01/06/2021
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng rác thải biển. Để giải quyết những thách thức trên, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa- Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu ( EU) và Chính phủ Đức đồng tài trợ được triển khai từ tháng 5/2019 - 4/2022, nhằm hỗ trợ 5 nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á (Việt Nam, Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin, Thái Lan) giảm tình trạng nhựa rò rỉ ra đại dương và hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn. Để tìm hiểu rõ hơn về những hoạt động của Dự án, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Fanny Quertamp - Chuyên gia cao cấp của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) - Điều phối dự án tại Việt Nam.
PV: Bà có thể cho biết một số thách thức về gia tăng rác thải biển toàn cầu hiện nay?
Bà Fanny Quertamp: Do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và chuyển đổi mô hình tiêu dùng - sản xuất, lượng bao bì sử dụng một lần đang tăng nhanh trên toàn thế giới. Trong khi đó, các hệ thống quản lý rác thải (thu gom, phân loại, tái chế, tái tạo năng lượng và xử lý chất thải bao bì) vẫn chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Những xu hướng này góp phần làm tăng đáng kể lượng rác thải biển - một mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng đối với các hệ sinh thái biển, ngành thủy sản và du lịch. Rác thải biển bao gồm các ngư cụ bị bỏ lại, thất lạc hoặc thải bỏ, ảnh hưởng đến hơn 800 loài trong môi trường biển và ven biển. Khoảng 60 - 90% rác thải biển là nhựa, trong đó, phần lớn rác thải là từ các sản phẩm nhựa và bao bì sử dụng một lần. Theo số liệu năm 2010, ước tính mỗi năm từ 5 - 13 triệu tấn rác thải nhựa trên toàn thế giới đổ ra đại dương. Do độc tính tiềm ẩn và kích thước của chúng, vi nhựa là mối lo ngại lớn khi chúng xâm nhập vào chuỗi thực phẩm và nước uống, gây hại cho động vật và là mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người.
Bà Fanny Quertamp - Chuyên gia Expertise France tại Hội thảo "Khung trách nhiệm mở rộng
của nhà sản xuất (EPR)" do Bộ TN&MT tổ chức ngày 25/6/2020
Các nước đang tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị mạnh mẽ như Việt Nam vừa là nơi sản xuất nhựa, vừa là nơi xả rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa (RTN), gây tác động lớn đến môi trường, trong đó chỉ một lượng rất ít RTN được thu gom, vận chuyển và xử lý bằng các công nghệ thân thiện với môi trường. Tại khu vực đô thị, một phần rác thải có giá trị được mạng lưới thu gom và tái chế, nhưng nhựa sử dụng một lần bị xả trực tiếp ra môi trường. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tại Việt Nam, rác thải nhựa (RTN) chủ yếu là túi nhựa vì được phát miễn phí ở các cửa hàng. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 35 túi nhựa/ tuần. Mỗi ngày, 10 tấn túi nhựa được sử dụng và thải bỏ ra môi trường, nhưng chỉ khoảng 37% nhựa được thu gom, xử lý và tái chế.
Ngoài ra, đặc biệt trong bối cảnh Covid, thói quen tiêu dùng mới như mua hàng mang về được bao gói trong túi ni lông haysử dụng túi nhựa dùng 1 lần trong các siêu thị đang thải ra ngày càng nhiều RTN. Tình trạng xả rác thải ra kênh mương, sông ngòi, rồi đổ ra biển vẫn diễn ra, trong khi cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý rác thải của Việt Nam chưa đáp ứng được lượng rác thải ngày càng tăng như hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần cùng nhau hành động để giảm thiểu RTN.
PV: Trước áp lực gia tăng RTN biển toàn cầu, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” có mục tiêu, vai trò và hoạt động gì trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa hiện nay ở Việt Nam, thưa bà?
Bà Fanny Quertamp: Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa- Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” được triển khai nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi, hướng đến tiêu dùng và sản xuất nhựa bền vững ở các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, góp phần làm giảm rác thải biển và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa EU và các nước trong khu vực. Trong đó, Expertise France là đơn vị triển khai Dự án tại Việt Nam, còn Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) triển khai tại các nước Trung Quốc, Inđônêxia, Philippines và Thái Lan. Tại Việt Nam, Dự án đã được Bộ TN&MT Việt Nam phê duyệt thực hiện từ năm 2019 và bước đầu đã có đóng góp vào các chính sách nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn cho nhựa tại Việt Nam, với 5 mảng hoạt động, cụ thể: Thứ nhất, hỗ trợ xác định chính sách công phù hợp và hỗ trợ chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (xây dựng quy định, nghiên cứu…);
Thứ hai, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT xây dựng hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo nguyên tắc ‘ai gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền’. Với sự hỗ trợ của CITEO - một tổ chức về bao bì sinh thái của Pháp, dự án sẽ tập trung vào EPR đối với bao bì;
Thứ ba, để hướng tới sản xuất và tiêu dùng nhựa bền vững, dự án tập trung vào hoạt động ngăn ngừa và giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần và xây dựng các tiêu chuẩn đối với nhựa tái chế (quy chuẩn, ghi nhãn, chứng chỉ…). Dự án hợp tác với Bộ Công Thương để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho các công ty tái chế và thực hiện nghiên cứu tiền khả thi về túi nhựa.
Thứ tư, giảm rác thải từ các nguồn trên biển như nâng cao chất lượng quản lý,thu gom rác thải từ tàu và ngăn ngừa tàu xả thải ra biển. Dự án cũng hợp tác với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT nhằm thúc đẩy ngư dân thu gom rác thải biển.
Thứ năm, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và giới trẻ. Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm làm thay đổi thói quen và hành vi.
Theo đó, 4 dự án thí điểm sẽ được triển khai, liên quan đến chất thải nhựa tại 3 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Yên với mục tiêu giảm lượng RTN không được xử lý trên đất liền và trên biển. Đối với TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai dự án “Tăng cường thu gom, phân loạt và tái chế bao bì nhựa hướng tới mục tiêu tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa trên địa bàn 2 quận, huyện (quận 3 và huyện Nhà Bè) và dự án “Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam - Cảng Tân Cảng Cát Lái”. Tại Hà Nội thực hiện “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu tiêu thụ túi ni lông sử dụng một lần tại các siêu thị và các nhà bán lẻ. Phú Yên triển khai dự án “Thu gom rác thải biển bằng tàu cá: Thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân”, nhằm thí điểm hỗ trợ cộng đồng ngư dân địa phương thành lập một đội tình nguyện thu gom rác thải trên biển và đưa chất thải thu gom được trong quá trình đánh bắt về bờ.
PV: Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn và các cam kết về giảm tiêu thụ, ngăn chặn rò rỉ nhựa ra môi trường?
Bà Fanny Quertamp: Hiện nay, Việt Nam đang sản xuất và tiêu dùng ngày càng nhiều nhựa, nhất là nhựa bao bì và gặp phải các khó khăn, thách thức về quản lý RTN. Trước thực trạng trên, Việt Nam cần tiếp cận kinh tế tuần hoàn để phát triển ngành nhựa bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2019, Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn (tháng 5/2019, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 13/CT-TTg về phát triển bền vững xác định mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn là mục tiêu quốc gia). Theo đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai; các sáng kiến về giảm túi nhựa, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế RTN được cộng đồng tích cực thực hiện.
Hướng tới xây dựng Liên minh siêu thị giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni lông dùng một lần
Cùng với đó, nhiều chính sách, quy định pháp luật về quản lý RTN đã được ban hành, cụ thể là quy định xây dựng khung pháp lý về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Luật BVMT năm 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg (2018) phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn tới năm 2025 tầm nhìn tới năm 2050. Theo đó, Chiến lược xác định một trong các mục tiêu đến năm 2025 là sử dụng 100% túi thân thiện với môi trường trong các trung tâm thương mại, siêu thị, nhằm hạn chế túi ni lông khó phân hủy; Quyết định số 1746/QĐ-TTg, năm 2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030… Có thể nói đây là những Chiến lược, chính sách quan trọng nhằm quản lý hiệu quả chất thải nhựa.
PV: Bà có đề xuất, kiến nghị gì để Việt Nam thực hiện hiệu quả các mô hình tuần hoàn cho nhựa trong thời gian tới?
Bà Fanny Quertamp: Theo tôi, Việt Nam cần có các dữ liệu về ô nhiễm nhựa đáng tin cậy để có thể đánh giá các hoạt động đã triển khai. Khó có thể biết được chính xác chủng loại và số lượng rác thải đổ ra đại dương. Các con số hiện nay thường chỉ mang tính ước đoán. Vì chủ đề này rất phức tạp, nên cần xác định các phương pháp khoa học, đáng tin cậy để tính toán và tổng quan về thực trạng RTN. Mặt khác, cần hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu dài hạn và đánh giá hiệu quả của các nghiên cứu trong triển khai các chính sách môi trường.
Về vấn đề kỹ thuật và pháp lý, cần áp dụng và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn phù hợp (ở cấp quốc gia và khu vực) về RTN; kinh phí cho cơ sở hạ tầng quản lý rác thải: Nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi nguồn tài chính lớn; Sự điều phối của Nhà nước về chính sách môi trường và quản lý rác thải cần thống nhất trong phân công trách nhiệm; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người dân về giảm thiểu RTN.
Ngoài ra, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho nhựa là cần thiết, đây là mô hình kinh tế bền vững và thay thế cho kinh tế tuyến tính truyền thống. Mô hình tuyến tính gồm các công đoạn sản xuất, sử dụng và thải bỏ. Còn trong kinh tế tuần hoàn, sẽ sử dụng tối đa giá trị tài nguyên, sau đó thu hồi và tái sản xuất sản phẩm và nguyên liệu vào cuối vòng đời của chúng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy sáng tạo.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)