07/12/2022
Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và xây dựng Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Đề án triển khai trên địa bàn TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện thí điểm, việc phân loại CTRSH tại nguồn đã đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức cộng động về phân loại CTRSH tại nguồn, tăng tỷ lệ tái chế, giảm diện tích chôn lấp rác thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác vận hành hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác phân loại CTRSH tại nguồn đã được quy định trong Luật BVMT năm 2020. Bài viết đánh giá kết quả triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn, những khó khăn, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.
Kết quả 5 năm triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn tại tỉnh Lào Cai
Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản, du lịch… Tuy nhiên, cùng với việc phát triển này thì môi trường đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Tại các khu đô thị, khu dân cư nơi tập trung mật độ dân số cao, thì việc xả thải chất thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH ở nhiều địa bàn nông thôn đang ngày càng nghiêm trọng. Ở một số địa phương, dù đã xây dựng bãi tập kết rác thải nhưng việc xử lý rác cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Giai đoạn trước năm 2015, công nghệ xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sử dụng bằng phương pháp đốt thủ công theo quy mô hộ gia đình và xử lý chôn lấp tại các bãi rác thải tập trung. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải chưa đảm bảo các yêu cầu về BVMT như chưa được gia cố, lót đáy, chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số bãi rác quá tải; người dân, tổ chức chưa có ý thức trong việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải; việc tận dụng và coi rác thải là nguồn tài nguyên để sản xuất và tái chế còn hạn chế...
Năm 2015 tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác thải tại TP. Lào Cai. Đây là Nhà máy có công nghệ hiện đại, với mục tiêu nhằm xử lý toàn bộ rác thải hữu cơ trên địa bàn 3 huyện, TP. Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát, đồng thời thu hồi các thành phần có thể tái chế nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, yêu cầu rác thải đầu vào khá khắt khe và phải được phân loại trước khi đưa vào Nhà máy. Trong khi thời điểm đó, toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, nên không phù hợp với yêu cầu đầu vào của Nhà máy xử lý rác thải đã đầu tư.
Nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, đảm bảo Nhà máy xử lý rác vận hành hiệu quả, bắt buộc rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào Nhà máy phải được phân loại tại nguồn, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Lào Cai, huyện Sa Pa, Bát Xát giai đoạn 2015-2020”.
Với quyết tâm chính trị của tỉnh nên Đề án được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, triển khai quyết liệt đến các cấp, các ngành và các địa phương (TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát). Thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc từ cấp tỉnh xuống cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng các chương trình, kế hoạch, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền cấp tỉnh, cấp huyện tập huấn cho cán bộ chủ chốt, tổ trưởng dân phố cách thức nhận biết và phân loại rác hữu cơ, vô cơ; vận động người dân ký cam kết thực hiện phân loại rác và mua thùng rác theo mẫu quy định; in phát tờ rơi, đề can phân loại rác cho người dân dán vào thùng rác; đẩy mạnh tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ trưởng dân phố trong việc vận động, kiểm tra, giám sát phân loại rác thải tại nguồn.
Nhân viên thu gom rác trên từng tuyến đường ở TP. Lào Cai
Trước đây, rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát vẫn thu gom lẫn rác hữu cơ và vô cơ, sau đó vận chuyển đưa bãi rác xã Đồng Tuyển TP. Lào Cai để xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa chất để diệt ruồi, khử mùi hôi. Điều đó ảnh hưởng đến nếp sống văn minh đô thị, chiếm dụng diện tích đất lớn cho chôn lấp rác, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, môi trường đất và khu vực dân cư xung quanh, xảy ra các khiếu kiện về môi trường của người dân.
Sau khi Đề án được triển khai, việc phân loại rác đi vào nề nếp và có những chuyển biến đáng kể. Trước hết phải kể đến sự vào cuộc, quyết tâm của hệ thống chính trị và doanh nghiệp, người dân. Vai trò của Ban Chỉ đạo được phát huy trong việc chỉ đạo, định hướng, lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, văn minh đô thị vào các chiến lược, quy hoạch, nghị quyết, trong các hội nghị, cuộc họp xem đây là nội dung hết sức quan trọng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương. Thành lập các tổ công tác để đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án tập trung vào các ngày lễ, tết trong năm. Kịp thời phát hiện và chỉ đạo quyết liệt những địa phương chưa triển khai thực hiện tốt phân loại rác như khu vực công cộng, các hộ thuê nhà, những ngõ nhỏ, dốc xe rác không vào được và các khu vực chưa có dịch vụ thu gom rác.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả công tác thu gom, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực môi trường như: Số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm quản lý khách hàng vệ sinh môi trường và thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử...
Về việc đánh giá chất lượng phân loại rác tại nguồn, Công ty đã cài đặt phần mềm giám sát phân loại rác tại nguồn trên điện thoại thông minh cho 200 công nhân thu gom rác trên các tuyến (chụp ảnh, tổng hợp những trường hợp xả rác sai giờ, không phân loại rác), định kỳ tổng hợp báo cáo gửi phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND các xã, phường 2 lần/tháng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện thí điểm việc phân loại CTRSH tại nguồn đã đạt kết quả khả quan. Năm 2016 khi triển khai thí điểm Đề án tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại tại 3 huyện/thị xã/TP đạt 50%, chất lượng phân loại đạt thấp 37%, đến năm 2020 tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại đạt 87%, chất lượng phân loại đạt 78%, tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm, chiếm 25%.
Tại TP. Lào Cai: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn năm 2016 đạt 50%, chất lượng phân loại 40% thì năm 2020 đã đạt 90% với chất lượng phân loại là 80%.
Thị xã Sa Pa: tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn: năm 2016 đạt 50%, chất lượng phân loại đạt 35% thì năm 2020 đã đạt 85%, chất lượng phân loại đạt 75%.
Huyện Bát Xát (triển khai từ tháng 01/2017): tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn: năm 2017 đạt 90%, chất lượng phân loại đạt 85% thì năm 2020 đạt 85% với chất lượng phân loại đạt 80%.
Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải của 3 địa phương thực hiện Đề án vượt mục tiêu đề ra: năm 2016, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt 19,5%, đến năm 2017 đạt 60%, năm 2018 đạt 75%, năm 2019 đạt 79% và năm 2020 đạt 81%.
Việc triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn góp phần giảm diện tích chôn lấp rác thải, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy xử lý rác thải TP. Lào Cai vận hành hiệu quả, chất lượng phân compost tốt hơn, từng bước đem lại nguồn thu cho công ty. Hiện nay, Lào Cai triển khai đồng bộ với phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó là thí điểm triển khai 42 mô hình xã hội hóa thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn một số xã.
Cùng với đó, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư các dự án, các mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xem xét đề xuất của Công ty TNHH Sa Mạc Xanh xin đăng ký cung cấp dịch vụ công ích về xử lý chất thải tại tỉnh Lào Cai với công nghệ chế biến rác thải bằng phương pháp khí hóa.
Chất lượng môi trường nông thôn về cơ bản được cải thiện thông qua việc tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 56/127 xã đạt tiêu chí môi trường, bằng 148% mục tiêu đề án.
Một số khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm rút ra
Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại CTRSH tại nguồn tại tỉnh Lào Cai trong 5 năm qua đã đem lại nhiều lợi ích đối với người dân. Nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, giúp giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp nên hạn chế nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, chất lượng đất. Tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp. Phân loại rác tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào Nhà máy xử lý rác sạch hơn, đảm bảo chất chất lượng phân tốt hơn (mịn và nhiều chất dinh dưỡng) do rác không bị lẫn nhiều, đồng thời giảm số lượng nhân công phân loại rác thủ công và chi phí phát sinh. Rác thải vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, cùng với nguồn thu từ sản xuất phân vi sinh sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động của Nhà máy cũng như giảm gánh nặng ngân sách để đầu tư cho xử lý rác thải.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số thách thức: Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu gom, xử lý rác tại các khu vực nông thôn. Hiện, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho việc thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực đô thị. Ngân sách nhà nước đầu tư còn hạn chế, chưa huy động được nhiều từ nguồn xã hội hóa. Thực tế qua số liệu cho thấy, tổng kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cấp cho các huyện thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải gấp 4 lần so với kinh phí thu từ dịch vụ thu gom, xử lý rác thải. Hầu hết các xã khu vực vùng cao chưa triển khai dịch vụ thu gom rác thải. Các hộ gia đình chủ yếu tự xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp tại chỗ, dẫn đến tỷ lệ rác được thu gom, xử lý thấp, nhiều nơi rác vứt bừa bãi tại các khu vực công cộng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Người dân chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải.
Hoạt động tái chế tại Nhà máy xử lý rác thải bước đầu đã đem lại nguồn thu, giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm phân bón chưa cạnh tranh được trên thị trường. Vì vậy, ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải bù đắp chi phí cho vận hành Nhà máy.
Mặt khác, quy hoạch ngành, lĩnh vực, dự án chưa có sự đồng bộ, đặc biệt quy hoạch không theo kịp tốc độ đô thị hóa và chưa đáp ứng nhu cầu về quỹ đất dành cho quy hoạch các ga rác; tuyến điểm thu gom dài ảnh hưởng lớn đến năng lực thu gom...
Chính sách hỗ trợ đầu tư cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, hỗ trợ tổ trưởng tổ dân phố trong việc tuyên truyền thực hiện Đề án còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động chưa thực hiện thường xuyên.
Từ kết quả trên, cho thấy, cần chú trọng cách thức quản lý rác như đổ rác, phân loại rác phải quy định bắt buộc, theo giờ nhất định. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Bởi lẽ, phân loại rác giúp không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, mà còn tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác, thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Ngoài ra, các tổ dân phố cần đưa nội dung phân loại rác thải sinh hoạt vào các tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa hoặc bình xét những nhiệm vụ chưa hoàn thành vào cuối quý hoặc cuối năm. Với cách làm đó, người dân sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của phân loại rác và nâng cao ý thức vì gia đình và cộng đồng.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Để tiếp tục triển khai hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật BVMT 2020, Lào Cai cần tiếp tục giảm dần phụ thuộc ngân sách nhà nước trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải và tiến tới thực hiện theo nguyên tắc “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT”. Việc phân loại rác thải phải trở thành phong trào toàn dân, triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh. Rác thải là nguồn tài nguyên phải được tận dụng tái chế, tái sử dụng. Sau đây là một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Rà soát các quy định về quản lý CTR tại địa phương đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Luật BVMT năm 2020, có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thói quen phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn, bao gồm: Các tổ chức, cơ quan, trường học, hộ gia đình, cá nhân, các khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh.
Nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình và cộng đồng dân cư về phân loại và xử lý CTRSH.
Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách trong công tác thu gom, xử lý rác thải; cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý, tái chế rác thải với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nguyễn Đình Đáp, Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Địa Lý nhân văn -Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Châu Loan
Tạp chí Môi trường
Tài liệu tham khảo
1.UBND tỉnh Lào Cai (2021), Tổng kết 05 năm triển khai Đề án Phân loại CTR sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát giai đoạn 2016-2020.
2.Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai (2022), Hiện trạng về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tham luận tại Toạ đàm "Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt", tháng 6/2022.
3.Nguyễn Quốc Công (2022), Một số rào cản và giải pháp để doanh nghiệp tham gia quản lý CTR sinh hoạt, Tạp chí Môi trường và Đô thị, tháng 8/2022.
4. Ngô Thị Liên Anh (2020), Hiệu quả từ mô hình phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai.