24/11/2022
Trong khuôn khổ Hội nghị COP 27 đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ TN&MT Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Phát triển năng lượng bền vững tổ chức sự kiện “Làm mát bền vững - Công cụ đa mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0”, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng” nhằm nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực làm mát hiệu quả, thân thiện với khí hậu đóng góp vào việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; đề xuất các bước làm mát bền vững trên toàn cầu cho tất cả các lĩnh vực; thảo luận về các cơ hội để đẩy nhanh hành động thông qua chuyển giao công nghệ, đổi mới, tăng cường năng lực, hỗ trợ chính sách và tài chính có mục tiêu; kêu gọi tăng cường công nhận làm mát bền vững là ưu tiên giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh sự kiện
Lĩnh vực làm mát có thể cứu được mạng sống con người đồng thời cũng giúp góp phần ứng phó với sự nóng lên toàn cầu. Các thiết bị làm mát sử dụng môi chất lạnh tạo ra khí nhà kính gây ra gánh nặng gấp đôi cho biến đổi khí hậu. Theo kịch bản phát triển thông thường, phát thải khí nhà kính lĩnh vực này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và tăng gấp 3 vào năm 2050.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT Việt Nam, việc phát thải trực tiếp và gián tiếp các môi chất lạnh trong lĩnh vực làm mát đã được xem xét trong NDC cập nhật của Việt Nam, cũng như trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Năm 2020, với sự hỗ trợ của Chương trình Làm mát hiệu quả Kigali và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động làm mát quốc gia giai đoạn 2019-2030. Kế hoạch đề ra lộ trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực làm mát, trọng tâm là điều hòa không khí dân dụng. Trong thời gian tới, Việt Nam phối hợp với Ủy hội Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) và UNEP đang có kế hoạch mở rộng Kế hoạch hành động làm mát quốc gia, bao gồm các nội dung khác như chuỗi cung ứng lạnh thực phẩm và hệ thống làm mát tòa nhà/công trình.
Để đạt được hiệu quả làm mát bền vững, theo ông Phạm Văn Tấn, điều quan trọng là cần có nỗ lực từ nhiều bên liên quan, xây dựng chính sách và quy định quốc gia, lựa chọn công nghệ phù hợp và bảo trì thiết bị làm lạnh.
Tại sự kiện, các bên đã cùng thảo luận để tăng cường hơn nữa vai trò của lĩnh vực làm mát trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia…
Trần Hương