28/12/2023
Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, TP. Đà Nẵng về chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Sở TN&MT đã tập trung tham mưu xây dựng năng lực chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT tại địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả khả quan.
Đại diện Sở TN&MT và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025
1. Chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, các cấp lãnh đạo của TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều Chương trình hành động, quyết định, chỉ thị, kế hoạch (Chương trình hành động số 27-CTr ngày 31/7/2013 của Thành ủy Đà Nẵng về chủ động BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT).
Theo đó, thành phố (TP) đẩy mạnh lồng ghép ứng phó BĐKH trong công tác lập kế hoạch của các cấp, ngành; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; ứng phó sự cố môi trường, thảm họa động đất, sóng thần. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, BVMT và chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Trong lĩnh vực tài nguyên, TP luôn chú trọng quản lý hiệu quả quỹ đất, đảm bảo hài hòa giữa mục đích sử dụng đất gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở từng thời kỳ. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển; đánh giá hiện trạng các công trình và đề xuất các giải pháp công trình phù hợp với tình hình xâm thực, xói lở bờ sông, bờ biển. Bảo vệ các hệ sinh thái biển, bể hấp thụ các-bon trong tự nhiên thông qua việc phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành quy định về quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái biển; tổ chức thực hiện các đề tài điều tra nghiên cứu đa dạng sinh học…
Cùng với đó, TP đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Quảng Nam trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ biển; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu tài nguyên nước; Áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; Đảm bảo nhu cầu nước; Chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại tới tài nguyên nước (cạn kiệt, xâm nhập mặn…) do tác động của BĐKH.
Xác định công tác BVMT là nhiệm vụ trọng tâm của các chính sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, từ năm 2008, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2008 - 2020 tại Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND và tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021 với các mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có; phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với TP. Đà Nẵng.
Năm 2020, TP. Đà Nẵng đã hoàn thành tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu đạt 100%; tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt yêu cầu về môi trường đạt 100%; tỷ lệ thu gom được hơn 95% tổng lượng rác; 80 - 82% số hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. 88,2% nước thải đô thị được thu gom bằng hệ thống cống, mương thoát nước, xử lý đạt quy chuẩn thông qua 6 trạm xử lý tập trung; có 90,91% cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 98,68% cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ (≥50 m3/ngày đêm) xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 100% khu công nghiệp, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật (7 trạm xử lý). Hiện nay, TP có 7 dự án về thoát nước xử lý nước thải với tổng kinh phí khoảng 4.967 tỷ đồng.
Đến nay, công tác quản lý môi trường, triển khai xây dựng TP môi trường tại Đà Nẵng cơ bản đã đi vào nề nếp. Hàng loạt văn bản, chính sách về quản lý và BVMT của TP đã được ban hành, cập nhật cơ bản đầy đủ trong các lĩnh vực BVMT, quy hoạch về quản lý chất thải rắn, quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã ban hành các kế hoạch xử lý môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải, phân cấp quản lý môi trường. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh; TP đã thúc đẩy, huy động hiệu quả nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn mới với tổng ngân sách dự kiến huy động được đạt trên 83 tỷ đồng tài trợ (tính trong giai đoạn 2021 - 2024).
Với những kết quả đạt được đó, TP đã được các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều giải thưởng về môi trường và đô thị như: TP bền vững về môi trường (ASEAN) (2011); TP các-bon thấp (APEC) (2012); TP phong cảnh châu Á (2013); Giải thưởng Môi trường Việt Nam; TP Xanh quốc gia (2018); TP xuất sắc trong chuyển đổi; TP đạt mức Tốt về BVMT (2020, 2021); TP thông minh - quản lý môi trường thông minh VINASA (2021)… Đây là thành quả xứng đáng mà Đà Nẵng đạt được bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 15 năm xây dựng “TP môi trường”. Đồng thời cũng là sự khẳng định Đà Nẵng đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành TP môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
2. Giải pháp nâng cao năng lực chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Đà Nẵng là đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu… Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế… Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, ngành TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu TP thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu tài nguyên nước; Áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; Đảm bảo nhu cầu nước; Chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại tới tài nguyên nước (cạn kiệt, xâm nhập mặn…) do tác động của BĐKH. Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá chất lượng, tiềm năng tài nguyên nước các khu vực thiếu và khan hiếm nước; xây dựng mạng điểm quan trắc tài nguyên nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021 - 2023 đạt các mục tiêu đã đề ra và bảo đảm Luật BVMT năm 2020, các văn bản quy định liên quan cũng như phù hợp với tính thực tiễn tại các đơn vị, địa phương và phát huy tối đa các nguồn lực xây dựng TP môi trường.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng gia tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện đã gây ra khó khăn cho công tác quan trắc, đo đạc, dự báo và cảnh báo thiên tai; trong đó, có nguyên nhân mật độ mạng lưới trạm còn thưa và chưa được phân bố phù hợp để nắm bắt hết các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV). Trước tình hình thực tế này, Sở TN&MT đang hoàn thiện, tham mưu UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới quan trắc trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng với những thay đổi mang tính đột phá cả về số lượng và chất lượng.
Việc phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2023 đến năm 2030 sẽ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phục vụ sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Đồng thời, Sở sẽ tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu; hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và trượt lở đất đối với các khu vực miền núi, thống nhất từ cấp TP đến các ngành, các địa phương.
Tăng cường hợp tác quốc tế, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế, bao gồm: Tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác song phương và đa phương; tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
Hiện nay, mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện tại có 15 trạm gồm: 3 trạm khí tượng bề mặt, 1 trạm thám không vô tuyến, 1 trạm thủy văn, 5 trạm đo mưa, 1 trạm hải văn và 4 điểm đo mặn; mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 31 trạm đo mưa, 9 điểm đo mực nước, 2 trạm khí tượng, 1 điểm đo mặn. |
Nguyễn Hồng An
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)