07/07/2021
Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là giải pháp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn, từ đó giảm gánh nặng chi phí bệnh tật cho người dân và ngay trước mắt là giảm tai nạn giao thông. Song, để việc kiểm soát khí thải đạt hiệu quả là câu chuyện dài, đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp với lộ trình cụ thể.
Nhiều chương trình, đề án nhưng...
Theo đại diện Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay chủ yếu từ 3 nguồn: Hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông lớn nhất bởi cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy dẫn đến khí thải độc hại ra môi trường rất lớn. Mặc dù từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định triển khai đề án Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn; đến năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Song, đến nay việc kiểm tra khí thải mới chỉ được thực hiện đối với những xe nhập khẩu, sản xuất mới, còn đối với những phương tiện đang sử dụng vẫn chưa được triển khai.
Theo thống kê, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng mô tô, xe máy có thời gian sử dụng từ 5 năm trở lên chiếm tỷ lệ lớn. Kết quả kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành do Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải hợp tác với Hiệp hội các nhà máy sản xuất xe máy thực hiện cho thấy, các xe trên 5 năm sử dụng có xu hướng không đạt tiêu chuẩn khí thải nếu không được bảo dưỡng định kỳ đúng cách. Tỷ lệ này đối với những xe sử dụng trên 10 năm là gần 40% tại TP. Hồ Chí Minh và 42,6% ở Hà Nội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải chiếm tỷ lệ lớn trong gần 8 triệu xe máy; trong đó, lượng xe máy đã sử dụng hơn 10 năm chiếm tỷ lệ 67,89%. Ðây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Theo tính toán, thành phố không kiểm soát khí thải xe máy, hàng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này là 68.479 tấn/năm với khí CO, tương ứng mức gia tăng là 15,88%; với HC là 4.475 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 12,85%.
Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí (Ảnh: ITN)
Chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải Lê Quý Thủy cho biết, những phương tiện sử dụng trên 10 năm thải ra các khí độc vượt ngưỡng nhiều gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy dù có bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng hầu như chưa quan tâm đến khí thải của phương tiện có đạt tiêu chuẩn hay không. Trong khi, việc bảo dưỡng phương tiện như thay lọc gió, bugi, dầu bôi trơn làm giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường và tiết kiệm nhiên liệu, tỷ lệ lỗi khí thải của phương tiện xe máy trước khi bảo dưỡng và sau khi bảo dưỡng có sự khác biệt rõ rệt.
Kiểm định phương tiện là chìa khoá?
Ông Đinh Trọng Khang - Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải cho rằng, do vướng các quy định của pháp luật như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định bảo đảm an toàn kỹ thuật cho phương tiện đang lưu hành nhưng không ghi rõ phải kiểm tra khí thải xe máy đã dẫn đến lúc triển khai rất khó để thực hiện. Chuyên gia môi trường Chu Mạnh Hùng cũng cho rằng, dù đã có những đề án, những kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy, nhưng sẽ khó triển khai nếu không cụ thể hóa, không đưa ra được những giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế.
Kiểm soát khí thải xe máy vốn là một giải pháp góp phần vào việc cải thiện chất lượng môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn, từ đó giảm gánh nặng chi phí bệnh tật cho người dân và ngay trước mắt là giảm tai nạn giao thông. Song, với hơn 60 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, việc kiểm soát khí thải đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp với lộ trình cụ thể.
Cụ thể, để thực hiện việc kiểm soát khí thải xe máy cần đi kèm với kiểm định phương tiện và mạng lưới cơ sở kiểm định. Theo đó, nên bắt đầu bằng siết chặt tiêu chuẩn khí thải từ khâu sản xuất và nhập khẩu, để các xe mới đưa vào lưu hành sẽ bảo đảm thân thiện với môi trường. Còn với các phương tiện đang lưu hành, một tiêu chuẩn khí thải thống nhất là cơ sở để người dân chấp hành, cũng là căn cứ để lực lượng chức năng theo dõi, kiểm tra.
Ngoài ra, do việc kiểm soát chưa hiệu quả khí thải từ các phương tiện giao thông đã dẫn đến việc ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương thời gian qua có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Do đó, cùng với việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, mỗi địa phương cần chủ động có những giải pháp quản lý khí thải xe máy riêng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc BVMT sống.
Đức Anh (Theo daibieunhandan.vn)
Cùng với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu và bổ sung Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi về quy định kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy, Bộ TN&MT đang xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có mô tô, xe gắn máy. |