Banner trang chủ

Lấy ý kiến cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

14/07/2023

    Nhằm lấy ý kiến cộng đồng về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật BVMT năm 2020, ngày 6/7/2023, tại tỉnh Hưng Yên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, chia sẻ và lấy ý kiến cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật BVMT năm 2020”.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xá cho biết, trong những năm qua, Nhà nước rất quan trọng về công tác quản lý tài nguyên môi trường, BVMT. UBND xã Vĩnh Xá nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung cũng đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn giữ gìn vệ sinh chung, giảm rác thải và ô nhiễm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Xá đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn đến các hộ gia đình, người dân, qua đó, tận dụng những loại rác thải có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại, cao su, thủy tinh… để chế tạo thành những thành phẩm, hoặc dùng chế phẩm sinh học biến rác thải hữu cơ thành phân vi sinh phục vụ chăm bón cây trồng… Vì vậy, Hội nghị ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn, tác động sâu sắc tới nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), đưa Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tiễn trong cộng đồng, nhân dân.

    PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Khoa Môi trường - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vấn đề môi trường và kiên quyết không đánh đổi môi trường vì kinh tế. Vì vậy, trong Luật BVMT 2020 đã có nhiều chính sách mới, nội dung mang tính đột phá, trong đó, lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT như phải được tiếp cận thông tin, là đối tượng được tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng trong hoạt động BVMT. Do đó, rất cần phổ biến cho người dân nắm rõ quy định trong Luật BVMT 2020 để áp dụng vào thực tế.

    Luật BVMT cũng đưa ra nhiều điểm mới như coi rác thải là tài nguyên (đồ dùng, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng…); người dân phải nộp tiền theo giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định theo khoản 1 điều 75 Luật BVMT 2020 thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thu phí xử lý rác thải rắn sinh hoạt (sẽ được áp dụng trong Luật BVMT từ ngày 1/1/2025), vì vậy, ngay từ bây giờ phải phổ biến, hướng dẫn cho người dân phân loại rác như thế nào để vừa BVMT và vừa  giảm được chi phí phải trả cho dịch vụ môi trường.

    Đề cập đến vấn đề sử dụng, phân loại rác là túi ni lông sử dụng 1 lần, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, việc dùng túi ni lông đã hình thành một thói quen khó bỏ trong cộng đồng, xã hội, đã gây nên tình trạng khối lượng chất thải loại này ngày một gia tăng; việc xử lý theo biện pháp chôn lấp những CTRSH vô cơ khó phân hủy sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức chịu tải của môi trường. Từ kinh nghiệm của các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… sử dụng túi ni lông đã được tính phí rất cao để BVMT một cách triệt để, do đó, Việt Nam cũng cần áp dụng những kinh nghiệm nước ngoài trong việc giải quyết tình trạng phát sinh túi nilon, bảo vệ sức chịu tải của môi trường.

    Đối với trường hợp người dân mở trang trại chăn nuôi như chăn nuôi lợn, bò… cần phải tái sử dụng tuần hoàn nước thải, chuồng trại cách xa nơi sinh sống của người dân ít nhất 400 m, xây dựng bể chăn nuôi, vận hành, thử nghiệm quan trắc môi trường phải đạt chuẩn, khi đó người dân mới được cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi.

    Tại Hội nghị, PGS.TS Hồng Hạnh cũng chia sẻ thêm về quá trình ủ phân CTRSH hữu cơ (thực phẩm, thức ăn, rau củ quả thừa…) giúp các hộ gia đình có thể xử lý chất thải thực phẩm tại nhà, trong đó cần chuẩn bị thùng chứa (từ 160 - 300 lít), có những lỗ nhỏ bên cạnh thùng, đường kính 0,5 - 1 cm để không khí có thể lùa vào các lỗ nhỏ, khi cho chất thải sau phân loại vào thùng sẽ phải đậy nắp, lượng rác trong khoảng 2 - 3 ngày rải 1 lượng đất mỏng để làm ướt chế phẩm, sau đó từ khoảng 30 - 45 ngày hoặc tối đa 3 tháng, chất thải phân hủy thành phân vi sinh có thể lấy phân ủ để chăm bón cây trồng. Đặc biệt đối với củ sắn dây và khoai sọ sau khi sử dụng phân vi sinh chăm tưới sẽ đạt được năng suất rất cao.

    Hội nghị cũng ghi nhận được những ý kiến, phản hồi tích cực từ người dân xã Vĩnh Xá trong việc quản lý cũng như xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật BVMT năm 2020 trong cộng đồng và trong hộ gia đình.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn