Banner trang chủ

Nghiên cứu mới về nguồn gốc rác thải nhựa đại dương từ các con sông trên thế giới và bài học thực tiễn cho Việt Nam

03/06/2021

     Hiện nay, 80% rác thải nhựa đại dương trên thế giới có nguồn gốc từ lục địa; 20% còn lại đến từ các hoạt động trên biển như lưới đánh cá, du lịch và hoạt động hàng hải... Trong lượng rác thải nhựa nguồn gốc từ lục địa, các con sông hàng ngày vận chuyển số lượng lớn rác thải nhựa ra biển. Việc nghiên cứu nguồn gốc rác thải nhựa đại dương từ các con sông có vai trò quan trọng trong việc đề ra được các chính sách, biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

1. Nguồn gốc phát thải nhựa

     Các nghiên cứu trước đây cho rằng, hầu hết rác thải nhựa đại dương chỉ đến từ một vài con sông lớn trên thế giới: một nghiên cứu của Lebreton năm 2017 ước tính, 10 con sông lớn nhất đã chở ra biển từ 50 - 60% lượng rác thải nhựa của đại dương. Thậm chí, một nghiên cứu khác của Schmidt còn cho rằng, 10 con sông lớn này đã chở ra biển đến 90% lượng rác thải nhựa của đại dương. Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Science Advances, nhóm tác giả của Lourens Meijer đã phát triển một mô hình đánh giá chi tiết về mức phát thải rác thải nhựa từ các con sông vào đại dương và chỉ ra rằng, 80% rác thải nhựa của đại dương đến từ 1656 con sông lớn nhỏ khác nhau và 10 con sông lớn nhất thế giới chỉ chở ra biển khoảng 18% rác thải nhựa đại dương.

     Có sự khác biệt kết quả này là do các nghiên cứu trước đây dựa trên mô hình phát sinh rác thải nhựa đơn giản của các lưu vực sông lớn trên thế giới. Các nghiên cứu tập trung đánh giá lượng rác thải nhựa được tạo ra trên mỗi lưu vực sông, mật độ cư dân trong khu vực sông và thu thập số liệu lượng rác thải nhựa trên một số sông. Sau đó, sử dụng các số liệu này để lập mô hình ô nhiễm rác thải nhựa. Điều này có nghĩa là những nơi phát thải lớn nhất được cho là những lưu vực sông lớn, nơi có dân số lớn và tình trạng quản lý chất thải kém. Các sông Dương Tử, Châu Giang và Hoàng Phố ở Trung Quốc; sông Hằng ở Ấn Độ; sông Cross ở Nigeria; Amazon ở Brazil là những con sông lớn đứng đầu danh sách.

     Phân tích mới nhất của Lourens Meijer được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đó với dữ liệu có độ chi tiết cao. Nghiên cứu đã mô hình hóa các động lực học trong cách thức vận chuyển nhựa tại các con sông. Nghiên cứu đã xây dựng: mô hình gió và lượng mưa và dữ liệu lưu lượng nước tại các con sông, cộng với các yếu tố ảnh hưởng đến xác suất rác thải nhựa có khả năng “rơi” xuống sông; khoảng cách đến đại dương; độ dốc của địa hình và các loại hình sử dụng đất. Các dữ liệu của mô hình được thu thập có độ chi tiết rất cao, dựa trên số liệu nhiều năm nghiên cứu. Mô hình được hiệu chỉnh bằng dữ liệu thực tế của 66 con sông ở 14 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc đánh giá lượng rác thải nhựa đại dương từ các con sông thì yếu tố xác suất rác thải nhựa có khả năng rơi xuống sông, từ đó lượng nhựa này được các sông chở ra đại dương có vai trò quan trọng hơn kích thước của lưu vực sông. Điều này dẫn tới các sông nhỏ có khả năng “đóng góp” lượng rác thải nhựa đại dương nhiều hơn các sông lớn.

Hình 1: Nghiên cứu của Meijer (đường màu đỏ) chỉ ra rằng các con sông nhỏ cũng góp vai trò quan trọng trong việc phát thải

rác thải nhựa vào đại dương

     2. Những con sông nào chở nhiều nhựa nhất ra đại dương

     Hầu hết các con sông thải nhiều nhựa nhất ra đại dương nằm ở châu Á, số còn lại nằm ở khu vực Đông Phi và Caribe. Trong số 10 con sông thải nhiều nhựa nhất ra đại đương, Philippin có 7 con sông, Ấn Độ có 2 và Malaysia có 1 con sông. Riêng sông Pasig ở Philippin đã chiếm 6,4% lượng nhựa sông toàn cầu. Điều này vẽ nên một bức tranh rất khác so với các nghiên cứu trước đây, nơi mà các con sông lớn nhất châu Á như sông Dương Tử, sông Châu Giang, sông Hoàng Phố ở Trung Quốc và sông Hằng ở Ấn Độ - chiếm ưu thế trong việc phát thải nhựa ra đại dương. Đặc điểm của các dòng sông chở nhiều nhựa ra đại dương lớn nhất dựa vào các yếu tố:

     Một là, hầu hết trên các lưu vực con sông này có sự quản lý chất thải rắn lỏng lẻo. Điều này có nghĩa là có một lượng lớn rác thải nhựa do không được quản lý tốt có thể xâm nhập vào các con sông và đại dương.

     Hai là, các thành phố lớn trong phạm vi lưu vực sông đóng góp phần đáng kể rác thải nhựa cho các con sông. Mặt đất được cứng hóa tại các thành phố là nơi có các dòng chảy bể mặt mạnh, dễ dàng cuốn theo rác thải nhựa và chảy xuống sông. Điều này giải thích cho việc các con sông ở các thành phố như Jakarta ở Inđônêxia và Manila ở Philippin là con sông tương đối nhỏ nhưng lại chiếm một phần lớn lượng rác thải nhựa của đại dương.

     Ba là, các lưu vực sông có tỷ lệ lượng mưa cao tỷ lệ thuận với lượng nhựa mà sông tải ra biển. Lượng mưa cao đồng nghĩa với lượng nhựa trôi xuống sông và tốc độ dòng chảy của sông ra đại dương cao.

     Bốn là, khoảng cách từ nơi phát thải ra đến biển: Các sông phát thải lớn nhất có các thành phố gần biển, các sông có thành phố xa biển hơn thì có lượng rác thải nhựa ra biển cũng ít hơn.

     Một ví dụ thực tế, khi so sánh sông Ciliwung ở Java với sông Rhine ở châu Âu. Về lưu vực, sông Ciliwung nhỏ hơn 275 lần so với lưu vực sông Rhine, tuy nhiên lượng rác thải nhựa hàng năm của sông Ciliwung tải ra đại dương cao gấp khoảng 100 lần so với sông Rhine (từ 200 - 300 tấn/năm của sông Ciliwung so với chỉ 3 - 5 tấn/năm của sông Rhine). Có được điều này là do sông Ciliwung có nguồn phát thải nhựa gần biển hơn và lượng mưa của lưu vực sông Ciliwung cũng lớn hơn sông Rhine.

Hình 2: Tỷ lệ các con sông tải ra biển nhiều rác thải nhựa nhất

     3. Khu vực nào có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất?

     Trong biểu đồ nghiên cứu của tác giả đã cho chúng ta thấy, tỷ lệ đóng góp về rác thải nhựa đại dương của các quốc gia. Châu Á chiếm 81% lượng rác thải nhựa đại dương. Điều này là phù hợp với thực tế, vì châu Á là khu vực đông dân nhất thế giới, phần lớn khu vực này có hệ thống quản lý chất thải chưa chặt chẽ, lượng mưa trung bình hàng năm lớn... Các khu vực khác: Châu Phi chiếm 8%; Nam Mỹ là 5,5%; Bắc Mỹ là 4,5%; Châu Âu và châu Đại Dương dưới 1%.

     4. Bài học cho Việt Nam trong việc quản lý rác thải nhựa đại dương

     Theo kết quả nghiên cứu trên, ở Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi để các sông có thể mang rác thải nhựa vào đại dương lớn. Tại nước ta, đa phần các sông đều dốc, ngắn, các thành phố lớn tập trung ở khu vực ven biển, lượng mưa theo mùa ở một số khu vực tương đối dồi dào. Việc xác định rõ nguồn phát thải nhựa từ sông vào đại dương có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách để quản lý rác thải nhựa đại dương. Do vậy, để làm tốt công tác giảm thiểu rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc lục địa cần làm tốt một số công việc sau đây:

     Thứ nhất, cần nghiên cứu cụ thể hơn nữa về điều kiện phát tán rác thải nhựa đại dương từ các con sông ở Việt Nam như trong nghiên cứu đã chỉ ra bao gồm: mô hình gió, lượng mưa, dữ liệu lưu lượng nước tại các con sông; các yếu tố ảnh hưởng đến xác suất rác thải nhựa có khả năng “rơi” xuống sông; khoảng cách từ nơi phát thải đến biển; độ dốc của địa hình và các loại hình sử dụng đất. Các dữ liệu này cần đặt trong điều kiện của Việt Nam để có kết quả sát với thực tế hơn, từ đó giúp quá trình hoạch định chính sách được chính xác.

     Thứ hai, các nước phát triển thải ra rất ít lượng rác thải nhựa đại dương do các nước này có chương trình quản lý chất thải nghiêm ngặt. Do vậy, việc cải thiện cách thức, phương pháp quản lý chất thải từ nguồn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết rác thải nhựa đại dương. Với điều kiện thực tế tại Việt Nam, việc quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa cần phải hết sức chú trọng do điều kiện tự nhiên các sông Việt Nam tương đối thuận lợi cho việc các sông này phát tán rác thải nhựa ra biển.

     Thứ ba, rác thải nhựa đại dương từ các con sông có thể đến từ các sông nhỏ có điều kiện phù hợp do vậy các biện pháp giảm phát thải nhựa từ các con sông phải được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các lưu vực các sông thay vì tập trung một vài sông trọng điểm.

     Thứ tư, các con sông được kết nối với biển thông qua khu vực cửa sông. Khu vực cửa sông lại là nơi có hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản sôi động. Lâu nay, lượng rác thải nhựa mắc vào lưới thường được ngư dân vứt trả lại biển, tạo nên một vòng luẩn quẩn của rác thải nhựa và cuối cùng lượng rác thải nhựa này lại trôi ra đại dương. Do vậy, cần xây dựng chính sách hỗ trợ để ngư dân thu hồi, xử lý lượng rác thải nhựa mắc vào lưới. Các biện pháp cụ thể ở đây bao gồm: Tuyên truyền để ngư dân thu hồi lại rác thải nhựa mắc lưới, có chính sách thu mua rác thải nhựa do mắc lưới ngư dân.

     Thứ năm, Ngoài rác thải nhựa đại dương nguồn gốc từ lục địa thì 20% còn lại đến từ các hoạt động trên biển, do vậy cần nghiên cứu các biện pháp thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm khi xả thải trên biển; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.

Hà Thanh Biên

Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

Tài liệu tham khảo:

     - Lebreton, L. C., Van der Zwet, J., Damsteeg, J. W., Slat, B., Andrady, A., & Reisser, J. (2017). River plastic emissions to the world’s oceans. Nature Communications.

     - Schmidt, C., Krauth, T., & Wagner, S. (2017). Export of plastic debris by rivers into the sea. Environmental Science & Technology.

     - Meijer, J.J.L, Emmerik, T., Ent, R., Schmidt, C., Lebreton, L. (2021). More than 1000 rivers account for 80% of global riverine plastic emissions into the ocean. Science Advances.

Ý kiến của bạn