01/11/2021
Nằm cách đất liền khoảng 15 km, cụm đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ mà còn sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng, nhất là sự phong phú của những rạn san hô. Từ năm 2009, Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Để có được thành quả hôm nay, cơ quan quản lý, nhà khoa học và cộng đồng đã nỗ lực rất lớn suốt thời gian dài.
Nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị rạn san hô
Trong hệ sinh thái biển, rạn san hô đóng vai trò rất quan trọng, là ngôi nhà trú ẩn, lẩn trốn những kẻ săn mồi và là nơi sinh sản, kiếm ăn của vô số loài thủy sản. Ngoài việc tạo ra không gian trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn màu của đại dương, các rạn san hô còn giúp cho việc bảo vệ bờ biển, bảo tồn hệ sinh thái biển. Từ năm 1996, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện tại Cù Lao Chàm có 135 loài san hô với 35 giống, trong đó có 6 loài lần đầu được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam.
Các rạn san hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía Tây, Tây Nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 165 ha mặt nước. Thời điểm đó, các rạn san hô đều bị hư hại do tác động trong quá trình đánh bắt hải sản, khai thác để trang trí, xây nhà, nung vôi làm vật liệu xây dựng. Cùng với tác động của thiên tai, san hô Cù Lao Chàm ngày càng suy giảm cả về diện tích và vẻ đẹp của nó.
Từ năm 2006 đến nay, khi Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm được thành lập và đi vào hoạt động, những nỗ lực nhằm bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái san hô ở Cù lao Chàm đã thu được nhiều thành quả. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai như: Xây dựng các vườn ươm san hô nhằm tạo nguồn để phục hồi những khu vực bị ảnh hưởng, suy thoái; tổ chức thả phao phân vùng khu vực có rạn san hô phong phú, bãi giống, bãi đẻ để hạn chế sự tác động của con người; thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm trong khu bảo tồn; việc truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô luôn được chú trọng.
Việc bảo tồn san hô, hệ sinh thái biển luôn được các chuyên gia kiểm tra thường xuyên để có những đánh giá kịp thời, chính xác
Sau 15 năm được khôi phục, bảo vệ một cách bài bản, tổng diện tích rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm tăng lên khoảng 356 ha (gấp 2 lần năm 1996), với 292 loài thuộc 23 họ san hô cứng tạo rạn. Quan trọng hơn, nhận thức của người dân về BVMT, tính đa dạng sinh học, đặc biệt là gìn giữ các rạn san hô quý giá, đã thay đổi. Nhờ những thành quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn rạn san hô, Cù Lao Chàm đã tạo được sức hút đặc biệt đối với du khách. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân nơi đây và tạo niềm tin, động lực để cộng đồng dân cư cùng nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của các rạn san hô.
Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để bảo vệ, nhân rộng diện tích rạn san hô
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc BQL Khu Bảo tồn biển CùLlao Chàm, một số kết quả đánh giá xu thế biến động đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tiêu biểu trong giai đoạn 2004 - 2020 cho thấy, độ phủ san hô sống trong toàn khu bảo tồn được duy trì tương đối ổn định. Tuy nhiên, nguồn lợi cá và động vật đáy lớn có giá trị cao chưa có dấu hiệu phục hồi.
Đáng lo ngại hơn, rạn san hô tại Cù Lao Chàm đang chịu tác động lớn về môi trường. Đi kèm với sự phát triển về kinh tế - xã hội, bao gồm các hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ du lịch, nhất là các nguồn chất thải từ ven bờ ngày càng gia tăng, cộng thêm mưa bão, biến đổi khí hậu… đã làm môi trường nơi đây có nhiều biến động. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp lên sự sinh trưởng và phát triển của rạn san hô cùng các loài sinh vật khác.
“Khi san hô tự nhiên bị gãy, suy thoái thì việc phục hồi hệ sinh thái này gặp rất nhiều khó khăn. Việc lựa chọn và cắt tỉa san hô tự nhiên làm giống để cấy trên các giá thể tự nhiên (san hô chết, đá ngầm) hoặc nhân tạo rất tốn chi phí và công sức” - ông Nguyễn Văn Vũ phân tích.
Nhận diện những thách thức đó, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể để bảo vệ, nhân rộng diện tích rạn san hô. Gần đây, Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm phát động Chương trình dọn vệ sinh đáy biển, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Địa phương này cũng thành lập đội làm sạch đáy biển với khoảng 20 thành viên, có nhiệm vụ gom rác và tiêu diệt sao biển gai - loài sinh vật chuyên ăn san hô.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng có nhiều sáng kiến nhằm phục hồi san hô và nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng khác nhau, nhất là thế hệ trẻ. Hàng năm, Chi đoàn tổ chức Chương trình trại hè san hô gồm các hoạt động dọn vệ sinh bãi biển; tập huấn phương pháp trồng phục hồi san hô; tham quan các rạn san hô tự nhiên; vườn ươm san hô cho học sinh và đoàn viên - thanh niên trên địa bàn TP. Hội An. Chi đoàn cũng thường xuyên dọn vệ sinh đáy biển, thực hiện những chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về công tác BVMT, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến Luật Thủy sản…
An Bình