03/03/2022
Bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Quốc hội khóa XIV (kỳ họp thứ 10 ngày 17/11/2020) đã thông qua Luật BVMT năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 [1]; đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 (gọi tắt là Nghị định 08) Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 [1]. So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá về bố cục và nội dung. Trong đó, Nghị định 08 có những quy định cụ thể đối với lĩnh vực hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản (gọi tắt là HĐKS) ở Việt Nam.
1. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BVMT NĂM 2020
Luật BVMT năm 2020 gồm 16 Chương, 171 Điều, bố cục hợp lý hơn so với Luật BVMT năm 2014, việc đưa các quy định về BVMT các thành phần lên đầu thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là BVMT, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách pháp luật về BVMT một cách bền vững [2],[3]. So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá như sau:
i) Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT;
ii) Thay đổi phương thức quản lý đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí BVMT; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án về BVMT; cắt giảm thủ tục hành chính liên quan về BMT;
iii) Quy định phân loại rác thải tại nguồn, định hướng giải pháp quản lý và tái chế chất thải nhằm BVMT và góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;
iv) Quy định thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện một việc; phân cấp triệt để cho các địa phương; Quy định cụ thể về kiểm toán môi trường lần đầu được quy định;
v) Quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước nhằm BVMT một cách bền vững;
vi) Quy định pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản, tạo lập phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên trong công tác BVMT theo quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
2. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BVMT TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN NÊU TRONG NGHỊ ĐỊNH 08
Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là một trong những nguồn nguyên. Nhiên, vật liệu quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế việc khai thác và sử dụng tiết kiệm hiệu quả TNKS và BVMT bền vững là ưu tiên hàng đầu trong “Chiến lược khai thác TNKS của Việt Nam”. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã cung cấp nguyên, vật liệu cho nhiều ngành công nghiệp và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy vậy, hoạt động khai thác khoáng sản (HĐKS) đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường (phá hoại môi trường đất, làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực, làm tăng diện tích đất trống, giảm diện tích rừng, gây hiện tượng xói lở, bồi lắng, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và tác động xấu tới chế độ thủy văn khu vực...) [4].
Vì thế, Nghị định 08 quy định chi tiết công tác BVMT trong HĐKS với nhiều điều, khoản khá cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp HĐKS cần phải quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc Luật BVMT năm 2020.
Đối với doanh nghiệp HĐKS việc phục hồi môi trường sau khi kết thúc HĐKS là yêu cầu bắt buộc đã được quy định tại Điều 58 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 với các giải pháp sau: i) Cải tạo hoặc giữ lại moong đã khai thác làm hồ chứa nước; ii) San gạt hạ thấp độ cao các bãi thải đất đá và trồng cây xanh trên toàn bộ khu vực bãi thải để hạn chế nguy cơ trượt lở và tạo cảnh quan môi trường; iii) Tháo dỡ các công trình trên mặt và san lấp moong sau kết thúc khai thác hạn chế tác động đến môi trường và đảm bảo an toàn cho dân cư xung quanh theo đề án đóng cửa mỏ đã cấp thẩm quyền phê duyệt…
Cải tạo và phục hồi môi trường đối với HĐKS tiếp tục được quy định trong Luật BVMT năm 2020 là chế tài quan trọng, gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực HĐKS, yêu cầu các doanh nghiệp HĐKS phải dành một khoản kinh phí để cải tạo, phục hồi BVMT sau khi kết thúc khai thác. Nghị định 08 quy định “Bảo vệ môi trường đất” cụ thể trong một số điều, khoản [1] sau đây:
- “Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường đất; Điều 11 khoản 3: Việc sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản phải bảo đảm không gây tác động xấu đến cảnh quan môi trường, cản trở dòng chảy; trả lại đất đúng với trạng thái mặt đất theo yêu cầu của cơ quan giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”;
- “Điều 12. Khu vực phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất; Điều 12. khoản 3: Khu vực có cơ sở sản xuất đã đóng cửa hoặc di dời thuộc một trong các loại hình sau: khai thác, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu);
Qua đây cho thấy các điều, khoản quy định “Bảo vệ môi trường đất” của Nghị định 08 là chế tài rất quan trọng, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân HĐKS khi sử dụng TNKS bắt buộc phải dành ra một khoản kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác nhằm tránh các tác động xấu lâu dài tới môi trường.
2.2. Quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư
Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08 quy định “Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư” là một bước đột phá trong công tác BVMT phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp HĐKS (cơ sở tuyển (hay làm giàu) và chế biến TNKS độc hại, khoáng sản kim loại, chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại) và doanh nghiệp sản xuất gang, thép, luyện kim đều thuộc nhóm cơ sở phải tuân thủ quy định này. Nghị định 08 quy định “Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư ” cụ thể trong Điều, khoản sau đây:
1. Khoảng cách an toàn về môi trường gồm:
a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật BVMT là khoảng cách tối thiểu từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến công trình hiện hữu và hợp pháp của khu dân cư gồm nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, công trình giáo dục, y tế để bảo đảm an toàn về môi trường;
b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 53 Luật BVMT, khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu từ điểm xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến điểm lấy nước, công trình cấp nước đô thị.
Khoản 2. Xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
a) Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 53 Luật BVMT đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và đặc tính của chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;
b) Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 53 Luật BVMT đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và tính chất của bụi, mùi khó chịu, mức độ tiếng ồn và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;
c) Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nhiều nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ nguồn phát thải gần nhất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư. Trường hợp không xác định được nguồn phát thải hoặc không có nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ vị trí tường của sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, nhà hoặc công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm, chứa chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;
d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng mà thuộc đồng thời từ hai trường hợp trở lên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật BVMT thì phải áp dụng giá trị khoảng cách lớn nhất.
3. Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 53 Luật BVMT thực hiện theo quy định về khoảng cách an toàn theo pháp luật về an toàn phòng cháy và chữa cháy, quản lý vật liệu nổ, an toàn bức xạ, an toàn hóa chất, tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan…
Các điều, khoản quy định “Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư ” nêu trên của Nghị định 08 cho thấy: Sự cần thiết và lợi ích cho việc lập quy hoạch xây dựng một cách đồng bộ; Quy định khoảng cách an toàn từ khu dân cư tới chân các bãi thải đất đá trong HĐKS sẽ hạn chế các nguy cơ do trượt lở bãi thai gây ra; Quy định về khoảng cách an toàn từ vị trí nổ mìn đến các công trình, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp tới khu dân cư và các công trình một cách cụ thể và phù hợp với Thông tư số 32/2019/TT-BCT ngày 21/11/2019 của Bộ Công Thương về quản lý vật liệu nổ công nghiệp.
2.3. Quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng. Từ năm 1989 đến nay sự cố môi trường ở Việt Nam xảy ra thường xuyên trong đó có hàng trăm sự cố tràn dầu xảy ra, đặc biệt là sự cố môi trường biển do tập đoàn Thép FORMSA gây ra tại tỉnh Hà Tĩnh và 3 tỉnh miền Trung trong năm 2016 đã gây tác động lớn cho toàn xã hội.
HĐKS là một trong những ngành công nghiệp gây nhiều sự cố môi trường. Trong đó phải kể đến một số sự cố liên quan đến các đập chứa quặng đuôi và bãi thải do mưa bão đã làm tràn và vỡ thân đập thải như: sự cố trượt lở bãi thải đất đá gây chết người như sự cố trượt lở đồi bãi thải Kép Ky tại mỏ Mangan Tốc Tát tỉnh Cao Bằng năm 1992 làm chết 200 người; Sự cố trượt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ tỉnh Thái Nguyên làm 5 người chết và nhiều nhà cửa đồng ruộng bị chôn lấp; sự cố sạt lở nhiều bãi thải than vùng than Quảng Ninh (mỏ than Đông Cao Sơn, Cẩm Phả) vào tháng 7/2015 trong đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề Thành phố Cẩm Phả [4],[5].
Vì thế, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường được xem là một nhiệm vụ quan trong hàng đầu và cấp thiết của toàn xã hội. Liên quan đến nhiệm vụ này, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật BVMT nhằm phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
Luật BVMT năm 2020 quy định công tác “Phòng ngừa, ứng phó và bồi thường thiệt hại môi trường” do sự cố môi trường gây ra là một bước tiến mới trong công tác BVMT ở Việt Nam. Nội dung này được quy định cụ thể trong một số điều, khoản của Nghị định 08 [1] như sau:
1. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường là tài liệu xác định các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, dự kiến kịch bản xảy ra sự cố môi trường kèm theo các phương án ứng phó tương ứng để bảo đảm sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi sự cố môi trường xảy ra trên thực tế.
2. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở gồm các nội dung sau đây:
a) Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở, các kịch bản đối với từng loại nguy cơ có thể xảy ra sự cố môi trường;
b) Phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường bao gồm: công trình, thiết bị và bảo đảm vật tư, dụng cụ, phương tiện cần thiết để ứng phó sự cố môi trường; bố trí lực lượng tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng ứng phó với từng kịch bản sự cố môi trường;
c) Xây dựng kế hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập về ứng phó sự cố môi trường cho lực lượng ứng phó sự cố tại chỗ;
d) Phương thức thông báo, báo động khi xảy ra sự cố môi trường và huy động nguồn nhân lực, trang thiết bị để ứng phó sự cố môi trường;
đ) Biện pháp tổ chức ứng phó sự cố môi trường đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật BVMT”;
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường…
2. Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia…”
Các điều, khoản nêu trên quy định “Phòng ngừa, ứng phó và bồi thường thiệt hại môi trường” của Nghị định 08 cho thấy sự đổi mới khi ban hành Luật BVMT năm 2020. Những quy định này được rút ra từ thực tế về việc giải quyết các sự cố môi trường ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế về BVMT nhất là đối với môi trường biển. Vì vậy, nếu có giải pháp tuyên truyền tốt Luật BVMT năm 2020 đến mọi người dân và doanh nghiệp chắc chắn đây sẽ là công cụ BVMT mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất và cuộc sống.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08 đã ban hành có nhiều điểm mới mang tính đột phá về nội dung so với các văn bản pháp luật về BVMT trước đây. Trong đó quy định cụ thể về công tác BVMT đối với tất cả mọi lĩnh vực nói chung, đối với HĐKS đã quy định cụ thể một số nội dung: i) Cải tạo phục hồi môi trường; ii) Khoảng cách an toàn tới khu dân cư; iii) Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; iv) Một số nội dung khác (như kinh tế tuần hoàn, ứng phó với Biến đổi khí hậu trong HĐKS) [4].
Để Luật BVMT 2020 thực sự đi vào cuộc sống và thực thi có hiệu quả, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (theo chức năng và thẩm quyền) cần tiếp tục lấy ý kiến để làm căn cứ xây dựng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT một cách đồng bộ. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật BVMT 2020 nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho người dân và doanh nghiệp thông qua một số giải pháp sau đây:
- Tổ chức tọa đàm nhằm mục đích: Giới thiệu khái quát Luật BVMT năm 2020, trước mắt ưu tiên lực chọn chuyên đề liên quan đến công tác BVMT trong HĐKS; Chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong công tác BVMT, lắng nghe ý kiến và kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến BVMT trong HĐKS: Đánh giá kết quả và những vướng mắc khi thực hiện chính sách pháp luật về BVMT trong HĐKS tại một số doanh nghiệp và địa phương.
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành “Sổ tay tuyên truyền và hướng dẫn thực thi Luật BVMT năm 2020” cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực HĐKS, luyện gang luyện thép và sản xuất điện than. Trong đó chú trọng đến việc hướng dẫn thực hiện các giải pháp: cải tạo phục hồi môi trường trong HĐKS; quản lý, tải chế bụi và xỉ trong luyện gang lò cao và luyện thép lò điện; quản lý, tải chế bụi và tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật BVMT số 72/2020/QH/14 ngày 17/11/2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020;
2. Võ Trung Tín - Những Điểm mới của Luật BVMT năm 2020”. Hà Nội 8/2021;
3. Website của Chính phủ lấy ý kiến trao đổi rộng rãi về Luật BVMT năm 2020;
4. TS. Nguyễn Thúy Lan và nnk: Thảo luận về một số quy định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 dưới góc nhìn từ hoạt động khoáng sản. Tạp chí CNM số 4-2021.
5. Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương “Điều tra, khảo sát đánh giá các nguồn thải và sự cố môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản”. Hà Nội, 2011.
TS. Nghiêm Gia
Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam
TS. Nguyễn Thúy Lan
Trung tâm môi trường Công nghiệp (CIE)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)