Banner trang chủ

Kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm trách nhiệm và bền vững của Việt Nam đến năm 2030

10/11/2023

    Ngày 10/11/2023, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 300/QĐ –TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu của Hội nghị nhằm thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam; trao đổi, tham vấn về việc thành lập “Đối tác hệ thống thực phẩm” và các Tổ công tác kỹ thuật; xhia sẻ, giới thiệu hoạt động của các Đối tác tiềm năng trong thực hiện Kế hoạch chuyển đổi hệ thống LTTP…

    Thực trạng hệ thống LTTP ở Việt Nam hiện nay

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam là quốc gia có diện tích đất đai không lớn với 33 triệu ha, trong đó 10,3 triệu ha có thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 12% GDP của quốc gia (2022). Riêng 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của nước ta đạt 43,08 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ vấn đề nội tại lẫn yếu tố khách quan: Quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới; người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô… Bên cạnh đó, thái độ, hành vi và nhận thức của người tiêu dùng - chủ thể và trung tâm của hệ thống LTTP còn hạn chế về dinh dưỡng, tiêu dùng xanh, có trách nhiệm, về chống thất thoát lãng phí thực phẩm, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng đồng thời về dinh dưỡng, đó là thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao ở khu vực vùng miền núi, vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng tại khu vực thành thị…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Hội nghị

    Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc, để giải quyết bài toán này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các tác nhân trong hệ thống LTTP, nhằm tạo ra những thay đổi bền vững, sâu rộng của cả hệ thống. Vì vậy, Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP một cách trách nhiệm và bền vững. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thành lập “Đối tác chuyển đổi hệ thống LTTP”, các “Tổ công tác kỹ thuật chuyên đề” để hỗ trợ, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cùng các địa phương triển khai Kế hoạch hành động, đồng thời huy động các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các đối tác quốc tế và trong nước.

    Trưởng đại diện Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) Rémi Nono Womdim chia sẻ, FAO rất vinh dự được cùng với các bên liên quan tham gia vào quá trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP và sẵn sàng hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện Kế hoạch này, tập trung vào bốn trụ cột: Khoa học, đổi mới và dữ liệu; Chính sách, chiến lược và các chương trình; Tài chính; Quan hệ đối tác”.. Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta cần chuyển đổi hệ thống LTTP để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả mọi người, bền vững về mặt kinh tế, toàn diện và có tác động tích cực đến khí hậu, môi trường - Trưởng đại diện Rémi Nono Womdim nhấn mạnh và đặt niềm tin vào sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, phát huy lợi thế sẵn có để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

    Một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP

    Hội nghị đã lắng nghe các chuyên gia trình bày tham luận về: Cập nhật triển khai Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống LTTP; chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP; thất thoát và lãng phí lương thực thực thẩm ở Việt Nam; Giới thiệu về hoạt động Hồ sơ hệ thống LTTP - Chương trình ASEAN-CGIAR; hỗ trợ của Liên hợp quốc trong triển khai thực hiện Kế hoạch hành động…

Toàn cảnh Hội nghị

    Trong phần thảo luận, các chuyên gia, cơ quan quản lý, đối tác song phương, đa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan về chế độ ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; tiêu dùng xanh và chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam; thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm ở Việt Nam; hỗ trợ của Liên hợp quốc trong triển khai Kế hoạch... để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng để triển khai Kế hoạch trong thời gian tới.

    Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ một số nội dung  trọng tâm mà Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác cùng các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống LTTP trong thời gian tới, cụ thể:

    Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững; chú trọng sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế nông thôn; BVMT sinh thái, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học… Coi đây là cơ hội để phát triển nền kinh tế “xanh”, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và việc làm mới theo hướng “xanh hóa”, đổi mới và phát triển “thuận thiên”.

    Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn phục vụ phát triển kinh tế nông thôn: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; xem xét, lồng ghép bình đẳng giới; củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nâng cao vai trò của hợp tác xã nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện cụ thể; thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình đầu tư hợp tác công - tư.

    Thứ ba, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới. Gắn kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu của doanh nghiệp, của hệ thống LTTP và của cả nền kinh tế; Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm sáng tạo về Hệ thống LTTP (Food Innovation Hub) của khu vực châu Á; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khai thác các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh ở Việt Nam.

    Thứ tư, xây dựng và cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia, làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối; tăng cường giáo dục để tạo thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng tiết kiệm. Giảm thất thoát và lãng phí LTTP trên toàn chuỗi thực phẩm.

    Thứ năm, tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững: Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển nhanh trên thế giới khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh”, “sạch”, gắn với phát triển bền vững. Chúng ta cần tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

    Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg  về “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, với 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: 1) Rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; 2) Phát triển hệ thống cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; 3) Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; 4) Phát triển hệ thống chế biến và phân phối LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; 5) Thúc đẩy thực hành tiêu dùng LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

    Hệ thống LTTP của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu, gồm: 1) Tiếp tục chuyển đổi thành quốc gia cung ứng LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu; 2) Thích ứng thông minh với khí hậu, bảo vệ tài nguyên, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; 3) Cung cấp nguồn sinh kế bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn