Banner trang chủ

Hiện trạng chất lượng môi trường không khí xung quanh tại một số tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên tháng 1, 2 năm 2022

07/04/2022

    Chất lượng không khí tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên được đánh giá thông qua số liệu của 6 trạm quan trắc tự động thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và địa phương. Trong đó, 1 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý (trạm 41 Lê Duẩn - Đà Nẵng - KK-ĐN01); 2 trạm do Tổng cục Khí tượng thủy văn quản lý (trạm Hòa Thuận Tây - Đà Nẵng (KK-ĐN02), Trạm Phù Đổng - Gia Lai (KK-GL04) quan trắc thông số bụi PM) và 3 trạm do địa phương quản lý: Trạm quan trắc tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku (KK-GL01); UBND Thị Xã An Khê (KK-GL02), Ban quản lý Khu công nghiệp (BQL KCN) Trà Đa thuộc tỉnh Gia Lai.

Kết quả quan trắc tháng 1,2/2022 cho thấy, giá trị bụi mịn PM2.5 nhỏ hơn giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT (TB 24h); Các thông số đặc trưng khác trong môi trường không khí xung quanh như NO2, O3, CO và SO2 nhỏ hơn giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT (TB 24h).

Biểu đồ 1. Diễn biến giá trị PM2.5 tại một số trạm khu vực miền Trung và Tây Nguyên tháng 1/2022

Biểu đồ 2. Diễn biến giá trị PM2.5 tại một số trạm khu vực miền Trung và Tây Nguyên tháng 2/2022

    Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày (Chỉ số chung đánh giá chất lượng không khí AQI được xác định theo Quyết định số 1459/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về việc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số chất lượng không khí Việt Nam) của tháng 1,2/2022 cho thấy: Trạm quan trắc tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku (KK-GL01) có số ngày ghi nhận: mức trung bình (AQI: 51-100) chiếm tỷ lệ 12,9%, mức tốt (AQI: 0-50) chiếm tỷ lệ từ 87,1 - 100%); Trạm UBND Thị Xã An Khê (KK-GL02) có số ngày ghi nhận: mức kém (AQI: 101-150) chiếm tỷ lệ 3,2%, mức trung bình chiếm tỷ lệ từ 10,7 -32,3%, mức tốt chiếm tỷ lệ từ 64,5 - 89,3%); Trạm BQL KCN Trà Đa (KK-GL03) có số ngày ghi nhận: mức kém chiếm tỷ lệ 32,3%, mức trung bình chiếm tỷ lệ từ 7,1 - 29,0%, mức tốt chiếm tỷ lệ từ 38,7 - 92,9%); Trạm Phù Đổng - Gia Lai (KK-GL04) có số ngày ghi nhận: mức trung bình chiếm tỷ lệ 12,9%, mức tốt chiếm tỷ lệ từ 87,1 - 100%); Trạm 41 Lê Duẩn - Đà Nẵng (KK-ĐN01) có số ngày ghi nhận: mức xấu (AQI: 151-200) chiếm tỷ lệ 3,6%, mức kém chiếm tỷ lệ từ 10,7 - 16,1%, mức trung bình chiếm tỷ lệ từ 17,9 - 51,6%, mức tốt chiếm tỷ lệ từ 32,3 - 67,8 %); Trạm Hòa Thuận Tây - Đà Nẵng (KK-ĐN02) có số ngày ghi nhận: mức trung bình chiếm tỷ lệ 6,5%, mức tốt chiếm tỷ lệ từ 93,5 - 100%).

Biểu đồ 3. Diễn biến giá trị AQI ngày tại một số khu vực miền Trung và Tây Nguyên tháng 1/2022

Biểu đồ 4. Diễn biến giá trị AQI ngày tại một số khu vực miền Trung và Tây Nguyên tháng 2/2022

Biểu đồ 5. Tỷ lệ % các mức AQI tháng 1,2/2022

    Như vậy có thể thấy, chất lượng môi trường không khí xung quanh khu vực đặt trạm tháng 1, 2/2022 duy trì ở mức tốt và trung bình, ngoại trừ một số ngày ghi nhận mức kém và mức xấu. Do vậy, việc kiểm soát ô nhiễm thường xuyên và đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí phải được triển khai đồng bộ. Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tổng thể thường được kết hợp như: Tăng cường kiểm soát và giảm phát thải cho các hoạt động giao thông, sản xuất, sinh hoạt; đẩy mạnh giải pháp xanh; tăng cường các giải pháp kinh tế, công nghệ…

    Ngoài ra, đối với mục tiêu giảm lượng phát thải bụi mịn PM2.5 tại các đô thị, cần thực hiện các giải pháp sau:

    Thứ nhất, giải pháp xanh và vai trò của cộng đồng: Tăng mật độ cây xanh trong các đô thị: trồng thêm cây trên các đường phố, mở rộng các công viên; tăng các giải pháp sử dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp ở các vùng lân cận nhằm hạn chế việc đốt bỏ gây phát tán chất ô nhiễm và bụi; tiếp tục duy trì và tăng cường phun nước và quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc vệ sinh các phương tiện trước khi đi vào khu vực nội đô; xây dựng và thực thi chính sách kinh tế xanh, lối sống thân thiện với môi trường, khuyến khích kinh tế tuần hoàn hạn chế chất thải ra môi trường tại khu dân cư, gia đình; đẩy mạnh các hình thức phổ biến thông tin cho cộng đồng về chất lượng môi trường không khí xung quanh đối với sức khoẻ của cộng đồng cũng như ảnh hưởng của nó tới chất lượng sống. Đồng thời, xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong các quá trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí.

    Thứ hai, giảm phát thải chất ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải và xây dựng trong đô thị: Nâng cấp chất lượng đường giao thông đô thị và thực hiện quy hoạch hợp lý các tuyến giao thông nội đô; tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng và trên các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng.

    Thứ ba, cần thực hiện các chính sách tổng thể và quản lý đồng bộ các vấn đề trong quản lý giao thông, xây dựng và đô thị.

ThS. Phạm Quang Hiếu, ThS. Đỗ Hải Hà, ThS. Phạm Thị Hữu, ThS. Lê Châu Quang Viễn

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022) 

Ý kiến của bạn