Banner trang chủ

Đề xuất thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông

07/09/2021

     Ngày 1/9/2021, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Bộ vừa có văn bản trao đổi với Bộ TN&MT về việc triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

     Bộ Công an đánh giá, với hơn 50 triệu ô tô và mô tô hiện nay, có 5 nguyên nhân làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị, gồm: Số lượng phương tiện cá nhân, nhất là mô tô (chạy động cơ xăng tăng nhanh) và không kiểm soát về khí thải khi hoạt động. Các loại ô tô, đặc biệt là ô tô cá nhân tăng, nhưng phần lớn tiêu chuẩn về khí thải chỉ đạt mức tối thiểu để giảm giá bán; công cụ kiểm soát khí thải từ giá xăng, dầu chưa hiệu quả, kiểm soát khí thải từ đăng kiểm chỉ có chỉ số đạt hay không đạt, dẫn đến thiếu kích thích chủ xe nâng cao chất lượng phương tiện. Trong khi đó, hiện nay, vẫn áp chung chính sách thuế, phí liên quan đến phương tiện, không có chính sách ưu tiên phương tiện giảm ô nhiễm không khí, thân thiện với môi trường (xe điện, tiết kiệm nhiên liệu) để kích thích sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ dòng xe này. Việc hạn chế phương tiện cá nhân tại một số địa phương đã đưa ra phương án, nhưng tính thực thi rất khó, phụ thuộc nhiều vào sự phát triển phương tiện công cộng, vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị. Đồng thời, với tốc độ phát triển kinh tế được đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, theo kinh nghiệm quốc tế khi thu nhập đầu người trên 3.000 USD sẽ bùng nổ phương tiện ô tô cá nhân và xu hướng chuyển từ mô tô sang ô tô sẽ nhanh chóng, gây áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng và ảnh hưởng đến môi trường không khí.

Ảnh minh họa

     Do đó, Bộ Công an đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ có các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Đó là việc bổ sung các quy định của pháp luật như: Bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy định kỳ kiểm tra khí thải, tuy nhiên, đơn giản hóa việc kiểm tra, không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô; Có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là bảo dưỡng thường xuyên phương tiện giao thông, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành. Cùng với đó, bổ sung thông số về khí thải trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và BVMT, màu của tem kiểm định để phân biệt các thông số khí thải, cung cấp cho người tiêu dùng từ nhập khẩu đến kiểm định định kỳ.

     Bộ Công an cũng đề nghị có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu; Có cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam, như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe điện. Mặt khác, cần có lộ trình hạn rõ ràng, khả thi hơn về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe máy và tiến tới cấm xe máy quá niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông để BVMT, giảm ùn tắc giao thông và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại; Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa 2 kỳ kiểm định, kèm theo đó là chế tài xử lý nghiêm minh.

     Bộ Công an cho biết, sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện; Thiết kế, lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn