15/11/2021
Vừa qua, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Y tế, NN&PTNT và các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.
Theo Bộ TN&MT, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT được xây dựng để bảo đảm tính tương thích, phù hợp với các quy định của Luật BVMT năm 2020, các văn quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn cũng như thiết lập khung pháp lý đồng bộ khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2022. Dự thảo Nghị định được kế thừa nội dung các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách, pháp luật trong BVMT như: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường; Vi phạm các quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; Vi phạm các quy định về BVMT đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Vi phạm quy định BVMT biển. Một số quy định được chỉnh sửa trong Dự thảo Nghị định như: Hình thức, thời hiệu, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (cập nhật Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi); Vi phạm các quy định về BVMT tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; Vi phạm các quy định về phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; Vi phạm các quy định về BVMT trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu...
Toàn cảnh buổi họp
Theo Bộ TN&MMT, Tổ Soạn thảo đã đưa vào Dự thảo Nghị định các quy định xử phạt mới đối với các hành vi phạm quy định về Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đánh giá tác động môi trường; Vi phạm các quy định về xây dựng, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình BVMT; Vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Vi phạm các quy định về BVMT trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; Vi phạm dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; Vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng...
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã tập trung thảo luận xung quanh những nội dung liên quan đến việc xây dựng Dự thảo Nghị định, cụ thể là căn cứ để Dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT dựa trên các văn bản như: Dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật BVMT, Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và Thông tư quy định thi hành Luật BVMT. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, hiện các văn bản này đang được xây dựng, do vậy cơ quan chủ trì cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản. Đặc biệt, với quan điểm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; những quy định đặt ra trong Dự thảo Nghị định phải rõ ràng, rành mạch, xử phạt nghiêm minh và có biện pháp khắc phục khả thi… Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiều nội dung quy định về thẩm quyền của một số cơ quan như Cảnh sát biển - Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT chưa phù hợp với quy định/nhiệm vụ được giao tại Luật BVMT, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì phối hợp với các Bộ/ngành để rà soát cho phù hợp.
Bàn về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, các đại biểu thống nhất quan điểm giảm mức phạt đối với những hành vi vi phạm về mặt hồ sơ, thủ tục môi trường; tăng mức phạt đối với các nhóm hành vi mang tính chất cố tình vi phạm hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, để đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi cố tình vi phạm, Dự thảo Nghị định đưa ra quy định: Sẽ tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình BVMT theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị định chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các Bộ/ngành liên quan, đặc biệt là vấn đề thẩm quyền. Thứ trưởng cho biết, hiện Tổ Biên tập đã nhận được ý kiến của 16 Bộ, ngành, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1 tập đoàn nhà nước, 1 tổ chức xã hội góp ý cho Dự thảo Nghị định. Tổ Biên tập sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ trong tháng 11/2021. Theo Thứ trưởng, mục tiêu là ban hành Nghị định trong tháng 12/2021 và có hiệu lực trong đầu năm 2022 (sau khi Luật BVMT có hiệu lực).
Hoàng Đàn