Banner trang chủ

Đóng góp tài chính để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với tái chế các sản phẩm, bao bì

04/04/2022

    Luật BVMT năm 2020, Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế chất thải của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; Nghị định 08/2022/NĐ-CP (NĐ 08), Điều 81 quy định về trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (gồm: thiết bị điện - điện tử; pin - ắc quy; săm lốp; dầu nhớt, phương tiện giao thông và bao bì) được lựa chọn tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động tái chế. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bài viết này đề xuất một số nội dung về xác định đóng góp tài chính thực hiện EPR đối với tái chế sản phẩm, bao bì tại Việt Nam.

1. Kinh nghiệm quốc tế

    Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là tiếp cận chính sách môi trường dựa trên việc bắt buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đầy đủ đối với các tác động môi trường - cả trong vòng đời hữu ích của sản phẩm và trong giai đoạn cuối vòng đời sản phẩm khi các sản phẩm và bao bì trở thành chất thải. Với EPR, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời sản phẩm đó, có thể bao gồm trách nhiệm thu hồi, phân loại và xử lý tái chế sản phẩm và bao bì hoặc trách nhiệm đóng góp tài chính cho việc thực hiện các hoạt động đó. EPR nhằm mục đích chuyển trách nhiệm quản lý chất thải hoặc trách nhiệm tài chính cho quản lý chất thải sau tiêu dùng từ chính quyền địa phương và những người nộp thuế nói chung sang người sản xuất - phù hợp với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả”. EPR đã phát triển từ cuối những năm 1980 tại Đức và sau đó đã được giới thiệu đến hầu hết các nước Châu Âu (EU) và nhiều nước trên thế giới.

    Tại các quốc gia EU: Chương trình EPR đã được thực hiện một cách có hệ thống ở tất cả các quốc gia thành viên với 4 dòng sản phẩm chính là pin, xe hết niên hạn (ELV), thiết bị điện - điện tử (WEEE) và bao bì. Bên cạnh đó, các chương trình EPR khác phổ biến nhất tại nhiều nước EU: lốp xe, giấy đồ họa, dầu nhớt, chất thải y tế và màng nông nghiệp. Mặc dù EPR, về lý thuyết, là nghĩa vụ cá nhân, nhưng trên thực tế, các nhà sản xuất thường thực hiện trách nhiệm này một cách tập thể. Tại EU, các Tổ chức Trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO) được thành lập để thực hiện EPR thay cho các nhà sản xuất. Các PRO có thể thực hiện ba chức năng chính: (1) thu tiền đóng góp của các nhà sản xuất và phân bổ các khoản tài chính tương ứng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế sản phẩm, bao bì; (2) quản lý dữ liệu liên quan; (3) tổ chức và/ hoặc giám sát các hoạt động này. Theo thời gian, tỷ lệ chi phí vận hành do nhà sản xuất chi trả đã tăng dần, có khi đạt 100%. Ngoài việc tập hợp đóng góp tài chính của các nhà sản xuất, vai trò của các PRO đã hướng tới nhiều hoạt động can thiệp hơn và phạm vi hoạt động rộng hơn (quản lý dữ liệu, tổ chức vận hành, tổ chức đấu thầu, truyền thông,…).

    Mức đóng góp tài chính do nhà sản xuất chi trả rất khác nhau đối với các danh mục sản phẩm, phản ánh sự khác biệt về phạm vi chi trả, về chi phí ròng thực tế của việc thu gom và xử lý tái chế chất thải (hoặc cả hai). Chi phí bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả các yếu tố bên ngoài việc thiết kế và thực hiện chương trình EPR như: mật độ dân số và điều kiện địa lý; cơ sở hạ tầng quản lý chất thải; giá trị nguyên vật liệu thứ cấp trên thị trường quốc gia; ý thức và sự sẵn sàng tham gia của công dân; sự hiện diện của các công cụ chính sách bổ sung về chất thải, đặc biệt là các công cụ kinh tế như phí vứt rác, phí chôn lấp. Ví dụ, các nhà sản xuất ở Pháp phải trả cho PRO là 240 EUR/ tấn pin, trong khi ở Bỉ là 5.400 EUR/ tấn. Với bao bì, khoản tiền mà nhà sản xuất phải trả dao động từ 14EUR/ tấn đến 200EUR/ tấn, trung bình là 92EUR/ tấn. Mức đóng góp cho tái chế xe ô tô dao động từ rất thấp, chỉ 3-4 EUR/ chiếc ở Phần Lan và Áo, đến 45 EUR/ chiếc ở Hà Lan, và khá cao, 66 EUR/ chiếc ở Slovakia.

Bảng: Mức đóng góp tài chính để tái chế sản phẩm, bao bì của một số quốc gia (Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Loại sản phẩm, bao bì

  Mức đóng góp tài chính tham khảo (quy đổi ra đồng VN)

Bao bì giấy, carton

3.700 đ/ kg (Hàn Quốc); 2.266 đ/ kg (EU); 1.237 đ/ kg (Israel); 2.767 đ/ kg (Nhật); 1.817 đ/ kg (Bỉ); 416 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 703 đ/ kg (Hà Lan); 3.005 đ/ kg (Rumani)

Bao bì giấy đa lớp

443 – 2.266 đ/ kg (EU); 1.817 đ/ kg (Bỉ); 416 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 703 đ/ kg (Hà Lan); 3.005 đ/ kg (Rumani)

Bao bì nhôm

3.020 đ/ kg (Hàn Quốc); 2.947 đ/ kg (EU);  1.517 đ/ kg (Bỉ); 1.460 đ/ kg (Israel); 639 đ/ kg (Hà Lan); 5.530 đ/ kg (Rumani)

Bao bì sắt và kim loại khác

1.740 đ/ kg (Hàn Quốc); 1.501 đ/ kg (EU); 1.460 đ/ kg (Israel); 20.308 đ/ kg (Bỉ); 416 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 639 đ/ kg (Hà Lan); 3.005 đ/ kg (Rumani)

Bao bì nhựa PET cứng

7.200 đ/ kg (Hàn Quốc); 2.904 đ/ kg (EU); 391 đ/ kg (Nhật); 21.749 đ/ kg (Bỉ); 2.940 đ/ kg (Israel); 581 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 20.461 đ/ kg (Hà Lan); 5.243 đ/ kg (Rumani)

Bao bì nhựa HDPE, LDPE, PP, PS cứng

6.540 đ/ kg (Hàn Quốc; 4.617 đ/ kg (EU); 13.666 đ/ kg (Nhật); 21.749 đ/ kg (Bỉ); 581 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina);; HDPE: 3.113 đ/ kg; LDPE: 3.294 đ/ kg; PP: 4.059 đ/ kg; PS: 5.435 đ/ kg (Israel); 20.461 đ/ kg (Hà Lan); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Bao bì EPS cứng

6.340 đ/ kg (Hàn Quốc); 6.662 đ/ kg (EU); 13.666 đ/ kg (Nhật);

581 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 20.461 đ/ kg (Hà Lan); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Bao bì nhựa PVC cứng

19.620 đ/ kg (Hàn Quốc); 7.315 đ/ kg (EU); 13.666 đ/ kg (Nhật);

581 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 20.461 đ/ kg (Hà Lan); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Bao bì đơn vật liệu mềm

6.540 đ/ kg (Hàn Quốc; 15.180 đ/ kg (Nhật); 565 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Bao bì đa vật liệu mềm

9.340 đ/ kg (Hàn Quốc); 15.180 đ/ kg (Nhật); 499 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Bao bì thủy tinh (chai, lọ, hộp)

680 đ/ kg (Hàn Quốc); 445 đ/ kg (EU); 1.020 đ/ kg (Bỉ); 416 đ/ kg (Bosnia & Herzegovina); 1.946 đ/ kg (Israel); Chai TT màu: 1.917 đ/ kg; TT không màu: 852đ/ kg; TT nâu 1.144 đ/ kg (Nhật);1.790 đ/ kg (Hà Lan); 3.677 đ/ kg (Rumani)

Ắc quy chì

25.020 đ/ kg (SEK); 175.417 đ/ kg (Slovak); 128.225 đ/ kg (California);

Ắc quy khác và pin sử dụng một lần

15.600 đ/ kg (Hàn Quốc); 25.020 đ/ kg (SEK); 175.417 đ/ kg (Slovak); 205.160 đ/ kg (California); Ắc quy Magie, thủy ngân: 974.510 đ/ kg (California)

Pin sạc sử dụng cho phương tiện giao thông

3.200 – 16.000 đ/ kg (Hàn Quốc); 6.950 đ/ kg (SEK);  7.506 đ/ kg (Slovak); 6.672 đ/ kg (Pháp); 150.729 đ/ kg (Áo); 31.200 đ/ kg (Nhật); 205.160 đ/ kg (California)

Pin sạc sử dụng cho các thiết bị điện – điện tử khác

25.020 đ/ kg (SEK); 7.506 đ/ kg (Slovak); 31.200 đ/ kg (Nhật); 205.160 đ/ kg (California);

Dầu nhớt cho động cơ

400 đ/ lít (Hàn Quốc); 1.946 đ/ kg (Slovakia); 5.500 đ/ người/ năm (Bỉ); 19.460 đ/ người/ năm (Italia); 0 đ (Đức, hệ thống tự trang trải chi phí từ hoạt động tái chế)

Săm, lốp các loại

600 đ/ kg (Hàn Quốc); 7.506 đ/ kg (Slovakia); 230.000 đ/ chiếc (Madison, Mỹ)

Tủ lạnh, tủ đông

3.940 đ/ kg (Hàn Quốc); > 250 lít: 482.160 đ/ cái; < 250 lít: 321.440 đ/ cái (Đài Loan)

Sản phẩm xanh: > 250 lít: 337.840 đ/ cái; < 250 lít: 224.680 đ/ cái (Đài Loan)

367.000 đ/ cái < 90kg; 700.000 đ/ cái > 90kg (Slovakia)

Điều hòa không khí

1.960 đ/ kg (Hàn Quốc); 197.620 đ/ cái SP thường; 138.580 đ/ cái SP xanh (Đài Loan)

Máy tính bảng, máy tính xách tay

3.760 đ/ kg (Hàn Quốc); 5.560 đ/ cái (SEK); 31.980 đ/ cái SP thường; 22.140 đ/ cái SP xanh (Đài Loan); 6.672 đ/ cái (Slovakia) 70 đ/ cái (Canada)

Ti vi, màn hình máy tính, các loại màn hình khác

3.920 đ/ kg (Hàn Quốc); Không LCD, >27 inches: 304.220 đ/ cái; < 27 inches: 202.540 đ/ cái (Đài Loan); LCD, > 27 inches: 191.060 đ/ cái; < 27 inches: 104.140 đ/ cái (Đài Loan); < 36 inches: 23.352 đ/ cái; 37-49 inches: 40.032 đ/ cái; 50 – 69 inches: 73.392 đ/ cái; 77- 88 inches: 140.112 đ/ cái; TV tới 100 kg: 367.000 đ/ bộ (Slovakia) 

Bóng đèn compact

30.375 đ/ kg hoặc 1.688 đ/ cái (Slovakia); 20.700 đ/ cái (California)

Bóng đèn huỳnh quang

4.860 đ/ cái (Hàn Quốc); 1.390 đ/ cái (SEK);

30.375 đ/ kg (Slovakia) hoặc 1.688 đ/ cái; 3.680 đ/ cái (California)

Máy rửa bát

128.770 đ/ cái (Slovakia); 805.000 đ/ cái (Madison, Mỹ)

Bếp điện, bếp từ, lò nướng, lò vi sóng

26.354 đ/ cái (Slovakia);

 

Quạt (quạt cây, treo tường, quạt điều hòa)

> 12 inches: 27.880 đ/ cái SP thường; 19.680 đ/ cái SP xanh (Đài Loan);

< 12 inches: 15.580 đ/ cái SP thường; 10.660 đ/ cái SP xanh (Đài Loan)

Máy giặt, máy sấy

2.740 đ/ kg (Hàn Quốc); 128.770 đ/ cái (Slovakia); 251.740 đ/ cái SP thường; 176.300 đ/ cái SP xanh (Đài Loan); 805.000 đ/ cái (Madison, Mỹ)

Máy ảnh, quay phim

2.000 - 3.003 đồng/ cái (Slovakia)

Thiết bị âm thanh

33.360 – 100.080 đ/ cái ( Slovakia )

Lò sưởi, đèn sưởi

805 đ/ kg (Madison, Mỹ)

Máy tính để bàn

3.760 đ/ kg (Hàn Quốc); 16.680 đ/ cái (SEK); 94.136 đ/ cái SP thường; 63.960  đ/ cái SP xanh (Đài Loan); 345 đ/ kg (Canada)

Máy in, photocopy, scan, fax

Máy in 5.460 đ/ kg, Máy Fax, Photocopy: 8.060 đ/ kg (Hàn Quốc); 17.952 đ/ kg (California); 116.760 đ/ cái (Slovakia)

Máy in Jet: 82.820 đ/ cái SP thường; 78.720 đ/ cái SP xanh (Đài Loan);

Máy in Laser: 118.080 đ/ cái SP thường; 112.340 đ/ cái SP xanh (Đài Loan);

Máy in điểm Dot-matrix type: 124.640 đ/ cái SP thường; 118.080 đ/ cái SP xanh (Đài Loan)

Điện thoại di động

52.980 đ/ kg (Hàn Quốc); 667 đ/ chiếc (Slovakia)

Phụ kiện máy tính

17.952 đ/ kg (California); 20.016 đ/ bộ (Slovakia)  (không gồm màn hình)

Tấm quang năng

5.338 đ/ kg (Slovakia)

Phương tiện giao thông cơ giới

Ô tô động cơ < 2.000 cc: 1.456.000 – 3.328.000 đ/ xe, động cơ > 2.000cc: 2.080.000 – 3.744.000 đ/ xe (Nhật); 111.200 đ/ xe (Áo, Phần Lan); 1.251.000 đ/ xe (Hà Lan); 1.834.000 đ/ xe ô tô; 46.704đ/ xe đạp điện – xe máy điện (Slovakia)

    Hàn Quốc: Ban hành quy định về EPR năm 2000, áp dụng từ năm 2003. Từ đó đến nay, nhiều sản phẩm, bao bì tiếp tục được đưa vào danh mục đối tượng thực hiện EPR. Tính đến năm 2014, các mặt hàng thuộc chương trình EPR bao gồm 27 sản phẩm điện tử được xác định theo sắc lệnh Tổng thống về “Tuần hoàn tài nguyên chất thải điện và điện tử và các phương tiện giao thông hết niên hạn”; các loại lốp xe, dầu mỡ, pin/ ắc quy, đèn huỳnh quang, phao xốp, và các loại bao bì được xác định theo sắc lệnh tổng thống về “Khuyến khích Tiết kiệm và Tái chế Tài nguyên”. Các nhà sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng EPR phải thu hồi và tái chế các sản phẩm, bao bì ở cuối vòng đời sản phẩm, hoặc trả chi phí cho các PRO. Ngoài ra, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, phát triển công nghệ tái chế, thiết kế hiệu quả tài nguyên, hạn chế sử dụng các chất độc hại và sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm dễ tái chế hơn. Các nhà sản xuất, nhập khẩu có thể thiết lập PRO để thực hiện trách nhiệm tái chế bắt buộc. Mức đóng góp tài chính của các nhà sản xuất, nhập khẩu do các PRO công bố trên cơ sở cân nhắc định mức chi phí tái chế (phí tiêu chuẩn) cho các sản phẩm, bao bì EPR do Chính phủ ban hành. Để quyết định mức phí tái chế tiêu chuẩn, Bộ Môi trường huy động các cơ quan chuyên môn tính toán các khoản phí này trên cơ sở ước tính chi phí của các hoạt động tái chế - bao gồm cả thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế. Tập đoàn Môi trường Hàn Quốc (KECO), một tổ chức công được thành lập theo Đạo luật KECO và được điều hành bởi Bộ Môi trường, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hóa đơn, chứng từ của các nhà sản xuất, nhập khẩu và hoạt động của PRO để đảm bảo đạt được các mục tiêu EPR.

    Đài Loan: Thực hiện EPR từ năm 1998. Có 33 loại sản phẩm thuộc13 nhóm là đối tượng phải tái chế - trong đó có các loại bao bì, 2 nhóm rác thải điện tử là sản phẩm công nghệ thông tin (như máy tính, máy chiếu, thiết bị hội thảo…) và các thiết bị gia dụng (như TV, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh…). Hai tháng một lần, các nhà sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện tử nộp tiền vào Quỹ Tái chế, căn cứ trên số lượng sản phẩm mà họ bán trong nước và định mức chi phí tái chế cho các sản phẩm khác nhau. Quỹ Tái chế được quản lý bởi Ban Quản lý Quỹ (RFMB) thuộc Cục BVMT Đài Loan (EPAT). Ban Quản lý Quỹ (RFMB), với sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên và các bên hữu quan, định kỳ xác định mức đóng góp tài chính cho tái chế tính trên mỗi đơn vị sản phẩm phải tái chế theo luật định. Các nhà tái chế sẽ nhận được một khoản trợ cấp từ RFMB để bù đắp chi phí cho các hoạt động tái chế. Mức trợ cấp khác nhau giữa các sản phẩm, cũng được xác định bởi RFMB. Tuy trực thuộc Cục BVMT Đài Loan (EPAT) nhưng RFMB đóng vai trò như Tổ chức trách nhiệm của nhà sản xuất - một tổ chức trung gian tái chế (PRO). Năm 2012 RFMB đã khởi xướng chương trình phí tái chế xanh, theo đó các nhà sản xuất và nhập khẩu được giảm các khoản đóng góp chi phí tái chế từ 10% tới 30% nếu sản phẩm của họ bán ra thị trường là loại được dán nhãn sinh thái, trong đó có các loại nhãn sinh thái được cấp ở Đài Loan như nhãn Môi trường của EPAT, nhãn tiết kiệm nước và nhãn tiết kiệm năng lượng của Bộ Kinh tế. Mục đích của phí tái chế xanh là khuyến khích thiết kế xanh các sản phẩm nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tái chế, giảm chi phí của hoạt động tái chế và do đó, giảm chi phí môi trường. Với việc đóng góp chi phí EPR, Đài Loan đã đạt được tỷ lệ thu hồi 60% tổng lượng chất thải và tạo ra một ngành công nghiệp tái chế phát triển nhờ chương trình tái chế của chính phủ. Đến nay, khoảng 60% lượng thiết bị gia dụng và thiết bị công nghệ thông tin được sản xuất và nhập khẩu được báo cáo đã đủ tiêu chuẩn áp dụng phí tái chế xanh. Một số mặt hàng có tỷ lệ sản phẩm được công bố là xanh đạt hơn 80%, điều này cho thấy các nhà sản xuất và nhập khẩu có thể dễ dàng đạt điều kiện đối với tỷ lệ tái chế xanh. Tuy nhiên, chương trình Phí tái chế xanh đã dẫn đến nguy cơ mất cân bằng Quỹ tái chế do giảm các khoản đóng góp tài chính của các nhà sản xuất/ nhập khẩu sản phẩm.

    Từ nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của EU, Hàn Quốc, Đài Loan và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, Canađa…., có thể rút ra một số bài học mang tính nguyên tắc về đóng góp tài chính trong thực hiện EPR như sau:

- Đóng góp tài chính thực hiện EPR là rất phổ biến. Thay vì tự tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì của mình, nhiều nhà sản xuất lựa chọn đóng tiền vào quỹ tái chế hoặc một tổ chức công được điều hành bởi cơ quan quản lý môi trường cấp quốc gia, hoặc thông qua các Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PRO);

- Đóng góp tài chính của nhà sản xuất cần phản ánh trung thực nhất có thể chi phí thực tế ở cuối vòng đời của mỗi loại sản phẩm, bao bì. Những loại khó thu gom, vận chuyển, tái chế sẽ phải đóng góp chi phí cao hơn loại dễ thu gom, vận chuyển, tái chế. Trong nhiều trường hợp, khi hệ thống EPR đã đi vào vận hành tương đối ổn định, sẽ áp dụng bổ sung quy định “điều biến sinh thái” (Eco-modulation): sản phẩm có tính thân thiện hơn với môi trường, sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ được ưu đãi giảm mức đóng góp tài chính;

- Dù đóng góp qua quỹ hay PRO, các quốc gia đều áp dụng theo nguyên tắc “tính đủ chi phí(full cost principle). Theo đó, đóng góp của nhà sản xuất để thực hiện EPR phải bao gồm (1) các chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý tái chế sản phẩm, bao bì sau quá trình tiêu dùng; (2) các chi phí quản lý như chi phí hành chính liên quan đến vận hành hệ thống, chi phí truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan, chi phí giám sát hệ thống (gồm cả chi phí kiểm toán và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa tình trạng trốn tránh trách nhiệm của nhà sản xuất…). Chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế được trả cho các nhà tái chế; chi phí quản lý được sử dụng cho tổ chức vận hành hệ thống EPR;

- Trong đa số trường hợp, ở giai đoạn đầu thực hiện EPR, đóng góp của nhà sản xuất chỉ đáp ứng một phần các chi phí tái chế (mang tính chất hỗ trợ), phần còn lại vẫn được chi trả từ ngân sách địa phương. Khi hệ thống EPR ngày càng hoàn thiện, sẽ tiến tới nhà sản xuất phải chi trả toàn bộ theo cơ chế thị trường;

- Mục đính chính của việc đóng góp tài chính là tạo động cơ kinh tế thúc đẩy thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Khi phải thực hiện EPR, nhà sản xuất có thể lựa chọn tăng giá và đẩy gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng. Nhưng giá tăng thì lượng cầu tiêu dùng sẽ giảm. Vì thế, các nhà sản xuất “khôn ngoan” thì cần giữ để không tăng giá. Thay vào đó, nhà sản xuất sẽ phải tìm cách (liên tục) đổi mới, thiết kế lại sản phẩm để dễ tái chế/tái sử dụng, giảm chất thải trong sản xuất và tiêu dùng, vì điều này giúp nhà sản xuất giảm được chi phí sản xuất và giảm nhẹ trách nhiệm của họ ở cuối vòng đời sản phẩm. Khi đã thân thiện hơn với môi trường như vậy, khoản tiền mà nhà sản xuất phải đóng góp cũng sẽ giảm đi. Như vậy, tạo nguồn thu không phải là mục đích của EPR.

2. Đề xuất đối với Việt Nam

    Điều 81 của NĐ 08/2022/NĐ-CP quy định Đóng góp tài chính vào Quỹ BVMTVN của từng loại sản phẩm, bao bì (F) được xác định theo công thức: F = R x V x Fs. Trong đó: F là tổng số tiền (đồng) mà nhà sản xuất phải đóng cho Quỹ BVMTVN theo từng loại sản phẩm, bao bì; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc (%) của từng loại sản phẩm, bao bì, quy định tại Điều 78 của NĐ; V là khối lượng (kg) sản phẩm, bao bì đưa ra thị trường trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị sản phẩm, bao bì (đồng/ kg) - bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Như vậy, xác định định mức chi phí tái chế (Fs) có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện trách nhiệm tài chính khi các nhà sản xuất chọn hình thức đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế. Từ kinh nghiệm các quốc gia, một số đề xuất đối với việc xác định định mức chi phí như sau:

- Xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì phù hợp với công nghệ và tỷ lệ, quy cách tái chế; tuân thủ quy trình kỹ thuật; tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, phù hợp với chất lượng của dịch vụ tái chế;

- Xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì phù hợp với điều kiện thực tế tổ chức thực hiện dịch vụ; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế - xã hội;

- Định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì cần được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu; để bảo đảm việc tổ chức, vận hành, giám sát hệ thống, quản lý dữ liệu cũng như truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan thì chi phí quản lý hành chính của Quỹ BVMT Việt Nam và Hội đồng EPR quốc gia cần được xác định là 10% trong tổng chi phí; 

- Đóng góp tài chính cho Quỹ BVMTVN để thực hiện EPR phải cao hơn chi phí tái chế của các PRO/cơ sở tái chế nhằm khuyến khích các nhà sản xuất, nhập khẩu tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế hoặc ủy quyền qua PROs (trong dài hạn: thúc đẩy thiết kế thân thiện với môi trường, kinh tế tuần hoàn...);

- Xác định định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì được thực hiện bởi tổ chức ủy quyền của Bộ TN&MT (Hội đồng EPR quốc gia) với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu và các bên hữu quan, trên cơ sở khảo sát và thu thập thông tin chi phí thực tế như nêu trên.

    Ngoài ra, cần khẳng định lại rằng: đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, theo Điều 54 Luật BVMT năm 2020, là đóng góp tự nguyện và chỉ là một trong các phương án mà doanh nghiệp được quyền lựa chọn nhằm thực hiện trách nhiệm tái chế. Đây thực chất là hình thức nhà sản xuất, nhập khẩu ủy thác qua Quỹ BVMT Việt Nam để tổ chức tái chế thay cho trách nhiệm của mình. Khoản đóng góp là để trực tiếp thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, xuất khẩu đối với việc tái chế các sản phẩm, bao bì khi chúng trở thành chất thải sau quá trình tiêu dùng. Đây là dạng quỹ tài chính ngoài ngân sách, không phải là phí, lại càng không phải là thuế môi trường.

    Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, việc quản lý, sử dụng các khoản kinh phí đóng góp để hỗ trợ tái chế cần được thực hiện dưới sự giám sát của nhiều tổ chức độc lập khác nhau, gồm Hội đồng EPR quốc gia, Bộ TN&MT và chính các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tiền hỗ trợ tái chế. Hội đồng EPR và Quỹ BVMT Việt Nam có trách nhiệm công khai, thông báo cho nhà sản xuất, nhập khẩu kết quả tái chế theo số tiền mà họ đã đóng góp. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu cũng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, đáp ứng các yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

PGS.TS Lê Thu Hoa

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

Tài liệu tham khảo:

  • OECD (2001), Extended Producer Responsibility: A Guidance Manual for Governments, OECD Publishing, Paris.
  • OECD (2013), What have we learned about extended producer responsibility in the past decade? – A survey of the recent EPR economic literature, OECD Publishing, Paris.
  • OECD (2016), Extended Producer Responsibility - updated guidance for efficient waste management, OECD Publishing, Paris.
  • Prevent Waste Aliance (2019), EPR Toolbox: Know-how to enable Extended Producer Responsibility for Packaging,
  • Hyein Heo & Mun-hee Jung (2014), Case study for OECD project on Extended Producer Responsibility in Republic of Korea
Ý kiến của bạn