Banner trang chủ

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2021: Công nghệ - Công cụ - Chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững

07/06/2021

Sản xuất thực phẩm bền vững: Những thách thức

     Hiện nay, chúng ta đang lo lắng hơn bao giờ hết về nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ hàng ngày, chúng được gieo trồng như thế nào và có tác động thế nào tới môi trường. Sự bền vững trong các hệ thống thực phẩm đang trở thành một vấn đề được quan tâm và là kỳ vọng xã hội nói chung chứ không chỉ là một lời kêu gọi. Kỳ vọng đó ngày một tăng cao là do quan ngại về tài nguyên thiên nhiên đang ngày một suy kiệt, chúng ta đang tập các chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn và sự nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của sản xuất lương thực đối với môi trường xung quanh.

Mức độ nhận thức đó tăng cùng lúc với dân số toàn cầu tăng. Ước tính đến năm 2050, sẽ có hơn 9 tỷ người trên trái đất. Điều này có nghĩa là sản lượng lương thực sẽ cần tăng song song để đáp ứng nhu cầu. Trong báo cáo “Cách thức để Nuôi sống Thế Giới tới năm 2050”, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo rằng để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại. 


Để đủ lương thực cho dân số toàn cầu vào năm 2050, tổng sản lượng thực phẩm cần có sẽ phải tăng thêm 70% so với hiện tại (Nguồn: FAO)

     Thực tế là, để tăng sản lượng lương thực của toàn thế giới lên 70%, thì sản lượng canh tác được tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước tại Nam Á và Đông Nam Á sẽ cần phải tăng gần gấp đôi. Và để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó, 80% mức tăng cần thiết sẽ phải tạo ra từ tăng năng suất và cường độ canh tác dày hơn - và chỉ 20% đến từ việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Có lẽ, công nghệ sẽ là một giải pháp chủ chốt giải quyết các thách thức này.

Bài học từ COVID-19

     Đại dịch toàn cầu đã làm trầm trọng thêm những lỗ hổng sẵn có trong hệ thống cung cấp thực phẩm trên khắp châu Á, đồng thời cũng làm lộ ra những lỗ hổng mới. Một ví dụ có thể kể tới là những gì đã xảy ra ở Malaysia.

     Khi dịch COVID-19 tấn công Malaysia vào năm 2020, chính phủ đã áp dụng triển khai các quyết định hạn chế di chuyển. Điều này không may đã vô tình dẫn đến sự gián đoạn trong toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản - và những hình ảnh đau lòng đã xuất hiện khi rất nhiều nông dân, không còn cách nào khác, phải đổ bỏ trái cây và rau quả vì thiếu phương tiện vận chuyển. Nông dân và ngư dân trên toàn quốc sau đó đã chuyển sang sử dụng mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử để khắc phục các quy định hạn chế di chuyển;  và nhiều bằng chứng đã cho thấy, công nghệ đang dần bén rễ trong các hoạt động của nông dân.

     Theo Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm quốc gia (MAFI), ba nền tảng thương mại điện tử (Agro Bazaar Online, Nekmatbiz và e-peladang) đã ghi nhận doanh thu khoảng hơn 300 triệu ringgit Malaysia từ các sản phẩm nông sản (tương đương khoảng 73 triệu đô la Mỹ). 

Kỹ thuật số và Drone

     Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ - và điều này đã thúc đẩy năng lực của nông dân. Ngày càng có nhiều nền tảng nông nghiệp chính xác đang cung cấp trực tiếp cho nông dân công cụ, dữ liệu và những phân tích có ý nghĩa. Nhiều trong số đó - cùng với thực hành phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nông nghiệp không cày xới, các hoạt chất sinh học, hóa chất xanh và thực hành canh tác có trách nhiệm - đang cho phép nông dân không chỉ tăng năng suất mà còn bảo vệ đa dạng sinh học và các vùng đất tự nhiên.


Quá trình số hoá nông nghiệp đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy năng lực của nông dân (Nguồn: CropLife Asia)

     Cùng lúc đó, việc sử dụng máy bay không người lái – drone trong hoạt động phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang cho thấy đây là một công cụ hữu hiệu giúp nông dân giải quyết một số thách thức. Cụ thể, khi người trồng phải đối mặt với áp lực sâu bệnh ngày càng tăng, drone cho phép họ theo dõi sức khỏe cây trồng và chọn phun loại thuốc BVTV chính xác hơn. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, công nghệ này giúp giảm chi phí lao động và nhiên liệu đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào. Sử dụng drone để phun thuốc BVTV cũng giảm tiêu thụ nước và mức độ tiếp xúc của người vận hành.

Vai trò của Khoa học

     Một giải pháp công nghệ khác có thể giúp chúng ta sản xuất nhiều lương thực theo cách thức bền vững hơn đó là khoa học thực vật.

     Những đổi mới về khoa học thực vật tiếp tục cho phép nông dân sản xuất thực phẩm an toàn và bổ dưỡng hơn đồng thời hạn chế bớt ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) đã được phát triển với các đặc tính cải tiến như tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và/hoặc cải thiện hàm lượng dinh dưỡng hay cho phép hấp thụ cacbon trong đất thông qua các hoạt động như canh tác không cày xới. Các đặc tính CNSH trên các cây trồng chủ lực như ngô, lúa và bông đã giúp tiết kiệm nước và thậm chí vẫn cho ra năng suất tăng trong điều kiện hạn hán. Khi mà nền nông nghiệp truyền thống đang sử dụng khoảng 70% lượng nước sử dụng trên toàn cầu - sự phát triển đó là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

     Một công cụ khoa học thực vật quan trọng khác giúp chúng ta giải quyết những thách thức toàn cầu đang tồn tại như mất an ninh lương thực, tác động môi trường và biến đổi khí hậu là việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm thuốc BVTV.

     Nông dân dựa vào những sản phẩm này để trồng nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và nâng cao năng suất trên mỗi ha. Nếu không có công cụ BVTV, 40% sản lượng lúa và ngô thu hoạch toàn cầu có thể bị mất hàng năm, và tổn thất đối với trái cây và rau quả có thể lên tới 50-90%. Khi được sử dụng đúng cách, thuốc BVTV cũng giúp bảo tồn môi trường. Chúng cho phép nông dân sản xuất nhiều cây trồng hơn trên một đơn vị diện tích với ít đất canh tác hơn, do đó giảm nạn phá rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế xói mòn đất. Chúng rất quan trọng để kiểm soát các loài xâm lấn và cỏ dại độc hại, đồng thời giúp nông dân sử dụng nước hiệu quả hơn bằng cách giảm khả năng hút ẩm của cỏ dại.

Khung Pháp lý Khoa học

     Một công nghệ cho dù có tầm quan trọng như thế nào đối với sản xuất thực phẩm và bảo vệ môi trường thì đều cần có các quy định pháp lý phù hợp để chúng có thể được nông dân tiếp cận và phát huy lợi ích trong thực tế.

     Cụ thể, một hệ thống pháp lý có tính khoa học, minh bạch và đáng tin cậy sẽ là nền tảng khuyến khích đổi mới công nghệ và quá trình nghiên cứu, đầu tư các doanh nghiệp trong khi vẫn cung cấp khung chuẩn về an toàn và tính bền vững. Ngược lại, việc thực thi không đầy đủ hoặc thiếu vắng hệ thống pháp lý này có thể tạo ra hiệu ứng ngược.

     Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6/2021, một thông điệp quan trọng là chúng ta không chỉ nêu bật vai trò của các công cụ và công nghệ sản xuất thực phẩm tiên tiến cho phép quản lý và bảo tồn tốt môi trường sống xung quanh - mà còn cần tiếp tục hỗ trợ các chính sách phù hợp để đảm bảo rằng những đổi mới mang tính chất bước ngoặt đó sẽ tới tay những người cần nhất và sẽ được hưởng lợi nhiều nhất - nông dân.

Phạm Đình

Ý kiến của bạn