22/11/2021
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một hiện tượng toàn cầu, tác động tới tất cả các quốc gia và dân tộc vượt qua mọi biên giới. Tuy nhiên, các hệ thống văn hóa và xã hội có ảnh hưởng tới cả cách thức mà áp lực môi trường tác động tới các nhóm xã hội cũng như cách thức họ có thể đóng góp để giảm sự phát thải có hại. Vai trò và trách nhiệm được gán cho phụ nữ và nam giới trong một xã hội có tác động tới sự phụ thuộc của họ vào môi trường tự nhiên, định hình năng lực thích nghi của họ với khí hậu đang thay đổi, và dẫn tới những kiến thức cụ thể về cách thức gây ảnh hưởng tới môi trường. Khi những sự bất bình đẳng này giữa nam giới và phụ nữ được xóa bỏ, khi năng lực và tri thức cụ thể được thúc đẩy, tiềm năng toàn diện để đóng góp vào cuộc chiến chống BĐKH của họ có thể được khai mở. Trong Luật BVMT năm 2020, BĐKH là một trong các chính sách chính được sửa đổi, bổ sung.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã sớm thể hiện sự cam kết liên tục với vấn đề BĐKH, thông qua việc tham gia vào các tiến trình quốc tế và đưa ra một khung chính sách quốc gia lớn về BĐKH, thiên tai và tăng trưởng xanh. Các văn bản chính sách chính bao gồm: Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) và Kế hoạch Hành động (2012); Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH (2008); Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 (2007); Chương trình quốc gia về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (2009); Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2012) và Kế hoạch Hành động (2014). Bắt nguồn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, rất nhiều kế hoạch hành động của các Bộ, ngành đã được xây dựng. Đà phát triển của các chính sách về BĐKH và sự dịch chuyển sang mô hình kinh tế tăng trưởng xanh vẫn diễn ra liên tục trong những năm gần đây. Ngày 3/6/2013, Trung ương Đảng đã phê duyệt Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”. Đây là văn bản chính trị cấp cao nhất và là chỉ thị cho tất cả các luật và các chính sách liên quan đến BĐKH đi theo định hướng chung. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng tăng thẩm quyền pháp lý cho vấn đề này. Ngoài ra, một loạt các luật và văn bản quy phạm pháp luât mới đã được ban hành như: Luật Phòng, chống thiên tai (2013); Luật BBVMT (2014); và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (2014). Một số Bộ đã xây dựng, cập nhật hoặc chuẩn bị hoàn thiện các chiến lược và kế hoạch của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó, phục hồi và thích nghi của khu vực thành thị và bảo tồn đa dạng sinh học.
Quang cảnh Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam tham gia hành động ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại Hà Nội, ngày 9/11/2021
Tuy nhiên, phải đến Luật BVMT năm 2020 mới bổ sung quy định mới về thích ứng với BĐKH bao gồm đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro do BĐKH, tổn thất và thiệt hại do BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và đối tượng người dân dựa trên cơ sở kịch bản BĐKH và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; đúc kết và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng, tự nhiên và hệ sinh thái. Cụ thể, về khái niệm thích ứng với BĐKH “Thích ứng với BĐKH là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại” (Khoản 1, Điều 90). Nội dung thích ứng với BĐKH bao gồm: “Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản BĐKH và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị; Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH” (Khoản 2, Điều 90). Nội dung lồng ghép ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch bao gồm: “Kịch bản BĐKH và tác động của BĐKH được sử dụng trong việc xác định mục tiêu dài hạn của chiến lược, quy hoạch; Các giải pháp ứng phó với BĐKH được lồng ghép vào nội dung của chiến lược, quy hoạch; Kết quả phân tích, đánh giá giải pháp ứng phó với BĐKH được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch”.
Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 cũng đề cập đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và nội dung thích ứng với BĐKH. Cụ thể, về phía Bộ TN&MT, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm “Tổ chức thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH và định kỳ rà soát, cập nhật 05 năm một lần; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia; tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu; Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia” (Khoản 3, Điều 90). Với những quy định này, vấn đề BĐKH, giới và vai trò của cộng đồng tiếp tục được khẳng định, nêu rõ ở cấp độ luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các chính sách, chiến lược, chương trình lồng ghép về giới, cộng đồng và BĐKH cả ở quy mô quốc gia, ngành, vùng và địa phương.
Giới và BĐKH là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Để biến tham vọng được thể hiện trong các chính sách và chiến lược cấp cao thành tác động tại cộng đồng, để thúc đẩy các chính sách và chương trình lồng ghép giới và BĐKH tại Việt Nam, để biến lời nói thành hành động cần thực hiện một số giải pháp sau: Xóa bỏ dần quan điểm nhìn nhận phụ nữ như một “nhóm dễ bị tổn thương” khi xây dựng hoặc sửa đổi các chính sách/ chương trình và tích cực xóa bỏ các định kiến về giới trong tất cả các công việc liên quan; Thường xuyên thực hiện phân tích giới để cung cấp thông tin hỗ trợ quá trình xây dựng hoặc cập nhật các chương trình/ chính sách mới về BĐKH; Đảm bảo sự tham gia của các chuyên gia về giới, lãnh đạo nữ và đại diện cộng đồng là nữ khi tiến hành phân tích rủi ro thiên tai, lập kế hoạch và ưu tiên đầu tư; Tăng cường lồng ghép giới vào các chính sách và chương trình thích ứng BĐKH, tăng trưởng xanh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (cũng như trong các hướng dẫn và tài liệu đào tạo), thông qua lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu và chỉ số về giới vào tất cả các nội dung…
Hương Đỗ