02/08/2022
Ngày 29/7/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp TDX và phát hành TPX”.
Luật BVMT năm 2020, tại Điều 149 đã quy định về TDX được cấp cho các dự án đầu tư như: sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tạo ra lợi ích khác về môi trường; Điều 150 quy định TPX là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.Đồng thời tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tại Điều 154 quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành trước ngày 31/12/2022. Để thực hiện quy định này, Bộ TN&MT giao ISPONRE chủ trì phối hợp với các bên liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành TPX.
TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng ISPONRE phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, Dự thảo Quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành TPX đã được hoàn thiện. Nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, các ngân hàng trong quá trình xác nhận các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường. Bộ tiêu chí môi trường và quy trình xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành TPX sẽ là công cụ hữu ích giúp sang lọc, phân loại các hoạt động BVMT và các dự án đầu tư mang lại lợi ích môi trường được quy định trong Luật BVMT.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày về các nội dung: Báo cáo về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp TDX, phát hành TPX; Dự thảo Danh mục phân loại xanh đối với dự án được cấp TDX và phát hành TPX; Hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam và điều kiện áp dụng danh mục phân loại xanh đối với dự án được cấp TDX và phát hành TPX; Hiện trạng và xu hướng về cấp TDX, yêu cầu đặt ra đối với danh mục phân loại xanh và việc xác nhận dự án được cấp TDX…
Đánh giá về chính sách triển khai TDX ở Việt Nam, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, nước ta đã cụ thể hóa kế hoạch hành động cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QÐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc BVMT, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường... Như vậy, những chính sách này đã góp phần phát triển thị trường TDX ở nước ta. Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến gần 445 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng 35,56% so với năm 2020. Như vậy, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh lên đến 379%, trung bình tăng 63%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn này.
Để phát triển thị trường và khuyến khích phát hành TPX tại Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án phát hành thí điểm Trái phiếu Chính phủ xanh tại thị trường trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường. Theo đó, căn cứ vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt, sẽ lựa chọn các dự án đầu tư công xanh theo Danh mục phân loại xanh để phát hành Trái phiếu Chính phủ xanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với chính quyền địa phương của một số tỉnh, thành phố xây dựng quy trình phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích các địa phương lựa chọn các dự án xanh để triển khai phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh.
Góp ý cho Dự thảo, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến TDX, TPX; ban hành các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh; có cơ chế báo cáo, công khai thông tin về việc phát hành, quản lý sử dụng vốn trái phiếu cho các dự án xanh; xây dựng tiêu chí phân loại, có các chỉ tiêu về môi trường rõ ràng cho các dự án đầu tư xanh…
Châu Loan