20/06/2023
Trong năm 2022, với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Bộ TN&MT đã theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ có liên quan và có được những kết quả ban đầu.
1. Triển khai Kế hoạch hành động tại các Bộ, ngành
Theo đó, các Bộ, ngành, cơ quan đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án, Chiến lược, Chương trình/Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 của quốc gia, bao gồm: (i) Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; (ii) Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; (iii) Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030…
Hiện nay, một số Bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ngoại giao).
Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn ngày 7/1/2022.
Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) năm 2022 đã được cập nhật và được Thủ tướng Chính phủ thông qua, gửi Ban thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) ngày 8/11/2022.
Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canađa, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã được công bố ngày 14/12/2022, theo đó, JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Bộ TN&MT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai áp dụng Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và sẽ triển khai áp dụng Cơ chế SDM sau khi quy định chi tiết được thông qua; Xây dựng Báo cáo kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Mặt khác, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, dự thảo Cơ chế điều phối hợp tác với các đối tác phát triển thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tích cực tiếp cận, thúc đẩy quan hệ với Chính phủ các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, quỹ tín dụng quốc tế và khu vực tư nhân để vận động các nguồn hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại, các nguồn hỗ trợ tài chính, đầu tư và công nghệ xanh, các chương trình hợp tác song phương và đa phương và các khoản vay ưu đãi khác, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Xác định được 8 nhóm ưu tiên hợp tác hỗ trợ với các đối tác phát triển hợp tác với Việt Nam.
Các Bộ, ngành đang tổ chức đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại COP26. Theo đó, các cơ sở quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm cung cấp số liệu hoạt động vào năm 2023 cho các Bộ quản lý lĩnh vực để các Bộ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở lần đầu tiên. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2024, các Bộ quản lý lĩnh vực xây dựng các Thông tư hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính và Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho cấp lĩnh vực và cơ sở.
Bộ TN&MT báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam đã được xây dựng và công bố. Các quy định hiện hành nhằm phát hiện những vướng mắc liên quan đến việc giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang được rà soát.
Bộ Công Thương, triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được rà soát, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. Chương trình giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành năng lượng, lồng ghép trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8 và Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được nghiên cứu, xây dựng. Dự thảo cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đang được lấy ý kiến và tổ chức thẩm định.
Tìm hiểu khả năng tham gia Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo, triển khai nhiệm vụ đánh giá Cơ chế điều chỉnh các bon biên giới (CBAM) tác động đến các ngành hàng xuất khẩu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citi Bank, Ngân hàng BIDV, HSBC, Ngân hàng Standard Chattered về các nội dung hợp tác để triển khai các cam kết của COP26. Làm việc với các định chế tài chính trong và ngoài nước như ADB, CitiBank, BIDV, IFC, HSBC, SCB để trao đổi, đánh giá các giải pháp nhằm huy động tài chính, nguồn lực của khối tư nhân trong việc triển khai các cam kết tại COP26.
Trong khuôn khổ Hội nghị COP27, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì Hội nghị bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng, thích ứng với BĐKH. Hội nghị do Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) tổ chức. GFANZ là Liên minh toàn cầu gồm nhóm các tập đoàn và ngân hàng hàng đầu cam kết hỗ trợ quá trình trung hòa các bon, ứng phó với BĐKH của các quốc gia trên thế giới. Tham dự Hội nghị còn có ông Alok Shama, Chủ tịch COP26; ông Rick Duke, Phó đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về BĐKH; ông Mark Carney, Chủ tịch Liên minh GFANZ; ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu; đại diện các ngân hàng phát triển đa phương và các định chế tài chính quốc tế.
Bộ NN&PTNT, Dự thảo Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đã được xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 11/2022. Báo cáo rà soát các dự án trao đổi tín chỉ các bon rừng, triển khai các sáng kiến thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia tại Hội nghị COP 26 đang được hoàn thiện.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện nâng cao năng lực quản lý và giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có xây dựng Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực chất thải và các cơ sở phát thải ngành giao thông vận tải; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho cấp quốc gia và một thành phố. Thực hiện các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trong các hoạt động vận tải.
Bộ Xây dựng đang triển khai nghiên cứu, đề xuất lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh.
Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới như: năng lượng mặt trời, gió, hydro... và tiếp thu, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân, ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị có đóng góp trực tiếp, quan trọng cho ứng phó biến đổi khí hậu thông qua Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, xây dựng mới và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến năng lượng mới, năng lượng tái tạo và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Tích cực tham gia và triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và Việt Nam giai đoạn 2022-2027; Dự án ứng dụng hạt nhân trong giải quyết dịch bệnh có nguồn gốc động vật (Dự án ZODIAC) và giải quyết rác thải nhựa đại dương (NUTECH Plastic).
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách để quy định, hướng dẫn về phát triển ngân hàng xanh; đề xuất, xây dựng các nội dung vè nguồn lực tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, dự án thúc đẩy áp dụng các biện pháp công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt góp phần xanh hóa ngân hàng.
2. Tình hình thực hiện của các địa phương
Các địa phương bước đầu đã nhận thức và tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; tăng cường năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ; tổ chức triển khai Thỏa thuận Paris và các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh.
Một số địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng; thực hiện các giải pháp trong nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH, phát triển nông nghiệp bền vững. Chú trọng khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió.
Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau 08 dự án; Bạc Liêu 3 dự án; Trà Vinh 5 dự án; Sóc Trăng 3 dự án; Bến Tre 4 dự án; Tiền Giang 1 dự án… đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.
3. Tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp
Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, các Tổng Công ty, Tập đoàn nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch: Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã chỉ đạo các đơn vị thay thế dần lò hơi sử dụng nhiên liệu than đá, than cám tạo hơi báo hòa sang lò hơi sử dụng nhiên liệu hữu cơ thân thiện với môi trường là mùn cưa, vỏ trấu. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đẩy mạnh trồng rừng mới để nâng cao độ che phủ của rừng để hấp thụ khí thải nhà kính, đồng thời chấm dứt trợ cấp cho ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có chính sách hoàn trả các bon dành riêng các ngành công nghiệp hoặc nông nghiệp khó cắt giảm khí thải, tiếp tục triển khai thí điểm thương mại các-bon rừng với quỹ đối tác các bon lâm nghiệp. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã đồng hành cùng các Bộ, ngành, các doanh nghiệp chuyển đổi số tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Một số tập đoàn đa quốc gia như Nestle, Equinor, Grab… sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước cũng hành động ngay cùng Chính phủ như Tập đoàn Vin Group mở rộng quy mô và phạm vi sản xuất và cung cấp xe điện, xây dựng Nhà máy sản xuất pin cung cấp cho thị trường xe điện trong nước và quốc tế; Tập đoàn T&T đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi; Tập đoàn TGS đầu tư xây dựng các dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau với công suất của mỗi Nhà máy hằng năm ước tính từ 30.000 - 36.000 tấn hydro xanh, dự kiến đầu năm 2025 vận hành và ra sản phẩm hydro xanh. Tập đoàn Sanofi đang triển khai dự án Nhà máy sản xuất năng lượng sinh khối từ trấu…
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Đến nay có 41 hồ sơ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước xin phép đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên biển thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương. Ngoài ra các địa phương có biển cũng đang xem xét hồ sơ của hàng chục tổ chức, cá nhân đề xuất khảo sát, xin được giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam như Macquarie (Ôxtrâylia), Orsted (Đan Mạch), Scatec và Equinor (Na Uy), Enterprize Energy (Vương quốc Anh) với diện tích khu vực biển đề xuất được đo đạc, khảo sát là hơn 1 triệu ha.
Chu Thị Thanh Hương
Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2023)