Banner trang chủ

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới và mang tính đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

28/01/2022

    Trong thời gian qua, WWF - Việt Nam đã đồng hành với ngành TN&MT trong các lĩnh vực BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, WWF - Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc góp ý các chính sách văn bản pháp luật, cụ thể như Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT. Nhân dịp đầu năm 2022, khi Luật BVMT chính thức có hiệu lực, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Hữu Huy, Cán bộ Điều phối, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Chính sách toàn cầu về nhựa của WWF-Việt Nam.

Ông Hồ Hữu Huy, Cán bộ Điều phối, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và Chính sách toàn cầu về nhựa của WWF-Việt Nam

Luật BVMT năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dưới góc độ đại diện của một tổ chức bảo vệ thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm của WWF khi Luật đi vào cuộc sống

Ông Hồ Hữu Huy: Luật BVMT năm 2020 đã quy định khá chi tiết và thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt về bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT. Luật có nhiều điểm mới và mang tính đột phá, chẳng hạn như trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt. Luật đã đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, sử dụng hiệu quả chất thải làm tài nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) vừa mới được ban hành ngày 10/1/2022 đánh dấu cột mốc quan trọng cho Việt Nam tiến một bước gần hơn đến hiện thực hóa những định hướng mới được quy định trong Luật, thực thi hiệu quả chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn, phát triển kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp môi trường trong nước.

    WWF đánh giá cao những nỗ lực của ngành TN&MT trong việc đưa các quy định của Luật BVMT năm 2020 vào cuộc sống, các quy định đã bám sát yêu cầu quản lý nhà nước, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và đảm bảo sự phân công, phân cấp rõ ràng của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho các địa phương, cũng như nâng cao vai trò trung tâm của doanh nghiệp, người dân trong BVMT - đặc biệt được phản ánh trong các quy định về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, và trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý rác thải của tổ chức, cá nhân.

    Các quy định này có nhiều điểm tương đồng với những xu hướng trong chính sách quản lý, BVMT trên toàn cầu những năm gần đây. Định hướng chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, trong đó rác thải được xem làm một nguồn tài nguyên, đã được nhiều quốc gia trên thế giới, phần lớn là các nước phát triển, tích hợp và triển khai với những thành công đã được ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với BVMT. Việc tiếp cận với định hướng này trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP còn có vai trò đặc biệt quan trọng, khi sắp tới Việt Nam sẽ chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, theo Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng.

    Như đã trao đổi ở trên, doanh nghiệp là một trong những nhân tố đóng vai trò trung tâm trong BVMT. Sự tham gia của doanh nghiệp và các ngành công nghiệp, đặc biệt trong đổi mới, sáng tạo về sản xuất theo mô hình tuần hoàn và nhận trách nhiệm đối với sản phẩm, bao bì sau tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn hiện đã đưa ra nhiều quy định chi tiết nhằm đảm bảo vai trò này, không chỉ với các quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, mà còn với các cơ chế khuyến khích và lộ trình triển khai cho doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

    Một bài học quan trọng từ kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện định hướng mới về kinh tế tuần hoàn là việc tiếp cận một cách hệ thống, tổng thể và tránh thực hiện rời rạc nhưng đồng thời cần đảm bảo quá trình thực thi có tính linh hoạt, dựa trên thực tế cụ thể của từng địa phương. Sự thành công của việc thực thi các quy định riêng biệt này phụ thuộc lẫn nhau: phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý rác thải của tổ chức, cá nhân; và phát triển kinh tế tuần hoàn - do vậy cần có sự điều phối và kết hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực quản lý khác nhau. Đồng thời, các cơ quan cấp Trung ương cũng cần chú ý đến các khác biệt và điều kiện cụ thể của từng địa phương, tạo điều kiện để từng địa phương linh hoạt trong triển khai thực hiện các điều khoản mới của Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đảm bảo tình hình thực tế của địa phương được cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình triển khai trên cả nước.

Được biết, WWF đã đồng hành với Bộ TN&MT trong việc xây dựng Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, xin ông cho biết những vấn đề mà WWF quan tâm góp ý trong thời gian qua ?

Ông Hồ Hữu Huy: Dựa trên các lĩnh vực hoạt động của WWF, chúng tôi đã thông qua các cuộc họp tham vấn và đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi tới Bộ TN&MT. Một số nội dung mà chúng tôi góp ý liên quan đến BVMT nước, di sản thiên nhiên, tham vấn trong đánh giá tác động môi trường, khai thác khoáng sản, BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số nội dung liên quan đến chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

    Trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các quy định có liên quan đến công tác quản lý chất thải, các quy định mới về trách nhiệm xử lý, tái chế rác thải của tổ chức, cá nhân, và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cụ thể, các góp ý của WWF tập trung quy định nhằm hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp, tăng cường vai trò và trách nhiệm của chủ nguồn phát thải chất thải rắn, phân cấp trách nhiệm thực thi cho chính quyền địa phương, bao gồm cả UBND cấp phường, xã. Quan trọng, WWF nhấn mạnh việc cân nhắc mục tiêu dài hạn của Luật BVMT năm 2020 trong việc xây dựng các quy định chi tiết trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về việc nâng cấp, mở rộng quy mô, năng lực tái chế và sử dụng rác thải như là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế tuần hoàn.

    Với những góp ý cụ thể, cũng như các hoạt động hợp tác, tham gia của chuyên gia trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các nội dung, WWF kỳ vọng đã có những đóng góp để cụ thể hóa một cách thiết thực xu hướng tiếp cận hệ thống và quản lý tổng hợp về kinh tế tuần hoàn và tài nguyên từ rác thải theo xu thế toàn cầu; đưa các góc nhìn đa chiều - đặc biệt là từ ngành công nghiệp tái chế - vào các quy định, đảm bảo các quy định riêng biệt cùng hướng đến mục tiêu dài hạn về nâng cấp ngành công nghiệp môi trường và tái chế tại Việt Nam. Ngoài ra, WWF cũng hy vọng sẽ tiếp tục góp phần cung cấp các kinh nghiệm quốc tế, cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn trong quá trình thực hiện triển khai Luật BVMT năm 2020, thông qua các hoạt động hợp tác trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật và Nghị định, đặc biệt là nội dung về lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là với ngành nhựa và bao bì tại Việt Nam.

    Từ đó, WWF mong muốn Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có thể cung cấp những công cụ nhằm khuyến khích chuyển đổi mô hình, thúc đẩy đầu tư của thị trường và tạo sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng thích ứng, tạo ra các cơ hội đầu tư kinh doanh và đồng thời mang lại các lợi ích chung về tái tạo, bảo vệ, bảo tồn, phát triển vốn tự nhiên. Đây là cơ sở quan trọng để tăng tính thích ứng của nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro trước bối cảnh khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm, các rủi ro về khan hiếm tài nguyên hiện nay, giúp mang lại lợi ích cụ thể không chỉ cho môi trường mà còn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Để việc thực thi Luật BVMT năm 2020 đạt hiệu quả, ông có những đề xuất giải pháp gì trong thời gian tới nhằm đưa Luật vào cuộc sống?

Ông Hồ Hữu Huy: Trước hết, cần đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan đến quá trình thực thi, nhất là các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, trong suốt quá trình triển khai sắp tới. Việc này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch cũng như sự hợp lý của các quy định so với thực tiễn.

    Các hướng dẫn chi tiết cần được nhanh chóng phổ biến và tập huấn đến các đối tượng liên quan, để có thể đạt được sự tham gia đồng bộ và hiệu quả của các nhóm đối tượng khác nhau, ở các cấp quản lý khác nhau từ Trung ương đến địa phương.

    Công tác truyền thông, đặc biệt là với các quy định mới như phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm xử lý, tái chế sản phẩm và bao bì thải bỏ của cá nhân, tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. WWF tin rằng, công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền và kết nối với các chủ thể có liên quan đến những quy định này là yếu tố chủ chốt để thực thi hiệu quả Luật năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

    Chúng tôi cũng kỳ vọng việc thực hiện và đẩy mạnh ứng dụng về công nghệ, quản lý tri thức, chia sẻ thông tin, sự tham gia của các bên trong tiếp cận, phản hồi thông tin về môi trường sẽ là những nền móng cho việc thực hiện Luật năm 2020 hiệu quả.

    Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam và 60 năm trên thế giới, thế mạnh của WWF là một mạng lưới chuyên gia và kinh nghiệm toàn cầu, áp dụng vào thực tiễn của địa phương. WWF tại Việt Nam thực hiện các mô hình có tính nhân rộng với các thành phần trong xã hội như cộng đồng, trường học, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chính quyền địa phương. Chúng tôi hướng tới việc đưa ra quyết định dựa trên các nghiên cứu khoa học, giúp các bên liên quan cùng tiến tới các mục tiêu chung. WWF cũng là một cầu nối quan trọng với các nhà tài trợ đa phương, song phương và khối tư nhân để hướng đến tăng cường đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phục hồi của hệ sinh thái cũng như tạo các nguồn tài chính bền vững.

    Các hoạt động của WWF hướng đến việc hiện thực hóa các qui định của Luật BVMT năm 2020 dựa trên cách tiếp cận tổng hợp, có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Khung pháp lý là Luật BVMT năm 2020 làm nền tảng quan trọng để WWF cùng các bên liên quan đồng hành với Chính phủ và người dân Việt Nam (trong đó có các doanh nghiệp) thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26 và thích ứng với biến đổi khí hậu. WWF có thể đóng góp với các khuyến nghị và mô hình trong giảm thiểu khí nhà kính như qui hoạch trồng rừng, các mô hình nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp dựa trên hệ sinh thái, thích ứng với biến đối khí hậu và phục hồi tự nhiên, các giải pháp năng lượng bền vững, tiết kiệm điện, các mô hình quản lý và đưa ra chính sách để quản lý các tài nguyên khoáng sản chiến lược như cát sông, các mô hình để phục hồi hệ sinh thái và loài, cách tiếp cận mới như kinh tế tuần hoàn, coi rác là một nguồn tài nguyên, kèm với các biện pháp giảm thiểu rác, thúc đẩy các sản phẩm và quá trình sản xuất thân thiện với môi trường. WWF cũng đang hỗ trợ Chính phủ và các cộng đồng trong việc kết nối với các bên liên quan ở cấp quốc tế trong nỗ lực giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường. Ví dụ, các hỗ trợ để thúc đẩy việc hình thành một Cam kết toàn cầu về Nhựa trong đó Việt Nam đang là một trong những thành viên tích cực, dẫn đầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hằng

    (Thực hiện)  

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn