05/05/2021
Trung Trường Sơn là khu vực có giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH) cao cả về lớp hệ thực vật rừng và động vật rừng - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu, là nơi trú ngụ của rất nhiều loài độc đáo nhưng đang trong tình trạng nguy cấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 10 năm (1996 - 2006), diện tích và độ che phủ rừng của khu vực Trung Trường Sơn tăng, nhưng chất lượng rừng và tính ĐDSH của toàn vùng có xu hướng suy giảm do sự khai thác sản phẩm rừng quá mức của con người, sự tác động chuyển đổi diện tích đất rừng làm hủy hoại sinh cảnh, suy giảm nguồn thức ăn phong phú của các loài dẫn đến suy giảm các loài động, thực vật. Trong khi đó, khu vực này thường xuyên phải hứng chịu mọi thiên tai lũ lụt và hạn hán; đồng bào chủ yếu là các nhóm dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, sinh kế chủ yếu dựa vào rừng.
Với mục tiêu khôi phục và duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái độc đáo ở khu vực Trung Trường Sơn, Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo GMS năm 2005 tại Côn Minh - Trung Quốc đã phê duyệt thí điểm Dự án Sáng kiến hành lang bảo tồn ĐDSH (BCI), triển khai tại khu vực này từ năm 2006 - 2010. Việc thành lập hành lang sinh cảnh liên kết giữa vùng Trung Trường Sơn và các khu vực ưu tiên xung quanh nhằm đảm bảo cho các quá trình tiến hóa tự nhiên của cả hệ sinh thái. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải phục hồi nhiều diện tích sinh cảnh rộng lớn, phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội và phương thức sử dụng đất hình thành trong vòng 50 năm qua ở khu vực này. Kế thừa kết quả tích cực của Dự án BCI, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Dự án “Hành lang bảo tồn ĐDSH Tiểu vùng Mê Công mở rộng - Giai đoạn 2” (Dự án BCC) bằng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Dự án BCC được giao cho Bộ TN&MT là cơ quan chủ quan và triển khai trên thực tế tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trong thời gian 9 năm từ năm 2011-2020 với mục tiêu trung hạn là: “Hành lang ĐDSH được thành lập ở Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đi kèm với các kế hoạch quản lý, khung chính sách thí điểm”.
Thiết lập hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên
Trong quá trình triển khai, Dự án cũng gặp các khó khăn, vướng mắc, song với sự nỗ lực của Bộ TN&MT và sự đồng thuận của chính quyền, cộng đồng địa phương của 3 tỉnh tham gia Dự án BCC, đến cuối năm 2018, hành lang ĐDSH kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên trong phạm vi từng tỉnh đã chính thức được thành lập với tổng diện tích của cả 3 hành lang là 298.145,65 ha lấy theo ranh giới hành chính của 35 xã tham gia Dự án, trừ diện tích rừng tự nhiên là rừng đặc dụng thuộc phạm vi 35 xã. Trong đó, phân vùng bảo vệ chiếm 219.014,02 ha (73,5% diện tích hành lang), bao gồm: 139.098,45 ha rừng phòng hộ tương đương 63,5% diện tích vùng bảo vệ và 79.915,57 ha rừng sản xuất tương đương 36,5% diện tích vùng bảo vệ (trong đó có 60.431,41 ha là rừng tự nhiên, phần còn lại là đất có cây gỗ tái sinh); và phân vùng phát triển chiếm 79.131,63 ha (26,5% diện tích hành lang). Diện tích rừng trong vùng bảo vệ của hành lang ĐDSH được phân bố cho 3 nhóm chủ rừng là Tổ chức (Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ); Hộ gia đình/Cộng đồng; UBND xã/Quân đội.
Các chuyên gia Dự án BCC chụp ảnh tại khu rừng trồng rừng phục hồi xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Các hành lang ĐDSH thuộc Dự án BCC được xác định là loại hành lang cảnh quan, được thí điểm thành lập với năm mục tiêu: Kết nối sinh cảnh, tăng cường chất lượng các hệ sinh thái trong hành lang ĐDSH, góp phần duy trì độ che phủ rừng tại khu vực hành lang ĐDSH (67% đối với Quảng Trị; 69% đối với Quảng Nam; 83% đối với Thừa Thiên - Huế); Góp phần, bảo đảm duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu trong khu vực hành lang ĐDSH; Phát huy trách nhiệm của các chủ rừng, đặc biệt là cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng; Thí điểm việc lồng ghép các nội dung quản lý hành lang ĐDSH vào các chính sách hiện có, tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, đề xuất cơ chế chính sách mới về hành lang ĐDSH; Cải thiện sinh kế cộng đồng để tăng thu nhập người dân, thông qua các hoạt động lồng ghép triển khai các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo, dân tộc, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để hướng tới các mục tiêu này, Dự án BCC đã thí điểm thực hiện các hoạt động với 2 nhóm chính. Nhóm 1 là các hoạt động lâm sinh, bao gồm các hoạt động quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng/ hộ gia đình, quản lý rừng cộng đồng, điều tra lập địa, trồng phục hồi rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Nhóm 2 là các hoạt động phát triển sinh kế, bao gồm: sinh kế nông nghiệp, sinh kế lâm nghiệp (trồng rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ), thành lập quỹ phát triển xã, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, phát triển các mô hình phát triển kinh doanh nâng cao chuỗi sản xuất nông - lâm nghiệp. Việc lồng ghép ĐDSH vào trong các hoạt động của Dự án tại các thôn bản tham gia Dự án là nguyên tắc đầu tiên trong quá trình triển khai các hoạt động. Đến thời điểm cuối năm 2020, Dự án đã đạt được những kết quả tích cực và kinh nghiệm nhất định trong việc thực thi nguyên tắc này.
Phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý hành lang ĐDSH
Kết quả triển khai trên thực tế cho thấy, diện tích rừng trong vùng hành lang ĐDSH được thiết lập có hiện trạng rừng khác nhau. Các khu vực rừng tự nhiên có chất lượng tốt (tính ĐDSH cao) đều nằm trong các khu rừng phòng hộ đang được quản lý bởi các BQL rừng được nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, liền kề đó là diện tích của các khu rừng tự nhiên sản xuất (chiếm diện tích bằng 1/3 diện tích vùng bảo vệ của hành lang ĐDSH) có chất lượng thấp hơn (tính ĐDSH cũng kém hơn) và những khu vực này không thuộc quyền quản lý của các BQL rừng phòng hộ mà được quản lý tạm thời bởi UBND cấp xã, trong khi UBND xã không có đủ nguồn lực để quản lý hiệu quả các khu rừng này. Nếu không có các biện pháp quản lý và phục hồi các diện tích rừng này một cách hợp lý thì không những tài nguyên tại khu vực này bị suy giảm, mà các diện tích rừng và tính ĐDSH của các khu vực rừng phòng hộ và rừng đặc dụng liền kề nói trên cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo.
Hoạt động đầu tiên mà Dự án thực hiện đó là quy hoạch sử dụng đất cấp xã gắn với hành lang ĐDSH có sự tham gia của người dân để rà soát các diện tích rừng và đất rừng nằm ngoài diện tích rừng phòng hộ của 35 xã, từ đó xác định chính xác các đối tượng rừng và đất lâm nghiệp hiện có tại thực địa để đưa ra các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng phù hợp với thực tế và yêu cầu, nguồn lực của Dự án cũng như các quy định có liên quan. Đến năm 2014, Dự án đã xác định được hai hướng tác động lâm sinh chính:
Đối với hoạt động quản lý rừng cộng đồng (CFM): Các diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đưa vào triển khai mô hình quản lý rừng cộng đồng của Dự án BCC cần đáp ứng các tiêu chí: Diện tích đất có rừng liền vùng, liền khoảnh tối thiểu từ 75 ha trở lên; Nằm trong diện tích hành lang ĐDSH đã xác định; Khu rừng đang được UBND xã tạm thời quản lý, chưa giao cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức; Cộng đồng có truyền thống bảo vệ rừng và có nguyện vọng được Nhà nước giao rừng để phát triển và sử dụng lâu dài; Khu rừng hiện không có tranh chấp hoặc nguv cơ xảy ra tranh chấp sử dụng đất rừng...
Với các tiêu chí được thiết lập, Dự án đã xây dựng được mô hình CFM tại 37 thôn, thuộc 22/35 xã với tổng diện tích là 13.684,89 ha (tương đương 22,6% diện tích đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất trong phân khu bảo vệ của hành lang ĐDSH). Các địa phương đã cụ thể hóa nội dung CFM qua nhiều bước: Tăng cường năng lực cho các cộng đồng địa phương, thành lập bộ máy CFM thôn bản; thiết lập quy chế hoạt động; thiết lập quy ước quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tiến hành điều tra rừng; giao rừng; giao đất và cấp sổ đỏ cho cộng đồng; cung cấp trang thiết bị tuần tra, bảo vệ rừng; lập và thực hiện các kế hoạch quản lý 5 năm.
Nguồn kinh phí vận hành hoạt động CFM một phần từ kinh phí hỗ trợ tuần tra của Dự án và địa phương; đồng thời hưởng lợi từ 2.924,00 ha lâm sản ngoài gỗ được Dự án hỗ trợ trồng dưới tán rừng tự nhiên, được khai thác bền vững các sản phẩm từ rừng theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, khi triển khai đồng bộ các biện pháp nêu trên thông qua hoạt động CFM, một phần diện tích của hành lang ĐDSH được tăng tính kết nối, các diện tích rừng này sẽ được quản lý tốt hơn, qua đó làm giảm các nguy cơ tác động tiêu cực đến rừng của toàn vùng.
Đối với các khu vực đất trống liền vùng liền khoảnh có diện tích tối thiểu 0,5 ha, các diện tích có cây bụi, trảng cỏ có diện tích tối thiểu 1 ha, các khu vực có cây tái sinh mục đích chưa thành rừng diện tích tối thiểu 1 ha do các hộ gia đình có truyền thống sử dụng, Dự án đã vận động người dân địa phương đưa các diện tích này tham gia vào Dự án, tiến hành điều tra lập địa để xác định biện pháp lâm sinh phù hợp (trồng rừng phục hồi và trồng làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên). Dự án đã hỗ trợ các hộ gia đình kinh phí để thực hiện các biện pháp lâm sinh này, đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những diện tích chưa được giao. Kết quả là đến hết năm 2019, Dự án đã hoàn thành tổng diện tích phục hồi rừng là 4.624,95 ha là các diện tích đáp ứng các tiêu chí của Dự án, đạt 77% mục tiêu (trong đó trồng mới bằng cây bản địa là 2.464,3 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên là 1.442,05 ha; trồng làm giàu rừng là 718,6 ha). Dự án đã cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 995 hộ gia đình cho hơn 2.200 ha diện tích rừng sản xuất.
Phát triển sinh kế gắn với bảo tồn ĐDSH
Song song với việc thiết lập các hoạt động lâm sinh, Dự án BCC đã tích cực triển khai các hoạt động cải thiện sinh kế cho cộng đồng khu vực Dự án thông qua các mô hình trình diễn về sản xuất nông lâm nghiệp và hỗ trợ sản xuất cho các hộ gia đình thông qua Quỹ phát triển xã và đầu tư một số công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ. Trong khi các hoạt động lâm sinh thể hiện rõ tác động tích cực trực tiếp tới mục tiêu bảo tồn ĐDSH cho cả khu vực thì các hoạt động sinh kế của Dự án đóng góp cho mục tiêu bảo tồn ĐDSH thông qua việc xác định tiêu chí lựa chọn các hoạt động và các đối tượng hưởng lợi.
Các hoạt động sinh kế được đầu tư bởi Dự án phải đáp ứng 8 tiêu chí, trong đó các tiêu chí quan trọng nhất là mô hình được lựa chọn phải đóng góp vào mục tiêu tổng thể của Dự án bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp làm giảm các mối đe dọa đối với các khu bảo tồn và hành lang ĐDSH (ví dụ như không nuôi dê, không trồng keo lai...); đem lại lợi ích cho cộng đồng người dân tộc thiểu số và các hộ gia đình nghèo bằng cách tạo ra thu nhập hoặc các lợi ích khác; khả thi về kỹ thuật, thị trường và trong phạm vi mức đầu tư của Dự án. Các hộ được lựa chọn thực hiện mô hình phải là hộ có uy tín trong cộng đồng và được người dân trong thôn bình chọn, không tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn ĐDSH, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ khác trong cộng đồng…
Các hộ gia đình được ưu tiên vay vốn của Quỹ Phát triển xã là các hộ đã có thành tích trong bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH, 100% các hộ tham gia vay vốn được truyền thông về bảo vệ rừng và ký cam kết bảo tồn với sự giám sát của Ban Quản lý Quỹ. Các hộ gia đình được vay vốn trong phạm vi từ 7 - 10 triệu đồng với thời gian vay vốn là 2 năm, lãi suất áp dụng theo lãi suất cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách Xã hội vào cùng thời điểm. Điểm khác biệt của Quỹ phát triển xã trong Dự án BCC là các hộ vay vốn sẽ được hỗ trợ kèm theo các kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn; các quy định chia sẻ và giảm rủi ro trong quá trình vận hành Quỹ. Theo kết quả khảo sát của Tư vấn Quỹ phát triển xã giữa năm 2017, tỷ lệ số hộ tham gia vào các hoạt động vay vốn Quỹ Phát triển xã tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng cao nhất ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ 90,0% các hộ vay vốn; ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỷ lệ này là 85,2%.
Bảng thông tin khu vực rừng cộng đồng tại xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Trong nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của các thôn/bản, Dự án BCC đã hỗ trợ xây dựng 75 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, trong đó có 44 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài 37,1km; 9 kênh mượng thủy lợi và mương thoát nước thôn bản với chiều dài 5.870m; 1 dự án cải tạo đồng ruộng và 7 trường học được nâng cấp; 8 nhà văn hóa thôn bản… mang lại lợi ích cho 7.260 hộ gia đình và 831 học sinh, góp phần cải thiện giao thông nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Việc lựa chọn đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng được thực hiện thông qua tham vấn các cộng đồng thôn mà phần lớn đều là các thôn có tham gia hoạt động quản lý rừng cộng đồng. Thông qua việc xây dựng công trình này, Dự án tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận với các cơ hội phát triển sinh kế khác và giảm tải áp lực phụ thuộc vào rừng như xây dựng các lớp học mầm non; xây dựng đường liên thôn tạo thuận lợi cho việc giao lưu, mở rộng khả năng tiếp cận nguồn cung hay thị trường cho các sản phẩm hàng hóa địa phương; xây dựng nhà cộng đồng tạo ra không gian để cộng đồng sinh hoạt tập thể, truyền thông, trao đổi về các vấn đề cộng đồng trong đó có việc tổ chức các hoạt động bảo vệ phát triển rừng và ĐDSH... Chính quyền địa phương cũng cam kết việc vận hành và duy trì các công trình này sẽ hỗ trợ việc quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH. Đến thời điểm kết thúc Dự án, đơn vị giám sát và đánh giá độc lập của Dự án đã ghi nhận thu nhập và tài sản của các hộ gia đình mục tiêu được lựa chọn ngẫu nhiên trong khu vực Dự án năm 2019 tăng 58,1% so với năm 2011 (mục tiêu của Dự án là tăng 50%).
Thực tế cho thấy, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án với các hoạt động lâm sinh hay nâng cao sinh kế, cơ sở hạ tầng tương tự như trong Dự án BCC. Tuy nhiên, các hoạt động đó được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và liên tục trong khoảng thời gian nhất định, do vậy, hiệu quả tác động còn hạn chế. Tại Dự án BCC, tất cả các hoạt động này được thực hiện đồng bộ, tập trung vào cùng một khu vực với mục tiêu chính là bảo tồn ĐDSH thông qua việc thiết lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên. Nhờ đó mà Dự án đã huy động được diện tích đất tương đối lớn, tập trung tham gia vào Hành lang bảo tồn ĐDSH. Nếu không có các tiêu chí và sự lồng ghép giữa các hoạt động thì sẽ rất khó huy động được sự tham gia của người dân địa phương trong công tác thiết lập và thí điểm quản lý bảo tồn hành lang ĐDSH; các diện tích trồng và phục hồi rừng sẽ xảy ra tình trạng có quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác, không đủ để tạo ra được các tác động có ý nghĩa, đồng thời có thể có rủi ro là người dân sẽ chặt bỏ để trồng cây nông nghiệp hoặc các loài cây khác có giá trị kinh tế cao hơn sau khi Dự án kết thúc.
Để duy trì tính bền vững và phát huy các kết quả đã đạt được trong Dự án, UBND 3 tỉnh và 6 huyện tham gia Dự án BCC được khuyến nghị tiếp tục bố trí và huy động các nguồn lực tài chính để triển khai các kế hoạch quản lý hành lang ĐDSH đã phê duyệt. Trong bối cảnh nguồn lực của địa phương có hạn thì việc lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc áp dụng bộ tiêu chí tương tự trong Dự án BCC là một phương án tối ưu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH không chỉ trên địa bàn 3 tỉnh Dự án mà có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
TS. Nguyễn Thành Vĩnh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải, ThS. Đặng Thị Tươi
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
ThS. Dương Hải Nguyên, Tư vấn CFM, Dự án BCC
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)