03/01/2023
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), sức khỏe môi trường toàn cầu định hình sức khỏe, thành tích học tập và hạnh phúc của mọi trẻ em trên thế giới. Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam cũng quy định quyền thứ 20 của các công dân tương lai là “quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang”, theo đó trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.
Các vấn đề về môi trường và sự tác động đến trẻ em
Môi trường hiện nay ở Việt Nam đang phải đối mặt một số áp lực, bao gồm tình trạng gia tăng dân số và đô thị hóa cao, gia tăng hoạt động giao thông vận tải phát thải hiệu ứng nhà kính, hoạt động công nghiệp, xây dựng và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về vấn đề BĐKH [1]; trong đó, trẻ em dễ bị tác động bởi tình trạng BĐKH và suy thoái môi trường hơn những nhóm tuổi khác, phần lớn là do các em đang trong giai đoạn phát triển, còn phụ thuộc vào người khác và chưa có nhiều tiếng nói trong các quyết định.
Có thể thấy rõ, các nguy cơ chính về BĐKH trên phương diện lý sinh ở Việt Nam là lượng mưa thay đổi, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai liên quan. Tất cả những điều này đều có tác động thứ cấp: lũ lụt và sạt lở đất, mất ĐDSH, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng do bão và lốc xoáy. Những tác động này sau đó dẫn đến các tác động tiếp theo: sản lượng nông nghiệp giảm, cơ sở hạ tầng trường học và nhà cửa bị tổn hại, khan hiếm nước, chất lượng nước kém và tình trạng di cư, từ đó tác động đến trẻ em theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, trong trong phạm vi bài viết này xin được đề cập tới ba dấu hiệu chính của suy thoái môi trường tác động tới trẻ em, đó là: ô nhiễm không khí, nguồn nước và mất ĐDSH.
Trẻ em đang phải hứng chịu những ảnh hưởng sức khỏe do hậu quả của BĐKH như sự gia tăng nhiệt độ, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và nắng nóng
Ô nhiễm không khí
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố các nghiên cứu về tác động của ô nhiễm không khí đối với trẻ em. Trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí vì trẻ em có nhịp thở cao hơn người lớn và khi lớn lên, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến sai lệch so với mô hình phát triển bình thường. Ngoài ra, trẻ em có thể dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn để tham gia các hoạt động thể chất và hít phải liều lượng chất ô nhiễm không khí cao hơn [2]. Trẻ em cũng nhỏ hơn, gần với mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ cao nhất - vào giai đoạn não và cơ thể của các em vẫn đang phát triển. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà hơn tại các gia đình thường xuyên sử dụng nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm để nấu nướng, sưởi ấm và chiếu sáng [3].
Những phát hiện chính do Tổ chức Y tế Thế giới công bố minh họa tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với trẻ em là: Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe trẻ em, chiếm gần 1/10 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh, dẫn đến kết quả kiểm tra nhận thức thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần và vận động; Ô nhiễm không khí làm hỏng chức năng phổi của trẻ em, ngay cả ở mức độ tiếp xúc thấp hơn; Trên toàn cầu, 93% trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới (630 triệu trẻ em <5 tuổi và 1,8 tỷ trẻ em <15 tuổi) tiếp xúc với nồng độ bụi mịn (PM2.5) cao hơn mức hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến việc giáo dục và khả năng học tập của trẻ em. Mức độ ô nhiễm không khí cao hơn có liên quan đến kết quả học tập của các em do sức khỏe của các em bị ảnh hưởng, như tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề hô hấp cao hơn. Bằng chứng cũng cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, hệ thống miễn dịch và chức năng nội tiết của trẻ em, cũng như góp phần gây ra các bệnh viêm nhiễm, vấn đề sinh non và nhẹ cân [4]. Sức khỏe của trẻ em, sự phát triển nhận thức, khả năng học tập, và kết quả học tập ở trường đều bị ảnh hưởng bởi môi trường tại trường học của các em. Chất lượng không khí trong nhà hoặc ngoài trời kém có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp hoặc làm bệnh trầm trọng hơn, và có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng tập trung ở trường, góp phần gây ra những thách thức trong học tập cho học sinh. Chất lượng không khí kém và các nguy cơ liên quan có thể dẫn đến trẻ em bị ốm và phải nghỉ học; việc nghỉ học thường xuyên dẫn đến tăng nguy cơ bỏ học [5].
Ô nhiễm nước
Nước là bản chất của cuộc sống và “nguồn nước đầy đủ, an toàn, chấp nhận được, có thể tiếp cận được và giá cả phải chăng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sử dụng cá nhân” [6] là quyền cơ bản. Các chính phủ có trách nhiệm đảm bảo rằng quyền con người này được thực hiện. Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước. Ô nhiễm nước thường là kết quả của tình trạng ô nhiễm hóa chất từ các hoạt động của con người. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, khí thải và chất thải công nghiệp, nước thải, xử lý chất thải và từ các quy trình xử lý nước… Khai thác nước ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long gây ra sụt lún đất, và việc xây dựng đập ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông và làm giảm sự phân bố của phù sa [7].
Ngoài các vấn đề về nước do con người gây ra dẫn đến giảm khả năng cung cấp nước và chất lượng nước, còn có những thay đổi do BĐKH gây ra góp phần tạo ra các áp lực. Hiện nay, chỉ khoảng 13.5% nước thải đô thị được xử lý. Tuy nhiên dọc các bãi biển Đà Nẵng, nước thải chưa qua xử lý, cùng với rác, vẫn được xả ra biển; điều này đang tác động rất lớn đến chất lượng nước biển. Sự rò rỉ và mùi hôi từ bãi rác ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng nghìn hộ gia đình, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em sống gần khu vực chứa rác, gây ra bệnh tật và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài [8]. Nhiễm bẩn nước có thể do đường ống nước bị hư hỏng, dẫn đến hàm lượng vi sinh vật cao, nhiễm các loại ký sinh trùng khác như giun sán hoặc do nhiễm hóa chất. Tiêu chảy kéo dài ở trẻ em có thể xảy ra do uống hoặc ăn thức ăn được rửa bằng nước bị ô nhiễm, có thể làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng và do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng. Các bệnh truyền qua nước như thương hàn và kiết lỵ, cũng gây nguy hiểm cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ [9]. Giun sán và amip cũng có thể lây truyền trong nước và thường gặp ở các nguồn cung cấp nước kém chất lượng. Trên thực tế, 44% trẻ em ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi giun [10]. Bên cạnh đó, tác động của biến đối khí hậu sẽ tăng áp lực cho nguồn nước của Việt Nam từ tiến trình phát triển của con người.
Mất ĐDSH
Trẻ em có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng mất ĐDSH. Các tác động phần lớn là gián tiếp, nhưng có tính hệ thống và lâu dài. Bảo tồn ĐDSH có nghĩa là duy trì các vùng đất làm môi trường sống tự nhiên để các loài động thực vật phát triển tự nhiên. Các hệ sinh thái tự nhiên thực hiện các chức năng thiết yếu - “dịch vụ hệ sinh thái” – điều này rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, bao gồm điều chỉnh khí hậu, mức độ bệnh tật, cung cấp thức ăn và nước, hỗ trợ hình thành đất và thụ phấn cho các loại cây trồng cần thiết. ĐDSH cũng mang lại những lợi ích quan trọng về giải trí, văn hóa và tinh thần - tất cả đều quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Các dịch vụ quan trọng này thường không được xem xét trong tăng trưởng, phát triển kinh tế và việc ưu tiên bảo tồn ĐDSH thường không được thực hiện.
Việc bảo tồn toàn bộ lưu vực đầu nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ nước và an toàn. Việc hủy hoại lưu vực đầu nguồn thông qua khai thác gỗ hoặc thâm canh nông nghiệp, dẫn đến thay đổi dòng nước, ô nhiễm nước, tất cả đều tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em. Các lưu vực đầu nguồn khỏe cũng hỗ trợ một ngành thủy sản lành mạnh – khoảng 20 triệu người phụ thuộc hầu hết hoặc một phần thu nhập vào ngư nghiệp, khai thác và sử dụng hơn 300 loài sinh vật biển và hơn 50 loài thủy sản nước ngọt [11]. Rừng ngập mặn bao quanh các khu vực ven biển, đóng vai trò như những lá chắn để giảm thiểu tác động của triều cường do sóng cao và giúp đảm bảo sự ổn định của đê biển. Ước tính rừng ngập mặn giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí duy tu và sửa chữa đê điều, đồng thời hỗ trợ việc hình thành các khu vực mới ở cửa sông Hồng và sông Cửu Long [12].
Mặt khác, bảo tồn hệ sinh thái rừng nhằm giảm thiểu BĐKH thông qua hấp thụ carbon - ngay sau khi rừng bị chặt phá, carbon sẽ được giải phóng, do đó góp phần phát thải khí nhà kính. Các hệ sinh thái rừng cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu thiết yếu - khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng và thu được 20-50% thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG), bao gồm hàng trăm loài cây thuốc [12]. Cuối cùng, hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH tự nhiên phong phú là “lớp học ngoài trời” cho trẻ em; đây một cơ hội để trẻ em hiểu được di sản thiên nhiên độc đáo và được giáo dục về lịch sử tự nhiên, các chu kỳ thủy văn và các hệ thống tự nhiên khác. Điều này phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam, trong đó yêu cầu lồng ghép nội dung môi trường vào các hoạt động giáo dục, bao gồm Mục 5.4 yêu cầu người học “Có trách nhiệm với môi trường sống” và tham gia “Tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội”; và trong Mục 6.1.3, là “Vận dụng kiến thức vào thực tiễn và có ứng xử tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và yêu cầu BVMT” [13]. Thiếu cơ hội trải nghiệm các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến sự xa rời với thiên nhiên, giảm hiểu biết về khoa học và hạn chế về thế giới quan, đặc biệt là so với các quốc gia cam kết bảo tồn 50% hệ sinh thái tự nhiên.
Tại Việt Nam, giá trị thực của ĐDSH và vai trò góp phần vào đời sống và phúc lợi của người dân, đặc biệt là trẻ em và sự phát triển của đất nước chưa được ghi nhận đầy đủ và đúng mức trong quy hoạch kinh tế quốc gia. Chỉ 0,4% tổng ngân sách quốc gia được sử dụng cho bảo tồn ĐDSH và phần lớn (90%) ngân sách ODA dành cho bảo tồn ĐDSH được sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng thay vì mục đích bảo tồn [14].
Phân tích tình hình chính sách, thể chế và tài chính hiện tại liên quan đến trẻ em và BĐKH
Kể từ khi ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002, Việt Nam đã có những hành động tích cực về vấn đề BĐKH với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về BĐKH vào năm 2008. Kể từ đó, hai chiến lược, Chiến lược quốc gia về BĐKH (NSCC ) và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NSGG) đã được xây dựng; ba luật (Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật BVMT (2014, sửa đổi 2020), Luật Khí tượng Thủy văn (2015)) đã được ban hành, và nhiều chương trình và văn bản chính sách đã được thực hiện. Để có cái nhìn tổng quan về một số nền tảng chính sách chính đang thực hiện và trong tương lai, bài viết phân tích các khoảng trống và cơ hội nhằm thúc đẩy phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm trong BĐKH ở Việt Nam.
Chiến lược quốc gia về BĐKH (NCCS) được ban hành năm 2011 nhằm đưa ra các định hướng và biện pháp tổng thể cho cả thích ứng và giảm thiểu BĐKH. Để thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐKH, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH (NAPCC) giai đoạn 2012-2020, trong đó đưa ra 65 chương trình/dự án. Tuy nhiên, các hoạt động và sáng kiến nêu trên của Chính phủ Việt Nam chỉ gián tiếp công nhận và có khả năng mang lại lợi ích cho trẻ em. Trẻ em luôn được công nhận là nhóm dễ bị tổn thương và có một số sáng kiến chính sách giải quyết rõ ràng các vấn đề của trẻ em nhấn mạnh cơ hội hành động. Trong kế hoạch hành động ngành về BĐKH của ngành Bộ Y tế đề cập đến dữ liệu khoa học cung cấp bằng chứng về tác động của BĐKH đối với sức khỏe trẻ em. Bộ Y tế đề xuất thực hiện các hoạt động trong tương lai về các vấn đề này, bao gồm nâng cao nhận thức, giáo dục, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đồng thời tiếp tục nghiên cứu về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở các vùng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, việc đưa các vấn đề trẻ em vào các chính sách liên quan tới biến đối khí hậu vẫn còn rất hạn chế. Do đó, có một số cơ hội mà các bên liên quan có thể hỗ trợ để đảm bảo việc lồng ghép các vấn đề của trẻ em vào chính sách và hành động về BĐKH trong quá trình soạn thảo Chương trình quốc gia về BĐKH cho giai đoạn tiếp theo.
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NGGS) là một trong những hoạt động được xác định trong Chiến lược quốc gia về BĐKH (Hoạt động số 25). Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2011-2020) với tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành vào tháng 9/2012 chủ yếu với mục tiêu giảm nhẹ BĐKH về giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giải quyết suy thoái môi trường. Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành ngày 1/10/2021 các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Tuy nhiên, trẻ em chưa được đề cập cụ thể trong Chiến lược. Về vấn đề này, có nhiều lĩnh vực tiềm năng để lồng ghép lợi ích và tính dễ bị tổn thương của trẻ em trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, ít nhất là ở khía cạnh giáo dục và nâng cao nhận thức như phát triển mô hình nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường (thiết kế sinh thái), trường học, trung tâm y tế ứng phó thông minh với BĐKH, đô thị hóa bền vững (cơ sở hạ tầng kỹ thuật), cũng như truyền thông và hỗ trợ thực hiện. Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh cũng có thể thúc đẩy các kế hoạch đầu tư tiếp theo của các lĩnh vực (như giáo dục, y tế...) để lồng ghép các vấn đề của trẻ em và giải quyết các mối quan tâm của trẻ em.
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) của Việt Nam được ban hành vào năm 2020. Luật cung cấp khung pháp lý để BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT; quản lý nhà nước trong BVMT. Luật BVMT của Việt Nam quy định (Điều 4.2) công tác BVMT phải gắn kết hài hòa với một số vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó có bảo đảm quyền trẻ em. Cả Luật BVMT 2014 và 2020 đều quy định nhiệm vụ giáo dục về môi trường trong trường học. Nhiệm vụ này đã được triển khai khá tốt trên thực tế. Một quyết định mới đây của Bộ GD&ĐT (số 2262/QĐ-BGDĐT) trong năm 2020 về chương trình học tập đã quy định nhu cầu cần giáo dục về BVMT cho trẻ em. Có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để nhân rộng các mô hình trường học xanh hiệu quả tại Việt Nam, ví dụ như mô hình trường học xanh do tổ chức Live & Learn, GreenID, UNICEF giới thiệu. Liên quan đến môi trường và sức khỏe, Luật BVMT đề cập đến sự cần thiết của việc bảo vệ sức khỏe người dân khỏi suy thoái/ô nhiễm môi trường, tuy nhiên Cần chú ý hơn nữa tới sự dễ tổn thương của trẻ em trước vấn đề ô nhiễm môi trường. Có thể thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác động của môi trường lên sức khỏe của trẻ em để xây dựng chiến lược tốt hơn, đặc biệt là chiến lược về xử lý ô nhiễm không khí ở khu vực thành thị và nông thôn, tập trung vào cách thức BĐKH (BĐKH).
Luật Trẻ em (2016) quy định quyền và nghĩa vụ, nguyên tắc và biện pháp để đảm bảo thực thi quyền trẻ em. Liên quan đến BĐKH, Điều 31 đề cập trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi thiên tai, thảm họa và ô nhiễm môi trường, cũng như nghĩa vụ BVMT của trẻ em. Bên cạnh đó, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về việc thực thi Luật trẻ em. Luật yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức và UBND tất cả các cấp đảm bảo trẻ em tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi các văn bản pháp lý, chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển KT-XH liên quan đến trẻ em thông qua diễn đàn trẻ em, hội đồng trẻ em và các nền tảng sáng tạo đổi mới khác. Để thực thi luật, Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Trẻ em (VNCC) được thành lập để giải quyết các vấn đề về quyền trẻ em. Ngoài ra, trong những quy định của Luật trẻ em được đề cập ở trên, trẻ em được công nhận là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương - chủ yếu liên quan đến bệnh tật, suy dinh dưỡng và dễ tổn thương về mặt thể chất, bị gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, phạm vi về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong Khoản 1 Điều 10, lại không có đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các tác động BĐKH khác. Điểm này có thể được cân nhắc trong quá trình thực hiện hoặc sửa đổi Luật.
Kết luận
Từ những phân tích trên cho thấy rõ ràng có một môi trường thuận lợi và tiềm năng liên quan đến khuôn khổ lập pháp phù hợp; cùng với một số phân tích, bằng chứng và công tác vận động, sẽ giúp tạo ra ý chí, huy động các nguồn lực cần thiết để công nhận và thúc đẩy quyền trẻ em trong bối cảnh các em dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần giải quyết và cơ hội cần nắm lấy để bối cảnh thuận lợi này tại Việt Nam đạt được những thành tựu khả thi về vấn đề trẻ em. Hiện có nhiều khoảng trống và cơ hội được xác định liên quan đến chính sách của nhà nước về BĐKH, môi trường và trẻ em. Tuy nhiên việc xây dựng quan hệ đối tác bền chặt với các bộ chủ chốt của chính phủ sẽ tạo ra sức ảnh hưởng trên nhiều mặt, bao gồm: i) xây dựng NDC thông qua Quan hệ đối tác NDC; ii) góp phần hỗ trợ Nhóm đặc trách quốc gia về BĐKH; iii) lồng ghép nội dung chống BĐKH lấy trẻ em làm trung tâm vào cấu phần môi trường của Mục tiêu Phát triển Bền vững/Kế hoạch PTKT-XH; iv) phát triển khả năng chống chịu với khí hậu tại ĐBSCL; v) tham vấn về tác động xã hội, bao gồm cả đánh giá về tính dễ bị tổn thương; vi) đưa chiến lược chống chịu với khí hậu vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo để đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh được cải thiện ở khu vực nông thôn và cấp tỉnh; vii) đưa hoạt động thích ứng về chăm sóc y tế vào chương trình mục tiêu quốc gia và dự án BĐKH; và viii) hướng dẫn cấp địa phương thực hiện hoạt động chống BĐKH lấy trẻ em làm trung tâm và lồng ghép các vấn đề liên quan tới trẻ em vào Chiến lược Tăng trưởng xanh 2021-2030.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Germanwatch 2016. Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu: Ai chịu thiệt hại nhiều nhất từ những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt? Các hiện tượng gây thiệt hại có liên quan tới thời tiết năm 2014 và từ 1995 tới 2014.
[2]. Nguyen Thi Trang Nhung, Schindler, Tran Minh Dien, Probst-Hensch, Perez, Künzli, 2018 (chú thích số 65).
[3]. WHO 2018 Ô nhiễm không khí và sức khỏe trẻ em. Kê đơn không khí sạch. Tổng kết.
[4]. UNICEF 2019 (chú thích số 3).
[5]. Sheffield cùng cộng sự, 2017 trích dẫn trong UNICEF 2019 (chú thích số 3).
[6]. Ngân hàng thế giới CCKP. Link: worldbank.org/sites/default/files/2020-09/15077-Vietnam%20Country%20Profile-WEB_1.pdf.
[7]. UN Viet Nam. Không có ngày tháng. Đánh giá nút thắt của LHQ: Đánh giá nút thắt và giải pháp để tăng tốc việc triển khai thỏa thuận Paris tại Việt Nam.
[8]. Phòng Lao Động-Thương Binh & Xã Hội quận Liên Chiểu: Báo cáo đề xuất chuyển đổi nghề cho công nhân thu gom phế liệu tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, năm 2019.
[9]. Gordon B et al. 2004. Thừa kế thế giới, Atlas về sức khỏe của trẻ em và môi trường. WHO, Nhà xuất bản Myriad Editions. https://www.who.int/ceh/capacity/Water.pdf?ua=1.
[10]. Bộ Tài nguyên và Môi trường 2008.
[11]. Chiến lược quốc gia Việt Nam về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[12]. Chiến lược quốc gia Việt Nam về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[13]. Chiến lược quốc gia Việt Nam về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[14]. UNESCO 2018 Chương trình giáo dục phổ thông: Chương trình tổng thể, 2017 được trích dẫn trong Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNESCO 2018
Lê Thị Hường
Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2022)