02/11/2021
Trong giai đoạn vừa qua, ngành Công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng và trở thành động lực chính tăng trưởng kinh tế của đất nước. Cơ cấu công nghệ trong sản xuất công nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tuy nhiên do mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng nhiều, gây ra mức phát thải cao. Để phát triển công nghiệp xanh, Việt Nam ngày càng đề cao các hoạt động cắt giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình sản xuất. Qua kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới thực hiện các chính sách xanh sẽ là bài học giúp Việt Nam hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp xanh hiệu quả.
Đặc khu kinh tế xanh tại TP. Quảng Châu, Trung Quốc
Kinh nghiệm thực hiện công nghiệp xanh của một số quốc gia
Hàn Quốc: Là quốc gia châu Á đi đầu về phát triển xanh và coi tăng trưởng xanh là một phần trong chiến lược quốc gia. Chiến lược Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được công bố vào 8/2008, gồm ba yếu tố: Công nghiệp, năng lượng và đầu tư. Chiến lược này nhằm duy trì quy mô hoạt động sản xuất kinh tế để tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường lên các nguồn năng lượng và tài nguyên, đồng thời chuyển đổi đầu tư sang các hoạt động môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Để hiện thực hóa Chiến lược, Hàn Quốc đã ban hành gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới” (tháng 1/2009) trị giá 50 nghìn tỷ won trong 4 năm với 9 dự án xanh, tạo 956 nghìn việc làm. Cũng trong tháng 1/2009, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh” kêu gọi tăng 2 lần chi phí cho công nghệ xanh, tập trung vào các lĩnh vực như: Tái sử dụng rác thải, chế tạo và sử dụng pin năng lượng mặt trời, dự đoán biến đổi khí hậu, lưu giữ các bon (2).
Năm 2010, nước này đã công bố “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp xanh”, xác định một kế hoạch chi tiết các chính sách tăng trưởng xanh, tạo ra mô hình phát triển mới của quốc gia. Mục tiêu chung của Chiến lược là trở thành nền kinh tế tăng trưởng xanh lớn thứ 7 thế giới vào năm 2020 và thứ 5 về năng lượng xanh vào năm 2050. Thực hiện Chiến lược, Hàn Quốc đã lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực như thép, đóng tàu, ô tô, hóa dầu, dệt may… để triển khai thực hiện áp dụng công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay đổi toàn bộ quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường.
Từ năm 2011, Hàn Quốc chi khoảng 60 tỷ USD trong 5 năm cho phát triển xanh, tạo hơn 1,8 triệu việc làm. Cũng trong giai đoạn này, Hàn Quốc xây dựng hệ thống “thẻ thanh toán xanh” để kích thích tiêu thụ hàng hóa xanh. Với sự hỗ trợ của thẻ này, việc sử dụng hàng hóa xanh và sản phẩm tiết kiệm năng lượng ngày càng được phổ biến ở quốc gia này.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng phát động Chương trình xây dựng hệ thống “vận tải xanh”, đến nay, nhiều tuyến đường sắt thải ít phát thải khí các bon và hơn 3.000 km đường xe đạp; khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng tiết kiệm năng lượng được xây dựng. Nhờ việc thực hiện hiệu quả Chương trình này, năm 2020, Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu cắt giảm 30% khí CO2 và đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, góp phần giải quyết được các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.
Đan Mạch: Là quốc gia Bắc Âu, Đan Mạch đề ra mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới. Năm 1979, Đan Mạch đã thông qua Luật về Cung cấp nhiệt và khí thiên nhiên, Luật Trợ cấp năng lượng thay thế, đồng thời, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các hộ gia đình, khuyến khích DN phát triển các giải pháp tăng trưởng xanh. Đan Mạch phấn đấu đến năm 2020, giảm thêm 12% tiêu dùng năng lượng và năm 2050, trở thành nền kinh tế không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ và Hiệp hội công nghiệp đại diện cho gần 450 công ty phân phối năng lượng đã ký Thỏa thuận hiệu suất năng lượng. Theo đó, các công ty năng lượng phải tiết kiệm năng lượng trong khâu tiêu thụ cuối cùng, với mục tiêu cụ thể đối với từng ngành. Thêm vào đó, Thỏa thuận còn giúp tạo ra hơn 1.200 DN công nghệ sạch. Hiện Đan Mạch đang thực hiện Thỏa thuận năng lượng thứ hai, với mục tiêu tiết kiệm thêm 2,7 tỷ đô la Mỹ và tăng 1,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư cho các sản phẩm công nghệ sạch.
Hiện nay, nhiều dự án điện gió lớn cũng được Chính phủ Đan Mạch triển khai, theo đó, trong năm 2020, Chính phủ đã tăng gấp đôi công suất năng lượng gió lên tổng số là 42% trong tổng công suất sản xuất năng lượng thông qua việc xây dựng các tua bin gió ngoài khơi tại Trang trại gió Kriegers Flak. Hiện nay, Chính phủ Đan Mạch đang có kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo với Công viên điện gió khổng lồ trên biển. Dự án này có tổng giá trị đầu tư từ 200 - 300 tỷ Kron Đan Mạch, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030.
Ngoài ra, Chính phủ Đan Mạch cũng khuyến khích việc chuyển đổi sang phát triển điện sinh khối tại các thành phố lớn, tăng lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả. Để triển khai các chính sách trên, Chính phủ đã phê duyệt nguồn tài chính hỗ trợ phát triển sản xuất khí sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sử dụng khí sinh học trong công nghiệp; thay thế than bằng sinh khối; nghiên cứu xác định vị trí thích hợp để xây dựng thêm các tua bin gió ngoài khơi; tài trợ các dự án xây dựng nhà máy cấp nhiệt lớn…
Trung Quốc: Là quốc gia có lượng phát thải cao nhất trên thế giới, hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế về yêu cầu giảm mức khí thải. Trong khi đó, quốc gia này cũng phải cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế hằng năm 7%, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả leo thang và nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao.
Kế hoạch 5 năm mới đây nhất của Trung Quốc mang đầy tham vọng với cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng (năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP) xuống 16% và giảm cường độ phát thải CO2 (CO2 phát thải trên một đơn vị GDP) xuống 17% so với năm 2010. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng với mức tăng trưởng hằng năm 15% và mức tổng sản lượng đạt 720 tỷ USD trước năm 2015 (tương đương 2% GDP).
Để đạt được kế hoạch đề ra, Trung Quốc đã tập trung áp dụng chính sách tăng trưởng xanh, tập trung vào 6 nhóm chính sách chủ yếu sau: Chính sách về năng lượng, chính sách công nghiệp, chính sách thị trường, chính sách tiêu dùng với sự tham gia trực tiếp của khu vực công trong thực hiện các hành động xanh và luật về mua sắm công xanh, chính sách về đầu tư (như đầu tư công về hạ tầng năng lượng), các chính sách về đổi mới công nghệ xanh trong công nghiệp và năng lượng, cuối cùng là các các chính sách quản lý (5).
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các chương trình kích thích, chuyển đổi xanh cho ngành công nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đầu tiên là Chương trình Khu công nghiệp sinh thái, được khởi xướng vào năm 2003 nhằm thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình "tiết kiệm tài nguyên" và "sản xuất sạch", hay xây dựng các khu công nghiệp mới dựa trên sự "cộng sinh công nghiệp" và nguyên tắc sản xuất sạch. Trên nền tảng đó, mô hình Khu công nghiệp "kinh tế tuần hoàn" (CEDIP) được Chính phủ giới thiệu vào năm 2005, dựa trên nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R) và giảm phát thải. Theo đó, mô hình "kinh tế tuần hoàn" chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Đây là cơ sở để Trung Quốc tiếp cận nền "kinh tế tuần hoàn" song song với việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhờ vào sự thúc đẩy mạnh mẽ của cấp Trung ương, các chương trình đều đạt được thành công nhất định. Nội dung "kinh tế tuần hoàn" và chuyển đổi công nghiệp xanh đã thể hiện rõ vai trò, cũng như sự quản lý sát sao của các cấp chính quyền. Các thông điệp nhất quán tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận các chương trình, cũng như sự tham gia tự nguyện của các chính quyền địa phương. Chính phủ cũng cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng tham gia thành công. Thay vì chỉ tập trung vào trợ cấp tài chính hay giảm thuế, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hợp lý, đồng thời, xây dựng cơ chế thị trường phù hợp. Đến nay, nỗ lực xanh hóa nền công nghiệp thực sự có ý nghĩa đối với Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu của Trung Quốc.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng rõ nét, do đó xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có được coi là nhiệm vụ cần thiết và là chìa khóa giảm nhẹ BĐKH, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Với những chính sách phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường ở các nước, Việt Nam có thể học hỏi để vận dụng vào điều kiện thực tế.
Để thực hiện xanh hóa các ngành công nghiệp, Chính phủ có vai trò then chốt trong việc phát triển hệ thống chính sách trong suốt giai đoạn đầu của quá trình. Các điểm chính cần được xem xét trong việc phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, bao gồm: Khả năng hiện có và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cần được xem xét trong sự phát triển của một ngành công nghiệp xanh; Việc đánh giá về triển vọng tổng thể và mức độ sẵn sàng suốt chuỗi giá trị cần được tiến hành; Thông tin phản hồi nên được trưng cầu trong suốt quá trình phát triển; Sự tham gia hợp tác của các tổ chức nghiên cứu và công ty tư nhân là cần thiết để đảm bảo sự nhất quán về tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu, thách thức của mục tiêu và các chỉ số đề ra cùng với báo cáo đánh giá hiệu quả phương hướng và kết quả hoạt động. Cùng với đó, cơ chế cạnh tranh sẽ khuyến khích sự phát triển nền công nghiệp xanh khi các doanh nghiệp liên tục đổi mới sáng tạo công nghệ và sản phẩm của họ để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh. Cơ chế cạnh tranh sẽ khuyến khích sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp xanh khi các doanh nghiệp liên tục đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, một điều kiện quan trọng là, Việt Nam phát triển nền công nghiệp xanh phải tương thích và tuân thủ với những quy định về công nghiệp xanh trên thế giới. Vì nền kinh tế xanh là mục tiêu toàn cầu của nhiều quốc gia trên thế giới, do đó, để tạo sự cân bằng trong phát triển, những thỏa thuận môi trường quốc tế sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt thương mại đối với nền kinh tế không tuân thủ các chính sách kinh tế xanh.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích của tăng trưởng xanh với nền kinh tế và môi trường, gắn kết các thành phần xã hội từ cấp độ cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới nền kinh tế. Trong tương lai, Chính phủ cần có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia và tận dụng lợi ích từ các dự án chuyển đổi xanh trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới.
Phùng Thị Quỳnh Trang
Học viện Phụ nữ Việt Nam
Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)
TÀI LIỆU THAM KHẢO