiều năm qua đã có nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả như xây dựng hoặc lồng ghép nội dung BVMT trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia, địa phương hay các điểm du lịch cụ thể, công tác đánh giá tác động môi trường và giải pháp BVMT được ưu tiên hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phê duyệt các chiến lược, quy hoạch, dự án. Năm 2013, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về “Hướng dẫn BVMT trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích” nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT, giảm thiểu ô nhiễm góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Qua thời gian triển khai thực hiện, với sự hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, địa phương, các bên liên quan và cộng đồng, việc thực hiện Thông tư đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch, di tích, lễ hội của các cấp các ngành và người dân có bước chuyển biến tốt; nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất trang thiết bị BVMT được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, ô nhiễm môi trường tự nhiên được giảm thiểu, môi trường xã hội nhân văn được cải thiện. Ngày 25/12/2020, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Quy tắc ứng xử BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Quy tắc được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử BVMT của các đối tượng có liên quan trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp tại địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 cuãng đã dành hẳn 1 Điều quy định cụ thể về nội dung BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Cụ thể, theo Điều 66, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; Giữ gìn vệ sinh công cộng; Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật. Luật cũng chỉ rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thực hiện quy định về BVMT đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường; Tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Pháp luật về BVMT có liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước về môi trường và nhiều lĩnh vực pháp luật khác của Việt Nam. Hoạt động môi trường là hướng tới bảo vệ những lợi ích của Nhà nước, lợi ích cộng đồng và xã hội. Pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội, là công cụ cơ bản và quan trọng nhất để quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, mọi hành vi, xử sự của con người đều phải tuân theo pháp luật, vấn đề BVMT cũng không ngoại lệ. Là một lĩnh vực trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 là cơ sở pháp lí cho việc quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực BVMT, là cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT và là cơ sở pháp lý cho công tác BVMT. Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể về BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ ngày càng đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Bùi Hằng