03/12/2022
Ngày 2/12/2022, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Hội thảo có sự tham gia của cơ quan soạn thảo; các cơ quan quản lý về tài nguyên; hội khoa học chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước; viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sử dụng, BVMT và phát triển bền vững tài nguyên nước. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án chung tay hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, tài nguyên nước liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng và phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng, chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu. Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải lấy phòng ngừa là chính; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, công bằng, hợp lý. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của cả nước, các vùng, ngành; các dự án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải góp phần phát triển kinh tế - xã hội…
PGS.TS Lưu Đức Hải đưa ra 5 kiến nghị: Quản lý lưu vực (Quản lý nguồn thải có thể ảnh hưởng tới chất lượng nước và các hành vi có tác động tới dòng chảy trong phạm vi lưu vực, bao gồm thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quan trắc, kiểm soát và sử dụng nước); Luật Tài nguyên nước năm 2012 đưa ra nguyên tắc quản lý tài nguyên nước trên các dòng sông, nhưng còn có nhiều bất cập trong quản lý nguồn nước theo lưu vực; Cần có cách tiếp cận và giải pháp đưa quản lý nguồn nước theo lưu vực phù hợp trong giai đoạn biến đổi khí hậu và tăng nhu cầu sử dụng nước; Nghiên cứu điển hình đã được chúng tôi thực hiện tại thôn Dy xã Minh Quang với sự tài trợ của Quỹ USAID thông qua CECR cho thấy hiệu quả và sự ủng hộ của gần 1.000 dân thôn Dy; Mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn nước là giải pháp khả thi, hiệu quả và rẻ tiền trong quản lý, bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, dẫn chứng mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ theo lưu vực Vườn quốc gia Ba Vì, ứng dụng tại thôn Dy, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội, PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, cộng đồng là tất cả tập thể, cá nhân cùng sinh sống, hoạt trong một phạm vi không gian và trong khoảng thời gian; không ai hiểu hơn cộng đồng về đặc điểm môi trường của nơi mình sống; không ai có lợi ích và chịu thiệt hại hơn cộng đồng khi chất lượng môi trường sống của mình vi phạm; mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn nước là phương pháp khả thi, hiệu quả và rẻ tiền.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo đã lắng nghe một số tham luận về: Khái quát về Luật Tài nguyên nước Việt Nam; quản lý, bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực sông - Vấn đề còn nhiều bất cập; xử lý nước thải và thoát nước đô thị - Một khía cạnh trong bảo vệ tài nguyên nước; khó khăn trong quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới ở Việt Nam; hạch toán tài nguyên nước - Vấn đề mới trong Luật Tài nguyên nước năm 2020; các phương pháp tính sức tải môi trường nước; xử lý tái tuần hoàn trong sử dụng nước trong công nghiệp…
Tại phần trao đổi, thảo luận, liên quan đến vấn đề xử lý nước thải tập trung, GS. TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường cho biết, hiện nay Việt Nam có đến 80 nhà máy xử lý nước thải đang được thiết kế, thi công, tổng công suất gần 1.6 triệu m3/ngày. Quản lý nước thải ở Việt Nam là lĩnh vực mới, cần có các giải pháp phù hợp, biến thách thức thành cơ hội. Đồng thời, cần thay đổi theo hướng” Xanh hơn” từ khâu lập quy hoạch, Luật Cấp, Thoát nước, các chính sách ngành và liên ngành ở cấp quốc gia; có nhiều giải pháp thân thiện với môi trường, bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài: Thoát nước bền vững; thu gom, sử dụng nước mưa; tái chế và tái sử dụng nước thải; sử dụng năng lượng hiệu quả trong xử lý nước thải, bùn và thu hồi tài nguyên; các giải pháp thông minh... Bên cạnh đó, cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải các bon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 cũng có thể là các nguồn tài chính hứa hẹn. Khi các giải pháp ký thuật đã có, thì lợi ích kinh tế và chính sách phù hợp sẽ là động lực để thay đổi (nhất là thu hút khối tư nhân tham gia).
PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường cũng đưa ra những rào cản, thách thức trong tuần hoàn, tái sử dụng nước thải công nghiệp và khẳng định, việc định hướng lựa chọn mô hình tái sử dụng nước sau xử lý phù hợp sẽ góp phần định hình quy mô tái sử dụng. PGS.TS Hoàng Thu Hương đưa ra 3 mô hình có thể tiếp cận: Phát triển công nghệ tái sử dụng quy mô nhỏ, phân tán kết hợp với trạm xử lý nước thải hiện có; phát triển công nghệ tái sử dụng tập trung quy mô lớn; quy mô linh hoạt, phát triển từ hệ thống xử lý nước thải sẵn có kết hợp với quy mô tái sử dụng phù hợp. Trong đó, mô hình thứ 3 là phù hợp hơn cho giai đoạn hiện nay. Để thực hiện theo mô hình này, cần có các bước xác định nhu cầu nước tái sử dụng cho mục đích cụ thể để thiết kế hệ thống tái sử dụng nước đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tiếp theo, cần tiến hành các thủ tục cần thiết đối với cơ quan quản lý môi trường để đảm bảo phù hợp với yêu cầu BVMT chung của dự án.
PGS.TS Hoàng Thu Hương nhấn mạnh: “Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn có tác động rất tốt đến môi trường. Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong công nghiệp cần phải được thực hiện đúng cách và có kiểm soát. Cần triển khai và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý. Các thủ tục kỹ thuật, chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc tái sử dụng nước thải sau xử lý. Do đó, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã bắt đầu bị đe dọa và Luật tài nguyên nước cần được sửa đổi cho phù hợp, việc cân nhắc, xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích việc tái sử dụng nước trong công nghiệp”.
Kết luận Hội thảo, thay mặt đơn vị tổ chức, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA cảm ơn các đại biểu, chuyên gia đại diện cho nhiều lĩnh khác nhau đã cùng tham gia Hội thảo. Điều này chứng tỏ, lĩnh vực tài nguyên nước rất được quan tâm. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tập hợp để báo cáo, kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Gia Linh